Tại họp báo Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành khóc nấc.
Đây không phải lần đầu Trấn Thành khóc.
Tại Rap Việt, Người ấy là ai hay loạt chương trình khác, Trấn Thành cũng khóc, vì nhiều lý do, từ vui, buồn cho đến hạnh phúc. Nhưng lần khóc này khác hơn trước. Đạo diễn Nhà bà Nữ không nén được cảm xúc khi chia sẻ về áp lực của người nghệ sĩ sau ánh hào quang.
"Nhiều khi đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ rất nhiều. Người nào nếm trải bốn chữ 'hào quang rực rỡ' thì mới biết là cái gì”, Trấn Thành nói trong nước mắt.
Sau phát ngôn, Trấn Thành bị dư luận đặt câu hỏi: "Nghề nào không khó nuốt?". Nam ca sĩ gây xôn xao vì phát ngôn này là đúng.
Song, chuyện Trấn Thành khóc - thứ thiên về cảm xúc - bị mang ra cười cợt lại là câu chuyện khác.
"Nghề nào chẳng khó nuốt?"
Cái dở của Trấn Thành khiến nam diễn viên bị đẩy vào làn sóng tranh luận là thách người khác làm diễn viên để hiểu nỗi lòng người nghệ sĩ. Anh thậm chí ví nghề nghiệp của mình là "khó nuốt" hơn những nghề khác.
Câu nói của nam diễn viên nhanh chóng bị dư luận phản bác.
Bởi, không có nghề nào là dễ nuốt, dễ ăn tiền.
Nhiều khán giả đưa ra câu phản biện "hợp lý đến mức khó đưa ra phản hồi" như: "Người làm công ăn lương còn áp lực, khó nuốt hơn nhiều lần", "Không dễ nuốt nhưng không ai ép anh làm nghệ sĩ cả Trấn Thành ạ", "Nếu cảm thấy khó nuốt quá sao anh không chọn một nghề khác dễ dàng hơn"...
Thậm chí, nhiều khán giả phản biện rằng đời không cho không ai bất kỳ thứ gì, đó là sự lựa chọn của Trấn Thành và anh không thể tự biến mình thành nạn nhân.
Trấn Thành khóc nghẹn khi đến dự sự kiện của Đàm Vĩnh Hưng. |
"Không ai ngoài Thành và người thân của bạn được hưởng ké hào quang bạn đang nhận được. Không ai có nghĩa vụ nếm cái khó khăn, 'những cái khó nuốt' của Trấn Thành cả", một người dùng bình luận.
Trấn Thành - người được dân trong nghề và giới chuyên môn nhận xét là cái tên chỉ cần thở thôi cũng có drama - vừa qua gặp ồn ào không đáng có về vấn đề "tôi muốn riêng tư", "bao trọn rạp".
Trong sự vụ lần trước, dù vướng drama, một bộ phận khán giả vẫn đứng về phía Trấn Thành, luôn chờ sự việc ngã ngũ. Trải qua lần vừa rồi chứng minh được rằng không phải Trấn Thành làm gì cũng bị ghét. Khán giả của thời đại này là: đúng nhận, sai cãi.
Vụ "muốn riêng tư", khán giả thấy Trấn Thành đúng và thông cảm. Nhưng lần này, Trấn Thành sai khi bắt người khác phải hiểu cho nghề nghiệp của mình, thứ anh kiếm ra tiền chứ không phải cho bất kỳ ai khác, khán giả phải cãi.
Ai có quyền cấm Trấn Thành?
Không ít lần Trấn Thành tự nhận là người dễ nước mắt. Nam diễn viên cũng thừa nhận biệt danh Thành Cry, nhưng theo cách khá tức tưởi: "Thành Cry là cái tên được đặt ra một cách dè bỉu nhất mọi thời đại. Nó là biểu tượng của sự mỉa mai về một đứa mít ướt, diễn lố đến ô dề về cảm xúc. Và thưa quý vị, tôi có thấy những điều đó".
Nam diễn viên Bố già nói anh dễ khóc, khóc vì đồng cảm, bao đồng. Nhưng anh vui vì những giọt nước mắt đó là món quà của thượng đế, giúp anh thăng hoa trong nghệ thuật. Anh cũng nhận định đây là điều bình thường và "thuận theo sinh lý".
“Tôi mệt mỏi trong việc cố gắng không khóc để làm vừa lòng mọi người quá rồi! Tôi sẽ vẫn là Thành Cry! Tôi sẽ như thế vì tôi không làm khác được”, Trấn Thành nói.
Người dễ khóc, không phải giả tạo, điều này đã được khoa học chứng minh. Điều đó đồng nghĩa với việc không ai có thể cấm hay cản trở một người được quyền khóc.
Theo Tiến sĩ Gail Saltz, Phó Giáo sư Tâm lý tại Trường Y khoa Weil-Cornell, Bệnh viện Presbyterian New York, khóc là cách giải tỏa tâm lý, xử lý tình huống khó khăn. Nhưng mỗi người lại có ngưỡng khóc khác nhau, đó là lý do có người thắc mắc tại sao cùng một vấn đề, bạn thấy nó "không có gì", sao người đó lại khóc nhiều như vậy.
Còn theo Tiến sĩ Pamela Rutlege - nhà tâm lý học, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông - cho rằng hoàn cảnh tác động mạnh đến việc mau nước mắt.
"Căng thẳng gây ra mệt mỏi, giảm khả năng tự điều chỉnh. Những người bị kiệt quệ cảm xúc dễ khóc hơn nhiều", tiến sĩ nói.
Từ tâm lý của việc dễ khóc, chuyên gia cho rằng việc này có thể điều chỉnh được, nhưng phải mất thời gian khá lâu để thích nghi.
Có người nhận thấy gần đây họ dễ xúc động và hay khóc hơn bình thường, thậm chí khóc một cách khó kiểm soát. Tiến sĩ Rutledge cho rằng điều đó phản chiếu bởi tế bào thần kinh. Các vùng não được kích hoạt khi bị kích thích về mặt cảm xúc.
Trấn Thành nhiều lần khóc trên sóng truyền hình vì đồng cảm với nhân vật. |
"Điều đó khiến một người dễ đồng cảm hơn với cảm xúc của người khác và có thể khiến bạn khóc nhiều hơn", chuyên gia nói.
Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Kevin Chapman cho biết trong suốt cuộc đời, con người thường "in vết" với những điều đã tiếp nhận, từ bài hát, bộ phim, khoảnh khắc xúc động nào đó.
Kevin Chapman không loại trừ khả năng người hay khóc mắc chứng rối loạn cảm xúc. "Nhiều cá nhân mắc chứng rối loạn thần kinh cao trở nên nhạy cảm với tình huống kích hoạt cảm xúc mạnh mẽ, chẳng hạn như nỗi buồn. Nói cách khác, người mắc chứng rối loạn thần kinh cao cảm nhận cảm xúc sâu sắc, dẫn đến việc họ khóc thường xuyên hơn".
Một số lý do khác cho việc mau nước mắt là trầm cảm, lo lắng. Theo Hiệp hội Trầm cảm Mỹ, chứng rối loạn lo âu là bệnh tâm lý phổ biến, ảnh hưởng đến ắ̀ dân số. Nếu nghi ngờ trải qua cảm giác lo lắng quá mức, hãy tham khảo chuyên gia, đề xuất chữa trị.
Song, điều quan trọng nhất là về tính cách. Sự khác biệt sinh học trong cấu trúc và sinh lý não bộ ảnh hưởng đến tính cách và sự nhạy cảm về cảm xúc. Điều đó dẫn đến việc mau nước mắt.
"Các nhà khoa học thần kinh chẩn đoán việc mau nước mắt phụ thuộc vào hệ viền (thùy viền). Người hay lo lắng có sự khác biệt về độ nhạy của hạch hạt nhân, sự khác biệt trong việc khóc liên quan đến sự khác biệt di truyện về độ nhạy cảm của hệ viền", Tiến sĩ Forrest Talley giải thích.
Còn theo Tiến sĩ Elaine Aron, một số người có tính cách nhạy cảm hơn những người khác, chiếm 15-20% dân số. "Người nhạy cảm thường cảm thấy xúc động trước nhiều thứ xung quanh, kể cả mặt tốt hay mặt xấu. Họ bị ảnh hưởng nhiều bởi thái độ và nhận xét của người khác", chuyên gia nói thêm.
Ngoài ra, một số vấn đề khiến người khác dễ khóc phụ thuộc vào nội tiết tố, xã hội, ảnh hưởng của hệ thần kinh... Vì vậy, người nhạy cảm và dễ khóc không đáng trách. Cũng không ai có quyền ép buộc một người giống với mình.
Cùng một vấn đề, bạn không khóc, không đồng nghĩa với việc người khác không được khóc.
Tác giả: Trạch Dương
Nguồn tin: Báo Tiền Phong