Pháp luật

Anh thợ điện Cà Rê đổi 100 USD xin miễn phạt 90 triệu

Lấy lý do không có tiền, anh Cà Rê xin cơ quan chức năng ở Cần Thơ cho phép không nộp phạt số tiền 90 triệu đồng vì đổi 100 USD tại tiệm vàng.

Trao đổi với Zing.vn sáng 24/10, đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vẫn chưa nộp 90 triệu đồng tiền phạt theo quyết định của UBND TP Cần Thơ. Anh Cà Rê nói không có tiền, nên anh xin Công an TP Cần Thơ cho miễn nộp phạt.

Tiệm vàng Thảo Lực (thuộc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry, nơi anh Cà Rê đổi 100 USD (2,3 triệu đồng)) đã nộp phạt 295 triệu đồng. Tiệm vàng này còn bị phạt bổ sung là tịch thu 100 USD (2,3 triệu đồng), 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Anh Cà Rê trao đổi vụ việc với báo chí. Ảnh: Nhật Tân.

Theo Điều 76, 77 và 79 luật Xử phạt vi phạm hành chính, nếu anh Cà Rê có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (được UBND phường xác nhận) thì có thể được hoãn, giảm, miễn hoặc nộp phạt nhiều lần. Hiện, anh Rê đã có đơn gửi Công an TP Cần Thơ để được xem xét.

Hơn hai tháng trước, anh Cà Rê mang tờ 100 USD (2,3 triệu đồng) (được người thân cho) đến tiệm vàng Thảo Lực ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, để đổi. Sau khi đổi, anh Cà Rê nhận số tiền gần 2,3 triệu đồng thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản và tạm giữ số tiền trên.

Ngày 4/9, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ký hai quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry và anh Cà Rê. Giám đốc Công an TP Cần Thơ là người được UBND TP Cần Thơ giao tổ chức thực hiện việc xử phạt.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), UBND TP Cần Thơ xử phạt anh Cà Rê và Công ty Nhân Đạt Jewelry là không sai. Tuy nhiên, theo ông Đức, Điểm a, Khoản 3, Điều 24, Nghị định 96/2014 của Chính phủ mà UBND TP Cần Thơ áp dụng để xử phạt anh Cà Rê cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để "đi vào cuộc sống".

"Theo tôi, người dân thường được bạn bè cho 50 USD (1,2 triệu đồng) hoặc 100 USD (2,3 triệu đồng). Có người cần tiền xài thì mang ra tiệm vàng để đổi được 1-2 triệu đồng mà bị phạt 90 triệu thì không khả thi chút nào. Nếu xử lý thì nên phạt tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ, còn anh Cà Rê thì tịch thu 100 USD (2,3 triệu đồng) là đủ sức răn đe", vị luật sư chia sẻ.

Luật sư Đức cũng nói rằng cốt lõi vấn đề là xử lý nghiêm khắc hoặc ngăn chặn việc tiệm vàng thu đổi ngoại tệ không phép. Còn người dân khi đổi ngoại tệ ít khi hỏi chủ chủ tiệm vàng về việc tiệm có được phép thu đổi ngoại tệ hay không.

"Một số quy định của pháp luật không đi vào cuộc sống, cần sửa đổi, bổ sung giống như Điều, Khoản áp dụng để xử phạt anh Rê", luật sư Đức nêu quan điểm.

Tương tự, luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói rằng: "Theo tôi nên xử lý người nhận đổi ngoại tệ là phù hợp nhất. Ở góc độ quản lý Nhà nước, nếu để một đơn vị chưa được phép đổi ngoại tệ tồn tại như vậy là phải xử lý địa phương vì lỗi trước tiên của chính quyền, chứ không ai đi phạt người dân".

Điểm a, Khoản 3, Điều 24 Nghị định 96/2014 (ngày 17/10/2014) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định: Phạt 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ. UBND TP Cần Thơ lấy mức phạt trung bình là 90 triệu đồng.

Tác giả: Việt Tường

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP