Ngày 19/6/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải vào ngành giáo dục.
Vợ phi công Khải có bằng thạc sĩ, đang là giáo viên hợp đồng, chưa được biên chế ở trường nào. Chị được tuyển dụng vào dạy ở trường THPT Chu Văn An theo nguyện vọng. Việc này nhằm tri ân những đóng góp, hy sinh của phi công Trần Quang Khải đối với quân đội và đất nước.
Ngay sau khi có quyết định này, một giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) đã có phát ngôn gây sốc trên mạng. Tuy nhiên, xét thấy phát ngôn này chưa đúng, BGH nhà trường đã quyết định hình thức cảnh cáo với giáo viên này.
Được biết anh Trần Quang Khải là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, từng được nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba. Trước đó, vào chiều 17/6, anh Khải được phát hiện đã hy sinh trong tai nạn máy bay Su- 30MK2 khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển.
Con trai thợ khóa và 2 HCV Toán quốc tế
Năm 2016 là năm Việt Nam đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2016, em Vũ Xuân Trung (THPT chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đoạt HCV.
Em được mệnh danh là “cậu bé vàng Việt Nam” khi 2 năm liên tiếp suất sắc giành HCV Olympic Toán quốc Tế. Năm 2015, trong đoàn 6 học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán Quốc Tế được tổ chức tại Thái Lan, Trung là người nhỏ tuổi nhất. Tuy vậy, nam sinh duy nhất học lớp 11 khi đó lại dành điểm số cao nhất toàn đoàn. Năm 2016, Vũ Xuân Trung tiếp tục lập cú đúp khi giành HCV Toán cho đoàn Việt Nam.
Được biết, Trung sinh ra trong ra đình thuần nông ở quê lúa Thái Bình, là con trai duy nhất và cũng là em út trong gia đình có 5 chị em. Gia đình làm nông, cuộc sống vất vả, 4 người chị của Trung đều chỉ học hết THCS rồi nghỉ học ở nhà lấy chồng hoặc phụ gia đình làm nông. Từ nhỏ, Trung đã ham học và có niềm yêu thích đặc biệt với môn Toán. Để có tiền cho em ăn học, bố em ngoài làm nông, ông vẫn thường phải tranh thủ làm đủ nghề, trong đó có bán kính dạo, sửa khóa thuê.
Thí sinh 14 tuổi làm bài thi trên giường bệnh
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2016, có một thí sinh đặc biệt đó là Đào Kiều Khánh, học sinh trường THCS Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Hình ảnh em làm bài thi trên giường bệnh đã gây xúc động mạnh với nhiều người.
Do trước kì thi 3 ngày, em đang đi bộ và bị xe máy tông gãy xương ống chân nên phải đóng đinh vào chân và bó bột để cố định xương. Vào sáng 8/6, em được Hội đồng thi vào lớp 10 THPT đặc cách cho làm bài trên giường bệnh.
Cả hai buổi thi, Khánh được bố trí ngồi ở cuối cùng phòng thi. Em vừa làm bài vừa được truyền nước. Có một nhân viên y tá luôn theo sát em để chăm sóc.
Được biết, khi còn là học sinh THCS, Khánh đã 3 lần đạt danh hiệu học sinh giỏi. Gia đình và bệnh viện đã lo vận chuyển em từ phòng điều trị tại bệnh viện Việt Đức tới điểm thi bằng xe cứu thương.
Học sinh làm vỡ gương và lời xin lỗi gây “bão” mạng
Câu chuyện hy hữu về bài học xin lỗi, nhận trách nhiệm của một nam sinh lớp 11 tại Hải Phòng cũng từng gây "bão" trong năm 2016. Sau khi đâm vỡ gương ôtô, nam sinh lớp 11 ở Hải Phòng đã để lại tờ giấy ghi số điện thoại kèm lời xin lỗi chân thành.
Em là Nguyễn Thế T. (học sinh lớp 11, trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng).
Tuy nhiên, chủ xe không bắt đền mà lấy đó làm bài học, là tấm gương cho con mình. Bức ảnh chụp tờ giấy để lại và hành động của chủ xe đã được cộng đồng mạng chia sẻ không ngừng trong nhiều ngày bởi triết lý: Cho dù chúng ta làm sai điều gì và chủ động chịu trách nhiệm, phẩm chất cao quý đó sẽ được người khác quý trọng.
Đặc cách cho thí sinh đoạt giải quốc gia nhưng trượt ĐH
Năm 2016, câu chuyện của em Đặng Thị Huyền (huyện Yên Minh, Hà Giang) dù đoạt giải quốc gia nhưng trượt Đại học đã khiến truyền thông tốn nhiều giấy mực.
Học sinh này cũng cho biết, khi nhận được giấy báo điểm, em đã làm 2 bộ hồ sơ gửi xét tuyển vào 2 trường: ĐH Luật Hà Nội (nguyện vọng (NV) 1 vào ngành Luật kinh tế, NV 2 vào ngành Luật) và ĐH Sư phạm Hà Nội khoa Việt Nam học.
Khi biết điểm chuẩn NV1 vào Ngành Luật kinh tế không đủ (khoa lấy 28 điểm), Huyền thừa điểm NV2 vào Ngành Luật (khoa lấy 26,25 điểm) và thừa điểm vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Tuy nhiên, thí sinh này đã không gửi giấy báo điểm để xác nhận về trường mình đã đăng ký nguyện vọng vào ĐH Luật Hà Nội và ĐH Sư phạm Hà Nội nên em không có tên trong danh sách thí sinh trúng tuyển.
Sau khi gửi tâm thư đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và được Hội đồng tuyển sinh ĐH Luật họp, em chính thức được bảo lưu kết quả sang năm sau như mong muốn. Kết quả này đã nhận được phản hồi từ hàng trăm độc giả qua Báo điện tử Dân trí vì cách giải quyết thấu tình đạt lý cũng như sự vào cuộc kịp thời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đối với học sinh học giỏi là người vùng cao.
"Thà cô chết chứ không để trò chết"
Những ngày gần cuối tháng 12/2016, cộng đồng mạng xôn xao bởi hình ảnh các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp (huyện Tuy An, Phú Yên) “thà cô chết chứ không để trò chết” khi dũng cảm cứu học sinh trong lũ dữ.
Khi lũ lên quá nhanh, còn lại 15 cháu cùng 4 cô bị mắc kẹt trong lũ khiến nhiều người trở tay không kịp.
Các cô đã đưa các cháu lên nóc tủ hồ sơ, đỡ các cháu đu lên bệ cửa sổ, cho các cháu đứng trên vai cô ngâm mình dưới nước, có cháu rơi xuống nước cô giáo lặn ngụp tìm vớt... 13 học sinh mẫu giáo đã được 4 cô giáo cứu trong cơn lũ dữ.
Các cô giáo đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen ngợi. Trong thư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự xúc động: “Tôi rất xúc động được biết tin, trong ngày 13 tháng 12 năm 2016, với lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc, các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại trường. Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo: “thà cô chết chứ không để trò chết".
Tác giả bài viết: Mỹ Hà
Nguồn tin: