Giáo dục

5 nhà khoa học Việt 'ảnh hưởng nhất thế giới'

Trong 3.000 nhà khoa học "ảnh hưởng nhất" năm 2016 được Thomson Reuters công bố có 5 người Việt Nam.

Ngày 16/11, Thomson Reuters, tổ chức hàng đầu thế giới về thông tin tri thức, công bố 3.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất năm 2016. 5 nhà khoa học Việt Nam nằm trong danh sách này gồm: PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TP HCM), GS.TS Nguyễn Sơn Bình (Đại học Northwestern, Mỹ), GS.TS Nguyễn Thục Quyên (Đại học Univ Calif Santa Barbara, Mỹ), GS.TS Võ Văn Ánh (Đại học Công nghệ Queensland, Australia) và TS Trần Phan Lam Sơn (Viện nghiên cứu Riken, Nhật Bản). Đây là lần thứ ba liên tiếp, ông Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Sơn Bình nằm trong danh sách này.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng 40 tuổi, hiện là giảng viên khoa Xây dựng, Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành CIRTech - Trực thuộc Viện công nghệ cao HUTECH. Ông tập trung vào phát triển các công cụ tính toán mạnh và mô phỏng trên máy tính, đang được ứng dụng vào lĩnh vực cơ kỹ thuật, cơ sinh học, vật liệu.

Ông Nguyễn Xuân Hùng (ngoài cùng bên phải) lần thứ ba liên tiếp trong danh sách ảnh hưởng nhất thế giới. Ảnh do nhân vật cung cấp.

GS.TS Nguyễn Sơn Bình 49 tuổi làm việc tại khoa hóa Đại học Northwestern, Mỹ. Lĩnh vực ông tập trung nghiên cứu là thiết kế vật liệu mềm dành cho ứng dụng trong hóa học xúc tác, y học và khoa học vật liệu.

Lần thứ hai liên tiếp giáo sư Nguyễn Thục Quyên và Võ Văn Ánh trong danh sách ảnh hưởng nhất thế giới. Giáo sư Quyên hiện là giảng viên khoa học và hóa sinh của Đại học California. Bà tập trung nghiên cứu về các dụng cụ điện tử hữu cơ như quang điện, led. Còn giáo sư Võ Văn Ánh làm việc tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật, Đại học Công nghệ Queensland, Australia.

Tiến sĩ Trần Phan Lam Sơn đang điều hành phòng thí nghiệm tại Viện nghiên cứu Riken, tập trung vào lĩnh vực thực vật.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên trong phòng thí nghiệm. Ảnh do nhân vật cung cấp.

3.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố ngày 16/11 thuộc 21 lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội. Trong đó, Mỹ đứng đầu với khoảng 1.500 nhà khoa học (chiếm 50%), Anh với khoảng 360 nhà khoa học (chiếm 12%), Trung Quốc khoảng 200 (chiếm 6%). Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đứng đầu với 27, Malaysia 6 và Thái Lan 3 nhà khoa học.

Thomson Reuters là tổ chức hàng đầu thế giới chuyên theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu. Danh sách này được truyền thông thế giới, các trung tâm nghiên cứu, trường đại học đánh giá là bản thành tích khoa học khách quan nhất.

Tác giả bài viết: Phạm Hương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP