Mỗi khi có đường dây bán dâm “nghìn đô” được phát hiện, thì lại có một làn sóng truyền thông từ công kích, phê phán cho đến thương hại, chia sẻ ngập tràn các tờ báo. |
Lẽ dĩ nhiên, những cái tên viết tắt cộng với thông tin cá nhân đủ để cho những độc giả tò mò lập tức ngồi ngay ngắn trên ghế và vào Google tìm kiếm. Trong ngày 6 và 7/9, ví dụ, hai cái tên bị tình nghi là vướng vào đường dây “nghìn đô” trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất Việt Nam. Dù có ý định tốt hay xấu, cơn lên đồng của công chúng khiến những cô gái – chưa rõ tội trạng – trở nên thân bại danh liệt.
Họ có đáng bị như vậy không? Hay, nếu bỏ qua yếu tố “nghìn đô”, những cô gái đang hành nghề trong những quán massage trá hình, những trung tâm dịch vụ "mát mẻ", hay thậm chí trên những góc phố vắng, có đáng bị dè bỉu như cặn bã của xã hội hay không?
Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta hãy thử một lần vượt ra khỏi những cảm tính thông thường về đạo đức để đánh giá toàn diện hơn về ngành mại dâm.
Mại dâm được cho là ngành nghề cổ nhất của loài người, vượt qua cả nông nghiệp, may mặc, hay làm lính. Loài người đã bỏ tiền hay của cải để đổi lấy tình dục hàng nghìn năm qua, và bất kì một xã hội nào khi bắt đầu có của ăn của để, mại dâm sẽ xuất hiện. Từ đế chế La Mã hùng mạnh ở phương Tây, cho đến Trung Quốc dưới thời của Tần Thủy Hoàng, đều xuất hiện những hình dạng khác nhau của mại dâm.
Trải qua những biến động của lịch sử, mại dâm vẫn tồn tại, dù là bất hợp pháp ở hầu hết các quốc gia, hay trở thành nghề kinh doanh có điều kiện ở các nước phát triển như New Zealand hay Hà Lan. Ngành “kinh tế ngầm” này được ước tính có giá trị lên đến gần 200 tỷ USD mỗi năm, chỉ riêng ở những nước có nguồn số liệu thu thập được. Đây là con số khổng lồ. Nhưng ai sẽ là bên thụ hưởng chính của số tiền khổng lồ này?
Đến đây, sẽ có những đặc trưng khác biệt giữa hai nhóm nước cấm và không cấm mại dâm. Ở những nước mại dâm được hợp thức hóa, gái bán dâm được cấp giấy phép hành nghề, và có thể lựa chọn phương thức “bán dịch vụ” tùy ý: qua mạng internet, thông qua các công ty/cửa hàng được cấp phép, qua điện thoại, hoặc thậm chí là đứng đường (hình thức này bị hạn chế ở nhiều nơi). Điều quan trọng là khâu trung gian được giảm xuống: gái mại dâm không cần thông qua nhiều tổ chức bảo kê khác nhau để tiếp cận khách hàng, qua đó, họ được hưởng phần nhiều từ sức lao động của mình.
Chuyện ngược lại diễn ra ở những nơi mại dâm là bất hợp pháp. Do bị cấm, hoạt động này phải được bao bọc bởi ma cô, dẫn gái, hay thậm chí là các băng đảng tội phạm có quy mô. Bên trung gian này sẽ đảm bảo các cô gái bán dâm không bị cơ quan chức năng sờ gáy, bảo vệ họ trước chiêu trò của đối thủ cạnh tranh, hay trước những khách hàng biến thái và bạo lực. Bộ phim Kẻ truy đuổi (Chaser) (2008) của Hàn Quốc là một trong những tác phẩm điện ảnh khắc họa rõ nét vai trò của “bảo kê” trong dịch vụ này.
Tất nhiên, bên môi giới hoạt động không vì lòng thương với các cô gái bán dâm. Họ hoạt động vì siêu lợi nhuận. Với nghề mại dâm đường phố, giá cắt phế từ 50-70% là thông tin chúng ta thường biết trên mặt báo. Với đường dây gái gọi cao cấp mới được phát hiện, con số này cũng phải rơi đến 30-50%. Đó là khi thỏa thuận giữa bên môi giới và gái mại dâm được tôn trọng. Nhưng khi nhìn vào tương quan giữa hai bên, có thể dễ dàng nhìn thấy vị thế yếu ớt của gái mại dâm. Điều này khiến các bên môi giới thường có xu hướng lạm dụng, thậm chí bắt ép các cô gái bán dâm phục vụ không công cho mình như nhiều trường hợp được nêu trên mặt báo. Ngành kinh doanh “ngầm”, không được kiểm soát, như vậy, tạo ra lợi ích lớn nhất cho giới ma cô, bảo kê.
Thêm vào đó, khi ngành mại dâm bị cấm, sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy khác: họ không được kiểm tra sức khỏe định kỳ, không nắm được các biện pháp phòng ngừa bệnh tật, rủi ro với khách hàng, bảo kê,... những thứ mà khi hợp pháp hóa sẽ dễ kiểm soát hơn nhiều.
Tất nhiên, mại dâm là vấn đề phức tạp, những lợi ích về kinh tế và sức khỏe cộng đồng nhiều khi không thể thắng được các quan điểm gay gắt về đạo đức, lối sống, và tôn giáo. Nó cũng tạo ra nhiều “ngoại ứng” tiêu cực: tác động đến hạnh phúc gia đình, trật tự xã hội, vấn đề nữ quyền, và sự tôn nghiêm của văn hóa. Hợp pháp hóa mại dâm là điều không dễ dàng, và tôi nghĩ sẽ còn rất lâu mới được thảo luận nghiêm túc ở Việt Nam, nhưng cơ quan chức năng cần phải tìm hiểu thật thấu đáo “thị trường” này để có những chính sách điều chỉnh. Dù luôn coi mại dâm là “tệ nạn xã hội”, dễ nhận thấy chưa có nhiều nghiên cứu sâu đưa ra những đặc điểm chính của dịch vụ mại dâm ở nước ta. Khi làm chính sách mà không có bằng chứng, sẽ rất dễ bị cảm xúc đám đông lôi kéo.
Nghiên cứu của Viện Max Planck (Đức) trong năm 2009 cho thấy loài tinh tinh có xu hướng đổi tình dục lấy thức ăn. Nghiên cứu khác của ĐH Cambridge (1998) thậm chí còn cho thấy một loài chim cánh cụt ở Nam Cực có thể cho một con đực khác (không phải đối tác chính của nó) làm tình để đổi lấy viên sỏi làm tổ.
Chỉ khi không để cảm tính lấn át, chúng ta mới có thể đánh giá thực sự hợp pháp hóa mại dâm là có lợi hay có hại.
Tác giả: Nguyễn Khắc Giang
Nguồn tin: Báo VietNamNet