Tết đến, xuân về cùng với nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động triển khai tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm lo đời sống cho đồng bào trên hai tuyến biên giới. Đặc biệt, chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân biên giới” do tuổi trẻ Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức là hoạt động thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo khí thế sôi nổi, tiếp thêm niềm tin và động lực cho đồng bào nơi biên cương…”
Ấm áp, chân tình và mộc mạc như những người thân lâu ngày găp lại, đồng bào Khùa, Mày ở các bản làng sát đường biên, cột mốc dọc trên biên giới miền Tây huyện Minh Hóa háo hức khi gặp đoàn công tác chúng tôi lên thực hiện chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân biên giới”. Những cái bắt tay thật chặt, miệng cười hồn nhiên như cây rừng, con suối, bà con dân bản vui vẻ khi đón nhận những món quà xuân tình nghĩa.
Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo thăm và tặng quà Tết cho đồng bào Mày ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. |
Già làng Hồ Thoong, người con trai cả của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phòm, nguyên cán bộ chỉ huy Đồn Biên phòng Cha Lo trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cảm động: “Dân bản vùng biên giới giờ đây cũng đã đỡ khổ hơn so với trước, có được sự đổi thay như ngày hôm nay cũng là nhờ vào bộ đội biên phòng đó.
Các chú biên phòng xuống bản san núi, ngăn sông thành ruộng đồng rồi hướng dẫn, bày vẽ cho dân làm lúa nước, mùa màng bội thu. Nghe các chú biên phòng nói, thấy các chú làm, dân bản ưng cái bụng rồi làm theo và bây giờ đã biết làm ruộng rồi. Cũng từ tình cảm và trách nhiệm với bà con dân bản, các chú biên phòng Cha Lo còn kết nối với các tổ chức thiện nguyện mang đến cho dân nhiều món quà ý nghĩa lắm đó...”
Cũng trong những ngày đầu xuân này, chúng tôi và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đưa Hồ Dưỡng về thăm quê em ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Bà con dân bản và những người thân đón em trong vòng tay yêu thương và ngập tràn nước mắt xen lẫn nụ cười. Cách đây 6 năm, khi em vừa mới lọt lòng thì mẹ em qua đời. Khi bàn tay tử thần sắp cướp em đi bởi hủ tục của đồng bào “khi sinh mẹ chết phải chôn con theo”, những người lính Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã có mặt.
Bằng mọi cách, các anh thuyết phục đồng bào cho em được sống, được làm người. Sự hiện diện của em hôm nay đã củng cố thêm tình đoàn kết gắn bó keo sơn và niềm tin bền chặt của đồng bào biên giới với người lính biên phòng. Một hủ tục lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức và biến thành phong tục tập quán của đồng bào Mày đã được xóa bỏ, thức tỉnh bà con, hướng tới những điều nhân bản hơn trong cuộc sống.
Nhớ lại câu chuyện buồn ngày đó, bà Hồ Thị Xuân, người dì ruột của Hồ Dưỡng gạt đi giọt nước mắt và ngậm ngùi nói: “Khi bà con hiểu ra những điều bộ đội biên phòng nói thì càng thấy thương cháu vô cùng. May mà có bộ đội biên phòng. Ký ức “miền đất lạnh” đã đi qua và lãng quên trong tiềm thức, hôm nay đây, đồng bào Mày ở bản Ka Ai đã biết tự tay gieo hạt lúa nảy mầm xanh và được hưởng trọn niềm vui trong ngày mùa với những bông lúa chín vàng nặng trĩu.
Đến xuân này, đồng bào Mày đã bước vào sản xuất vụ mùa thứ 7 trên cánh đồng mang nghĩa lớn quân dân. Thành quả lao động của đồng bào Mày hôm nay chính là dấu mốc son nối nhịp bờ vui trên hành trình hòa nhập với cộng đồng, hòa nhập ánh sáng văn minh.
Chiều xuống vùng biên, trong cái giá lạnh se se chúng tôi tìm về bản Xòn, đây là bản nhỏ xa nhất của tuyến biên giới huyện Minh Hóa. Trong ngôi nhà sàn nằm về cuối bản, già làng Hồ Mút, người đã gần 60 năm gắn bó với đường biên, cột mốc kể cho chúng tôi nghe bao câu chuyện đầy cảm động. Từ lâu, ông là trở thành hình tượng “cột mốc sống” của những người lính biên phòng, của những bản làng biên giới. Và con đường mang tên Hồ Mút giữa rừng sâu, núi thẳm đã trở nên quen thuộc bởi có đến hàng ngàn lượt dấu chân của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ biên phòng đi qua.
Cũng như các bản làng sát đường biên, cột mốc, những năm trở lại đây, được sự quan tâm hỗ trợ và đầu tư của Đảng và Nhà nước, bản Xòn quê hương ông- nơi đó có vợ ông là bà Hồ Thị Đăn tảo tần sớm hôm lo cho ông cơm nắm, nước bình lên, về cột mốc giờ đây cũng đã tươm tất hơn. Nay tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng trái tim già làng Hồ Mút vẫn luôn hướng về cột mốc nơi ông từng gắn bó. Ông trao truyền lại cho con cháu của mình công việc mà mình đã tận tâm, tận ý. Tết đến, xuân về, già Hồ Mút thật vui khi đón nhận món quà từ những tấm lòng.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ra Mai gói bánh chưng cùng bà con dân bản. |
Bên bếp lửa hồng quây quần cùng con cháu và các chiến sĩ trẻ biên phòng, bà Hồ Thị Đăn, vợ già làng Hồ Mút, phấn khởi bộc bạch: “Tết mô cũng có các chú biên phòng về đây với bản vui Tết, đón xuân, bà con vui lắm. Mẹ già rồi thì răng cũng được nhưng mà thấy con cháu với bộ đội tổ chức nhiều trò chơi vui vẻ, tình quân dân gắn bó là mẹ mừng lắm, dân bản cũng thiệt mừng”.
Vừa gói bánh chưng cùng bà con, Thiếu tá Hồ Sĩ Nhân, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Ra Mai vừa nói với chúng tôi: “Mấy năm gần đây, Tết nào Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng tổ chức các chương trình vui xuân cùng đồng bào và chiến sĩ nơi biên giới, như: chương trình “Xuân biên cương- Tết bánh chưng cho em”, “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân biên giới”, với các nội dung mới lạ đầy thú vị và bổ ích, như: tổ chức thi gói bánh chưng theo đội hình với sự tham gia của dân bản, bộ đội, giáo viên và học sinh; thi đấu các trò chơi dân gian; giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, tặng quà...
Vui cùng mùa xuân bình yên nơi biên cương đất mẹ, với bao nếp nhà sàn ấm áp vương dịu khói lam chiều, người lính biên phòng Quảng Bình hôm nay nguyện viết tiếp những chiến công hòa vào thành tựu chung của non sông đất nước. Xuân đang về muôn nẻo, trên mỗi lối tuần tra ngược dốc cheo leo, các anh vẫn miệt mài với những bước chân không mỏi theo suốt hành trình bảo vệ bình yên cho quê hương.
Tác giả: Minh Lợi
Nguồn tin: baoquangbinh.vn