Giáo dục

Bài học từ vụ Hiệu trưởng trường mầm non bị kỷ luật vì lạm thu

Những việc “lình xình” xung quanh chuyện thu chi xảy ra ở trường mầm non này đã diễn ra từ những năm học trước nhưng mãi đến năm học 2016-2017 mới được xử lý.

LTS: Câu chuyện lạm thu là vấn đề lớn còn tồn tại trong các cơ sở đào tạo hiện nay.

Từ vụ việc Hiệu trưởng trường mầm non Hưng Thắng (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bị kỷ luật do lạm thu, thầy giáo Bùi Minh Tuấn cho rằng cần rút ra bài học về sự quản lý trong ngành giáo dục hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!


Dường như đã thành “điệp khúc”, hầu như năm học nào câu chuyện về tình trạng lạm thu ở các đơn vị trường học cũng trở thành vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận.

Dù vào dịp đầu năm học mới, cơ quan quản lý giáo dục các cấp đã vào cuộc chấn chỉnh nhưng tình trạng lạm thu ở các cơ sở vẫn tiếp tục tái diễn.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những đơn vị sai phạm, cần gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu nếu để ngăn chặn tận gốc tình trạng lạm thu.

Từ những bức xúc của các bậc phụ huynh về tình trạng thu chi có nhiều khuất tất diễn ra tại trường mầm non Hưng Thắng (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).

Sau gần một tháng vào cuộc kiểm tra, vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo Hưng Nguyên đã thống nhất quyết định kỷ luật ở hình thức cảnh cáo đối với cô giáo Lê Thị Thu Hà, hiệu trưởng nhà trường vì đã có nhiều sai phạm trong việc thu chi ở trường trong năm học 2016-2017.

Đồng thời, Phòng Giáo dục và Đào tạo Hưng Nguyên cũng yêu cầu trường mầm non Hưng Thắng trả lại tất cả những khoản thu trái quy định cho phụ huynh.

truong mam non Hung Thang
Trường mầm non Hưng Thắng. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Trong số những khoản thu sai quy định tại đơn vị trường học này, có những khoản thu quá cao, nằm trong danh mục tự nguyện nhưng đều mang tính chất “ép” học sinh phải nộp như:

Tiền vận động xã hội hóa 700.000 đồng; tiền thuê cô nấu ăn thay cha mẹ cho học sinh bán trú 344.000 đồng; tiền đồ dùng học liệu 365.000 đồng…

Tổng số tiền các bậc phụ huynh phải đóng lên tới hơn 3.300.000 đồng/học sinh.

Rõ ràng, với một xã thuần nông như Hưng Thắng, số tiền phải nộp như trên là quá cao, nếu không muốn nói là quá sức chịu đựng đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Dường như đã thành “điệp khúc”, hầu như năm học nào câu chuyện về tình trạng lạm thu ở các đơn vị trường học cũng trở thành vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận.

Dù vào dịp đầu năm học mới, cơ quan quản lý giáo dục các cấp đã vào cuộc chấn chỉnh nhưng tình trạng lạm thu ở các cơ sở vẫn tiếp tục tái diễn.



Còn nhớ, Trong năm học 2015 - 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức thanh tra tại 117 trường học các cấp.

Kết quả, có tới 35 trường sai phạm ở những mức độ khác nhau, chiếm tỷ lệ 29,9%, trong đó có 4 trường thu vượt mức quy định cho phép, 20 trường thu sai quy định.

Trong số những trường sai phạm, nhiều trường mầm non xuất hiện tình trạng lạm thu với các hình thức “thu thỏa thuận” như: Thu tiền thay cha mẹ chăm sóc học sinh; hỗ trợ học tập; tiền mua đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Đến năm học 2016 - 2017, tình trạng lạm thu tiếp tục tái diễn.

Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, nhiều trường chưa được sự phê duyệt kế hoạch vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp của cấp có thẩm quyền nhưng vẫn tổ chức vận động; tổ chức thu theo kiểu cào bằng, ấn định cụ thể mức vận động đóng góp.

Theo đó, một số trường chưa thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các khoản thu chi liên quan đến xã hội hóa giáo dục.

Vấn đề đặt ra là, vì sao năm nào các cấp quản lý giáo dục từ Phòng tới Sở cũng có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và trực tiếp “ra quân” kiểm tra việc thực hiện các khoản thu đầu năm nhưng tình trạng lạm thu vẫn diễn ra ở nhiều đơn vị trường học thuộc các cấp học khác nhau?

Trở lại với vụ việc diễn ra ở trường mầm non Hưng Thắng, qua tìm hiểu được biết, những việc “lình xình” xung quanh chuyện thu chi xảy ra ở trường mầm non này đã diễn ra từ những năm học trước nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm.

Đến năm học 2016-2017, nhà trường đặt ra các khoản thu quá cao, người dân bức xúc, báo chí vào cuộc, lúc đó việc kiểm tra, xử lý mới được rốt ráo thực hiện.

Như vậy, bài học lớn nhất có thể rút ra từ vụ việc này đó là, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập các đoàn thanh, kiểm tra thì việc xử lý đối với những đơn vị sai phạm cần phải được thực hiện nghiêm, kịp thời, đủ sức răn đe.

Theo đó, cần gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng lạm thu.

Việc trả lại các khoản thu trái quy định là đương nhiên nhưng không phải cứ thu sai, khi bị phát hiện, tiến hành trả lại là xong, bởi nếu như vậy, tình trạng lạm thu vẫn không thể chấm dứt và giải quyết dứt điểm.

Chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân nhằm phục vụ việc thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển là hoàn toàn đúng đắn.

Mặc dầu vậy, các trường không nên nhân chủ trương “xã hội hóa giáo dục” mà “lạm phát” các khoản thu ngoài quy định lấy danh nghĩa tự nguyện.

Trong khi mức sống của nhiều người dân ở các vùng, miền là không đồng đều, việc các trường thu thêm các khoản ngoài quy định, hay việc tự định ra các mức “sàn” đóng góp có thể sẽ khiến cho người dân không hiểu đúng về ý nghĩa đích thực của chủ trương xã hội hóa trong giáo dục.

Nên chăng, thay vì chỉ chú trọng tới các khoản tự nguyện đóng góp theo kiểu “đại trà” từ phụ huynh học sinh, các nhà trường cần năng động, nhạy bén hơn trong việc tiếp cận, tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, các mạnh thường quân có lòng hảo tâm.

Điều quan trọng là những khoản tiền xã hội hóa phải được bắt nguồn từ tinh thần đóng góp thực sự tự nguyện từ phía phụ huynh và điều quan trọng là, các khoản thu đó phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP