Du lịch

8 yếu tố để doanh nghiệp du lịch "trở lại đường đua"

Trước thềm mở cửa du lịch hoàn toàn vào 15/3, phóng viên VOV.VN trao đổi với ông Nguyễn Quyết Tâm, chuyên gia chuyển đổi số du lịch về những yếu tố giúp doanh nghiệp du lịch "thức giấc" sau 2 năm "ngủ đông".

1. Mở cửa nhất quán, đồng bộ phục hồi

Ông Nguyễn Quyết Tâm – Giám đốc Công ty VietISO cho rằng Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là cơ sở để phục hồi hoạt động du lịch. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp du lịch còn lo lắng và dè dặt trong kế hoạch trở lại thị trường là ngành du lịch bị phụ thuộc vào mức độ kiểm soát dịch bệnh. Ví dụ trong trường hợp khách quốc tế mắc Covid-19 khi du lịch tại Việt Nam ngay trước khi hết hạn visa hoặc trước chuyến bay trở về nước thì doanh nghiệp sẽ lúng túng.

Đặc biệt còn có sự chưa thống nhất về quy định kiểm soát an toàn giữa một vài địa phương. Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

2. An toàn cho du khách

Bên cạnh thực hiện 5K trong quá trình du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cần thêm công tác "Kiểm soát" là chữ K thứ 6. Doanh nghiệp cần truyền thông tới khách hàng trước khi tham gia đoàn bằng cách áp dụng 6K ít nhất từ 3-5 ngày, cộng với tiêm vaccine đầy đủ. Lý do là du khách có thể ủ bệnh từ trước khi khởi hành và có thể phát bệnh trong thời gian đi tour, gây rủi ro cho đoàn. Doanh nghiệp cần tính toán phương án khi một du khách mắc Covid-19 thì cả đoàn sẽ tiếp tục hành trình hoặc áp dụng chính sách hoàn hủy hay xử lý khách F0 đó ra sao.

3. Truyền thông về du lịch "bình thường mới"

Truyền thông cách đi du lịch trong bình thường mới với "du lịch không cách ly" - đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy du lịch hồi phục và phát triển. Gần ngày khởi hành, du khách nên chủ động kiểm tra các quy định về kiểm dịch tại điểm đến, hoặc liên hệ các đơn vị lưu trú, lữ hành, vận chuyển để cập nhật tin tức.

Ngoài ra trước, trong và sau chuyến du lịch, du khách cần có trách nhiệm không chỉ với điểm đến, người dân địa phương mà cả người bạn đồng hành của mình. Nếu một người biết mình có nguy cơ mắc Covid-19, họ không nên tham gia đoàn du lịch cho đến khi chắc chắn bản thân an toàn. Mỗi du khách có trách nhiệm sẽ giúp đoàn du lịch và cả điểm đến được an toàn, bền vững.

Ông Nguyễn Quyết Tâm - Giám đốc Công ty VietISO.

4. Sản phẩm hấp dẫn, xanh và khép kín

Theo ông Nguyễn Quyết Tâm, việc xây dựng "4 Xanh" (Khách hàng xanh, Dịch vụ xanh, Điểm đến xanh, Doanh nghiệp xanh) cho các sản phẩm du lịch là rất quan trọng, từ đây có thể tổ chức một chương trình khép kín và an toàn cho du khách. Để làm được điều này thì mọi thành phần trong chuỗi cung ứng du lịch phải vào cuộc.

Ngành du lịch cần đưa ra bộ tiêu chuẩn cho trải nghiệm du lịch "bình thường mới và an toàn", sau đó đồng bộ chứng nhận này tại các điểm đón khách trên toàn quốc, giúp du khách nhận biết nhanh và dễ dàng về điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn.

Thái Lan đã đưa ra tiêu chuẩn SHA+ thống nhất cho toàn ngành du lịch. Theo đó, khách du lịch trước khi đến Thái Lan đã có thể tìm thấy hơn 15.000 cơ sở dịch vụ (tính đến tháng 8/2021) từ 10 loại hình gồm nhà hàng, chỗ ở, điểm đến, vận chuyển, đại lý du lịch, sức khỏe và sắc đẹp, trung tâm mua sắm, thể thao du lịch, giải trí, cửa hàng… Tiêu chuẩn của Thái Lan cũng đạt được sự công nhận quốc tế bởi Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), giúp du khách nước ngoài tự tin và yên tâm hơn khi lựa chọn Thái Lan.

5. Khôi phục và quản trị nhân lực

Theo nhận định của VietISO, trong suốt 2 năm đình trệ, phần lớn nhân lực trong ngành du lịch đã chuyển đổi công việc của mình, chỉ số ít lao động còn duy trì và bám trụ với nghề. Với những người có dự định quay lại ngành, hoặc chuẩn bị tham gia như sinh viên chuyên ngành du lịch ra trường những năm 2019, 2020 và 2021, có thể nói không nhiều trong số họ sẽ tự tin rời bỏ công việc hiện tại để làm du lịch, sau những gì họ được chứng kiến trong 2 năm vừa qua. Chính vì vậy, củng cố nhân lực du lịch là một trong những vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp phục hồi hoạt động, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Trong bối cảnh nhân lực khan hiếm, việc trả lương theo "mô hình 3P" giúp doanh nghiệp du lịch đánh giá đúng năng lực của người lao động. Cụ thể, người lao động sẽ được đánh giá theo "Position" – vị trí công việc, "Person" – năng lực cá nhân và "Performance" – hiệu suất công việc. Điều này rất quan trọng nhằm tối ưu hiệu quả vận hành, hiệu quả đầu tư để duy trì một doanh nghiệp du lịch "khỏe mạnh" theo đúng năng lực của mình.

Doanh nghiệp du lịch được đào tạo về chuyển đổi số. Nguồn: Nhân vật cung cấp

6. Cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch mở cửa đồng nhất

Không chỉ thiếu hụt lao động, trong suốt hai năm đình trệ, nhiều khu du lịch, khách sạn, cơ sở lưu trú có hiện tượng cơ sở vật chất xuống cấp do thời gian đóng cửa kéo dài, thiếu quản lý, bảo trì.

Trong khi đó, tâm lý các doanh nghiệp hiện nay đều khá e dè do tương lai bất định của ngành du lịch, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mạnh tay và sẵn sàng chuẩn bị cho sự trở lại. Điều này sẽ là yếu tố mất cân đối về dịch vụ.

Các cơ sở lưu trú cần tái khởi động bằng việc lập kế hoạch kinh doanh theo giai đoạn thay vì mở cùng lúc, nhưng phải đồng nhất về chất lượng để đảm bảo dịch vụ khi đón khách.

7. Hệ thống lữ hành tham gia kết nối chuỗi

Đa số doanh nghiệp lữ hành đang khó khăn khi quay trở lại thị trường bởi vẫn giữ cách làm cũ và cũng chưa an tâm về việc quay lại, với lo lắng về dịch bệnh tái bùng phát.

Tuy nhiên, để việc mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15/3 đạt hiệu quả thì các doanh nghiệp lữ hành đóng vai trò rất quan trọng. Việc liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành giúp gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thúc đẩy thị trường mạnh mẽ và toàn diện.

Bên cạnh đó, lượng khách hàng và nhà cung cấp đi qua hãng lữ hành trong quá khứ là rất lớn, vì thế doanh nghiệp lữ hành cần thể hiện vai trò trong xây dựng sản phẩm, kết nối với nhà cung cấp. Đặc biệt, họ cần quảng bá mạnh mẽ tới khách hàng của mình bằng mọi hình thức, để khách hàng thấy được sản phẩm cũng như việc khôi phục hoạt động của doanh nghiệp.

8. Chuyển đổi số để giảm chi phí cố định

Có thể nói ứng dụng công nghệ số đã thay đổi hoàn toàn trong 2 năm vừa qua và tác động sâu sắc đến cách làm việc theo từng nghiệp vụ, chuyên môn của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là cách tiếp cận của doanh nghiệp với khách hàng.

Nếu như cuối năm 2019 đầu 2020, nhiều doanh nghiệp vẫn còn sử dụng phương pháp quản trị thủ công trong 80% nghiệp vụ thì đến nay các công cụ, giải pháp số đã hỗ trợ doanh nghiệp vận hành tối ưu hoàn toàn trên môi trường số. Các nghiệp vụ chuyên môn có thể được thực hiện ở bất cứ đâu và vào bất cứ thời gian nào giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng hiệu suất.

Cập nhật và tích hợp những công nghệ này vào hệ thống quản trị vận hành của công ty du lịch sau 2 năm “ngủ đông” là rất cấp thiết. Việc học hỏi, thích ứng và triển khai công nghệ mới vào hệ thống của doanh nghiệp cần nhiều thời gian và nỗ lực, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của quá trình phục hồi ban đầu của doanh nghiệp. Thậm chí cập nhật công nghệ sẽ là bắt buộc, nếu doanh nghiệp không muốn bị tụt hậu với thị trường.

Dù là thách thức nhưng bằng kinh nghiệm và sự nhạy bén của mình, các doanh nghiệp lữ hành hoàn toàn có thể sớm làm chủ được việc ứng dụng công nghệ để phục vụ công việc kinh doanh. Doanh nghiệp nào sớm thành công trong việc ứng dụng công nghệ sẽ có được lợi thế tuyệt vời cho những năm bùng nổ tiếp theo của ngành du lịch./.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP