Mới đấy mà đã gần 50 năm trôi qua, kể từ ngày anh chị em chúng tôi được học những bài học đầu tiên từ Thầy - GS Phan Ngọc Liên.
GS Phan Ngọc Liên |
Ngày ấy, “đại bản doanh” của khoa Lịch sử đặt ở một làng cách thị trấn Đoàn Đào, Hưng Yên chừng năm, sáu kilômét. Giảng đường là những nếp nhà tranh tre nứa lá, do thầy, trò tự dựng, lợp. Lớp học của chúng tôi bé tí, chỉ kê đủ năm bộ bàn, ghế được ghép bằng những thân tre buộc chặt. Sàn lớp đổ xỉ than, đi kêu lạo xạo.
Cả lớp chỉ có 10 anh chị em, 7 nam, 3 nữ. Và thầy chủ nhiệm khoa Lê Văn Sáu thường khen, chúng tôi là những “hạt gạo trên sàng”. Chả là, sau 3 năm học tập, đại đa số anh chị em ra công tác, Khoa chỉ chọn giữ lại có 10 người để học tiếp năm thứ 4.
Hôm ấy, khoảng đầu Xuân năm 1969, trời mưa lất phất rắc như bụi phấn, hơi se lạnh, cây xoan trước lớp tỏa hương hăng hắc. Cả lớp chúng tôi cứ hai người một bàn, ngồi ngay ngắn và hồi hộp chờ thầy vào lớp. Qua thông tin “truyền khẩu” từ cán bộ lớp, thì thầy giáo dạy chuyên đề Phương pháp giảng dạy cho chúng tôi là một người miền Nam, mới ở Liên Xô về. Cả lớp háo hức lắm, và ngưỡng mộ những người thầy đã từng du học ở Liên Xô về chẳng khác gì đón chào thiên sứ từ trên thiên đường bay tới.
Sau vài phút, một người đàn ông dong dỏng cao, da trắng, khuôn mặt trái xoan bước vào lớp. Chúng tôi vừa đứng dậy chào, vừa… bí mật quan sát thầy. Với chất giọng trầm và ấm, thầy giới thiệu đôi nét về mình và làm quen với từng sinh viên trong lớp.
Tôi vui mừng vì nhận ra Thầy chính là người đã chụp ảnh cho mấy chị em chúng tôi cùng các thầy Chiêm Tế, Trương Hữu Quýnh, Đặng Đức An… và bác chủ nhà dân tộc Tày ở Việt Bắc cuối năm 1966. Hồi đó chúng tôi đang học năm thứ 2. Thầy còn trêu tôi sinh viên năm thứ 2 sao mà bé thế như học sinh cấp 2. Tôi e thẹn trả lời Thầy “vâng, vì em đi học trước tuổi Thầy ạ”.
Ba tiết học trôi qua sao nhanh thế. Ra khỏi giảng đường, chúng tôi sà ngay vào bếp ăn. Ngày đó, cả khoa, thầy và trò đều ăn chung một bếp. Thầy trò chúng tôi ngồi quây quần chung một mâm. Gọi là mâm cho sang chứ thời ấy “vũ khí” ẩm thực bất li thân của chúng tôi chỉ có một chiếc bát tô sắt tráng men và một chiếc thìa. Bát tô được xếp lên bàn và chị nuôi cứ thế xới cơm, rồi chan canh “toàn quốc”, rồi xếp một vài miếng đậu kho mặn.
Thỉnh thoảng lắm mới có một hai miếng thịt, thái mỏng như giấy, gắp lên không cẩn thận dễ bị gió thổi bay. Bát ai nấy bưng, ngồi tụ tập thành mâm, chỉ loáng cái là hết ngay tô cơm. Nhiều hôm còn chả có cơm, vỏn vẹn chỉ có chiếc bánh bột mì hấp hoặc luộc, vừa đen vừa rắn, nằm gọn trong bát. Chúng tôi gọi là nắp hầm, ăn veo một cái là hết.
Đang thời chiến, lại tuổi ăn tuổi lớn, chúng tôi chả bao giờ được ăn no bụng, ấy vậy mà vẫn học hành chăm chỉ, hàng tuần vẫn lên Hiệu bộ ở Đoàn Đào gánh gạo, gánh than cho nhà bếp, hoặc lấy sách cho lớp. Chị cấp dưỡng ưu tiên, bưng đặt trước mặt Thầy một tô cơm, một ít rau muống xào cùng vài ba miếng thịt kho.
Chúng tôi vừa ăn vừa trò truyện với Thầy. Thầy nhìn sang chúng tôi, như sực nhớ ra điều gì, Thầy bưng tô cơm, đĩa thức ăn, xẻ làm ba, bốn phần rồi xúc vào bát cho các chị ngồi cạnh Thầy. Phần còn lại, quay sang phía tôi, vừa trút cơm vào bát tôi, Thầy vừa trêu “dành cho cô học trò cấp 2, bé nhất lớp, ăn nhiều cho chóng lớn”. Mọi người cưới ầm lên vui vẻ. Tôi lí nhí nói lời cảm ơn Thầy. Thầy bảo, tôi quên, trưa nay bác chủ nhà dặn tôi về ăn cơm.
Thầy trìu mến nhìn lũ quỷ chúng tôi ăn ngon lành rồi kể chuyện về ngôi trường nào đó ở tận Liên Xô, nơi Thầy theo học. Thầy bảo, chúng ta chịu khó, chịu khổ vài năm nữa, hết chiến tranh, đất nước thống nhất, cả lớp chúng tôi sẽ là những hạt giống tốt cho các trường Đại học ở hai miền Nam – Bắc. Thầy thủ thỉ, ân cần. Chắc thương chúng tôi bị đói nên đã nhường cơm để chị em chúng tôi no lòng bữa đó.
Từ trái sang phải Các giáo sư: Chiêm Tế, Phan Ngọc Liên, Trương Hữu Quýnh, Đặng Đức An và bác chủ nhà Dân tộc Tày cùng các nữ sinh năm 2 tại Việt Bắc cuối 1966 |
Thời gian trôi đi, hết hè, kết thúc khóa học, tôi được ở lại Khoa công tác. Tôi vừa là trò, vừa là đồng nghiệp của Thầy. Sau một thời gian, tôi được đi học nghiên cứu sinh ở trường Đại học Tổng hợp Hoàng gia Praha, Cộng hòa Séc. Tôi nhớ rất rõ cảm xúc của mình khi nhận được lá thư của Thầy.
Chiều đông, tuyết rơi trắng xóa. Như thường lệ, chiều nào cũng vậy, từ thư viện hay giảng đường về kí túc xá là chúng tôi tạt qua phòng tin, mở hộp, tìm thư nhà. Thấy phong bì và nét chữ lạ, người gửi là Thầy, tôi không tin vào mắt mình. Và càng không hiểu sao Thầy lại gửi thư cho tôi. Trước khi đi học, tôi chỉ đến chào tạm biệt Thầy, cô. Từ đó cũng chưa có dòng thư nào gửi riêng về Thầy.
Tôi lóng ngóng, vội vàng xé bao thư và lướt nhanh từng dòng chữ. Linh tính như báo việc chẳng lành đang xảy ra với Thầy. Thầy hỏi thăm sức khỏe và việc học hành, nghiên cứu của tôi.
Và cuối thư Thầy báo tin, cô Dung, phu nhân của Thầy bị bệnh nan y, cô đang đau đớn trong cơn bạo bệnh. Thầy đã tìm nhiều thầy, nhiều bài thuốc, song hiện bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Thầy bảo, nếu tìm ở Praha có thuốc đặc trị, nhờ mua về gửi cho cô.
Tôi bàng hoàng, ngơ ngác bước vào phòng mình. Cô giáo vốn khỏe mạnh là thế, cớ sao lại đổ bệnh. Tôi không thể mua nổi thứ thuốc Thầy cần vì thuốc đặc hiệu ấy không bán trên thị trường. Sau vài tuần nhờ cậy, tìm kiếm không có kết quả, tôi viết thư về xin lỗi Thầy mà lòng day dứt. Chỉ có việc cỏn con ấy mà tôi đã không làm được cho Thầy! Sau đó tôi được tin cô đã mất, và tôi càng ân hận, xót xa.
Về nước, tôi ghé thăm Thầy và các cháu. Trong căn hộ nhỏ ở tập thể Đại học Bách khoa, Thầy sống trong cảnh gà trống nuôi con. Thầy gầy rộc đi, đôi mắt trũng sâu, giọng nói trầm buồn, nặng trĩu. Căn phòng lạnh lẽo, trống trải. Tôi thắp nén hương trầm khấn cô và quà biếu Thầy chỉ là chiếc bút kim tinh làm kỉ niệm.
Cuộc sống cứ trôi đi theo một chiều về quá khứ. Quy luật nghiệt ngã của cuộc đời chẳng loại trừ ai. Thầy đã dũng cảm và kiên cường vượt lên tất cả để cống hiến cho lí tưởng, cho sự nghiệp. Thầy như cây nến, tự đốt cháy mình để thắp sáng cho bao thế hệ học trò kế bước. Ngày gia đình và Nhà trường tiễn đưa Thầy về cõi vĩnh hằng, em cũng không có mặt vì mẹ em cũng vừa mất trước Thầy một ngày, sợ trùng tang, em phải ở nhà.
Em đã có bao nhiêu là lỗi với Thầy, mà ân nghĩa của Thầy thì không bao giờ trả hết. Thấm thoắt đã gần 50 năm từ ngày đầu nghe bài Thầy giảng và 9 năm Thầy ra đi về cõi vĩnh hằng, gọi là thắp nén hương thơm làm mát dạ Người, mong Thầy tha thứ.
Tác giả: Học trò Đài Lân
Nguồn tin: Báo Dân trí