► Video: Ba lần Formosa cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam
Sập giàn giáo khiến 13 người chết
Khoảng 8h tối 25/3/2015, giàn giáo đúc bê tông giếng chìm tại công trường dự án lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương thuộc khu công nghiệp Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị sập khiến 13 người chết, 29 người bị thương. Lực lượng cứu hộ đã phải làm việc suốt hơn 20 tiếng để đưa các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Sập giàn giáo khiến 13 người chết
Khoảng 8h tối 25/3/2015, giàn giáo đúc bê tông giếng chìm tại công trường dự án lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương thuộc khu công nghiệp Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị sập khiến 13 người chết, 29 người bị thương. Lực lượng cứu hộ đã phải làm việc suốt hơn 20 tiếng để đưa các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Lãnh đạo Formosa cùng các nhà thầu cúi đầu xin lỗi toàn thể người dân Việt Nam về sự cố sập giàn giáo Vũng Áng cách đây hơn 1 năm. Ảnh: Đức Hùng.
Có mặt muộn khoảng 30 phút tại buổi họp báo sau đó hai ngày, ông Thái Chi Pháp, Trưởng đại diện Formosa tại Hà Tĩnh cùng đại diện của các nhà thầu đã cúi đầu xin lỗi các nạn nhân cùng toàn thể người dân Việt Nam vì đã gây phiền toái.
Tại phiên tòa cuối tháng 12/2015, bốn người liên quan vụ việc gồm chỉ huy trưởng công trường Kim Jong Wook bị phạt 3 năm 6 tháng tù, đốc công Le Jea Myeong 3 năm tù. Hai công nhân người Việt Nam là Nguyễn Thái Đức và Nguyễn Anh Tuấn bị phạt từ 30 tháng đến 3 năm cùng về tội Vi phạm quy định về an toàn lao động.
Phát ngôn gây sốc
Cuối tháng 4 vừa qua, sau hiện tượng cá biển chết hàng loạt xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung, nhiều nghi vấn hiện đổ về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển.
Ngày 25/4, trả lời VTC, ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại Công ty Formosa đã nói: "Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Nhiều khi mình phải lựa chọn, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép". Phát ngôn này tạo nên làn sóng phản ứng dữ dội.
Lần thứ hai Formosa xin lỗi Chính phủ, người dân Việt Nam là sau phát ngôn "chọn tôm cá hay gang thép" gây phản ứng của ông Chu Xuân Phàm, nguyên Phó phòng đối ngoại của tập đoàn. Ảnh: Đức Hùng
Chiều 26/4, lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo, cúi đầu xin lỗi toàn thể nhân dân Việt Nam về phát ngôn gây sốc của ông Chu Xuân Phàm. "Phát ngôn đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa Formosa, chính quyền Hà Tĩnh và Chính phủ Việt Nam. Đây là ý kiến cá nhân của ông Phàm, chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm khắc", ông Trương Phục Ninh, Phó tổng giám đốc Formosa nói. Tại buổi họp báo, ông Chu Xuân Phàm cũng cúi đầu xin lỗi vì những câu nói sai trái của mình.
Ông Chu Xuân Phàm bị sa thải sau đó một ngày vì lý do gây búc xúc cho người dân Việt Nam và ảnh hưởng lớn tới tập đoàn.
Thủ phạm gây ra thảm họa môi trường
Sau nhiều lần cho rằng công ty vô can, chiều 29/6, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa thay mặt hơn 6.000 cán bộ, nhân viên đọc bản xin lỗi dài gần 7 phút, thừa nhận là thủ phạm gây ra sự cố môi trường khiến hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. Formosa cho hay, nguyên nhân là do sự cố trong quá trình vận hành thử nhà máy.
Sau đó ông cùng 6 đại diện công ty đã hai lần gập người cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam (đặc biệt là nhân dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam.
Ông Trần Nguyên Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa (áo đen) cùng 6 đại diện khác cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì sự cố hải sản chết ở miền Trung.
"Chúng tôi tha thiết mong người dân rộng lượng và tha thứ. Bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố, chúng tôi mong sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam", ông Trần Nguyên Thành nói trước sự chứng kiến của gần 50 đại diện các bộ, ngành Việt Nam cùng các nhà khoa học.
Tiếp đó, Chủ tịch Formosa cam kết thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, Formosa cam kết khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, xây dựng giải pháp đồng bộ kiểm soát môi trường biển, không đê tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
"Mong rằng bằng sự chân thành từ trái tim, sự nỗ lực tối đa trong giải quyết sự cố này, chúng tôi sẽ nhận được sự cảm thông của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Chúng tôi vô cùng biết ơn Chính phủ đã chỉ đạo tìm ra nguyên nhân. Chúng tôi tha thiết mong người dân rộng lượng và tha thứ", Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Formosa nói.
Tác giả bài viết: Đức Hùng & Hải Bình