Một báo cáo được gửi đi từ The Information ngày hôm nay cho thấy Apple vẫn đang phải đối mặt với một cuộc chiến kéo dài suốt 5 năm, gây tiêu tốn của hãng hàng tỷ USD mỗi năm. Đó chính là nạn sửa chữa, thay thế linh kiện iPhone lậu ở Trung Quốc.
Apple "khốn khổ" vì nạn thay thế linh kiện
Apple tốn hàng tỷ USD mỗi năm vì nạn sửa chữa iPhone lậu ở Trung Quốc |
Vấn đề xảy ra khi nhiều tổ chức "đen" tại đây tìm cách thay thế, loại bỏ các bộ phận có giá trị trên một chiếc iPhone như CPU, màn hình, để đem bán. Sau đó đối với phần còn lại, những kẻ gian này mang tới Apple Store để báo hỏng, nhằm thay thế theo chính sách bảo hành của công ty.
Trước đó, các chuỗi bán lẻ của Apple luôn tiếp cận với việc thay thế, sửa chữa thiết bị của người dùng một cách thoải mái. Những chiếc iPhone chỉ cần đạt điều kiện là không cố ý gây hư hỏng, là đã có thể đổi thiết bị mới nếu còn trong thời gian bảo hành.
Tuy nhiên vào năm 2013, các nhà khoa học làm việc tại Apple phát hiện thấy ngày một nhiều thiết bị iPhone đã chuyển đổi Apple ID sau khi được sửa chữa. Điều này cho phép họ đánh giá những trường hợp gian lận một cách khá trực quan, vì nếu là một khách hàng thông thường, họ sẽ đăng nhập lại đúng Apple ID cũ sau khi đổi trả.
Những con số "biết nói" sau đó đã gây "sốc" cho Apple, khi có tới 60% thiết bị được sửa chữa/bảo hành ở Trung Quốc và Hồng Kông bị phát hiện là gian lận vào mùa cao điểm.
Thông báo tài chính trong năm 2013 cho biết Apple bắt đầu chi 1,6 tỷ USD dành riêng cho các hoạt động sửa chữa gian lận trong giai đoạn đó, và cuối cùng kết thúc chi tiêu với 3,7 tỷ USD.
"Trò mèo đuổi chuột" giữa Apple và các băng nhóm tội phạm
Apple liên tục tìm cách giải quyết, để rồi lại bị các băng nhóm tội phạm qua mặt. |
Do thiết kế nguyên khối của những chiếc iPhone nên các nhân viên thường không được phép mở nắp chiếc điện thoại để kiểm tra linh kiện bên trong, và các băng nhóm tội phạm đã lợi dụng điều này.
Apple sau đó yêu cầu tất cả các thiết bị iPhone đều phải chạy phần mềm thử nghiệm để kiểm tra xem chúng có bị đánh tráo linh kiện hay không. Nhưng một lần nữa hoạt động này đã bị dễ dàng qua mặt, vì kẻ gian chỉ cần làm cho iPhone không mở màn hình được.
Một số tổ chức tội phạm thậm chí còn tinh vi hơn, đã mua lại hồ sơ khách hàng của Apple dành cho mỗi chiếc iPhone được được bán ra. Sau đó, chúng cấu hình lại những chiếc iPhone giả mạo, từ phần mềm cho tới mã iMEI được khắc trên vỏ nhằm đánh lừa Apple rằng thiết bị còn bảo hành, nhưng trên thực tế thì đã hết hạn.
Apple đã liên tục thích ứng, nhưng các kẻ gian lận cũng làm điều tương tự. Các băng nhóm này thậm chí dùng bạo lực để de dọa các nhân viên, quản lý cửa hàng Apple nhằm thu thập dữ liệu khách hàng.
Không chỉ riêng tại Trung Quốc, vấn đề này đã lan sang nhiều thị trường khác. |
Nhằm hạn chế vấn nạn nêu trên, Apple giờ đây yêu cầu tất cả các trường hợp bảo hành iPhone đều phải được gửi tới các trung tâm sửa chữa đặc biệt, nhằm thử nghiệm, đánh giá một cách nghiêm ngặt hơn. Apple thậm chí còn sử dụng các biện pháp bảo mật đối với nhiều chi tiết trên iPhone, điển hình như thuốc nhuộm vô hình ghi trên pin và CPU của iPhone.
"Cuộc chiến" dai dẳng giữa Apple và các băng nhóm tội phạm ở Trung Quốc đã kéo dài suốt 5 năm, tiêu tốn hàng tỷ đô la, và cuối cùng Apple đã thành công khi ước tính rằng việc sửa chữa gian lận ở Trung Quốc đã giảm từ mức cao nhất 60% xuống khoảng 20%.
Thế nhưng trong giai đoạn gần đây, Apple lại tiếp tục phải đối mặt với vấn đề tương tự tại các thị trường khác, như Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ,... Đây được xem là một cuộc chiến không bao giờ kết thúc dành cho công ty lớn nhất thế giới.
Tác giả: Nguyễn Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí