Pháp luật

Bà Thanh Nhàn AIC bị truy tố khung cao nhất tội đưa hối lộ

Đến nay bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn bỏ trốn chưa ra đầu thú. Viện kiểm sát đồng quan điểm với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an việc cần truy tố, đưa cựu chủ tịch AIC ra xét xử vì đưa hối lộ hơn 43 tỉ đồng để trúng các gói thầu ở Đồng Nai.

Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn vẫn bị viện kiểm sát truy tố - Ảnh: AIC Group

Ngày 24-11, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ…" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) và các đơn vị liên quan.

Viện kiểm sát truy tố 36 bị can, trong đó có nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và cựu lãnh đạo AIC.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - bị xác định có vai trò cầm đầu, chịu trách nhiệm chính - bị truy tố hai tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội đưa hối lộ.

Bà Nhàn bỏ trốn trước khi bị khởi tố và bị truy nã đến nay đã hơn sáu tháng. Mới đây, Bộ Công an cũng phát đi thông báo yêu cầu bà Nhàn và bảy người khác đang bỏ trốn ra đầu thú.

Bà Nhàn bị cơ quan truy tố cáo buộc đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành 14,5 tỉ đồng, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái 14,5 tỉ đồng và cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai 14,8 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, bà Nhàn là người thành lập Công ty AIC. Bà chỉ đạo nhiều thuộc cấp thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các công ty "quân xanh" để đảm bảo cho AIC được trúng thầu.

Trong quá trình điều hành công ty, Nguyễn Thị Thanh Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên AIC phải thực hiện "quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng" của Công ty cổ phần Tri thức và Công nghệ cao quốc tế (viết tắt là Công ty TCI - công ty con của Công ty AIC), trong đó có nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định pháp luật.

Để đảm bảo Công ty AIC có đủ năng lực dự thầu, bà Nhàn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn - kế toán trưởng, Lê Thị Hương - nhân viên kế toán - chỉnh sửa các số liệu trong báo cáo tài chính nhằm gian lận hồ sơ đấu thầu.

Tại tỉnh Đồng Nai, lợi dụng mối quan hệ với ông Trần Đình Thành là bí thư Tỉnh ủy khi đó, trước khi UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng bệnh viện, bà Nhàn đã nhờ giới thiệu để tạo điều kiện cho AIC tham gia và trúng thầu.

Chính vì được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề nghị tạo điều kiện nên Phan Huy Anh Vũ - cựu giám đốc Sở Y tế - đã chỉ định đơn vị tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế, lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu là các công ty do Nhàn giới thiệu.

Ông Vũ giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga - phó tổng giám đốc AIC - làm việc với các đơn vị thẩm định giá để thông đồng, chuẩn bị hồ sơ, đưa công ty "quân xanh" vào tham gia thầu nhằm đảm bảo cho Công ty AIC trúng thầu.

Biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực tài chính nhưng bà Nhàn vẫn chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh báo cáo tài chính, làm sai lệch hồ sơ để gian lận đấu thầu.

Từ những chiêu trò "làm xiếc" trên, Công ty AIC đã trúng 16 gói thầu trang thiết bị y tế và xây lắp trị giá hơn 665 tỉ đồng. Cơ quan điều tra quy kết bà Nhàn hưởng lợi hơn 148 tỉ đồng.

Ngoài ra, sau khi trúng thầu, bà Nhàn còn ký các phụ lục điều chỉnh mức phạt hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng để Công ty AIC hưởng lợi trái phép, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước số tiền 3,5 tỉ đồng.

Hành vi của bà Nhàn bị xác định gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

Cáo trạng kết luận, hành vi đưa 43,8 tỉ đồng cho những người có chức vụ của bà Nhàn để Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật, phạm vào tội "đưa hối lộ", quy định tại khoản 4, điều 364 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Tác giả: THÂN HOÀNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP