Đối với người trong cuộc, nhất là người hoạt động cách mạng ở miền Tây Nam Bộ trước năm 1975, thông tin trên không mới nhưng với công luận thì bất ngờ vì cứ ngỡ Pol Pot - Ieng Xari chống phá Việt Nam sau thời điểm đó.
Thế lực bên ngoài đằng sau Pol Pot
Trong tham luận của mình tại Hội thảo khoa học "40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979-7.1.2019)" tổ chức ở An Giang mới đây, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định thực chất Pol Pot đã tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam từ năm 1972.
"Tôi vào Quân khu 9 từ năm 1963, theo dõi kỹ nên biết tình hình này. Không phải nghiễm nhiên Pol Pot chống chúng ta mà phải có một thế lực bên ngoài đứng đằng sau mới có đủ sức" - Tướng Trà phát biểu. Các nhà nghiên cứu chỉ rõ rằng nếu không có thế lực đó, làm sao Pol Pot - Ieng Xari có thể trang bị đầy đủ vũ khí, đạn dược cho 23 sư đoàn tinh nhuệ và nhiều đơn vị địa phương như vậy.
Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn Xe tăng và Sư đoàn 7 - Quân đoàn 4 tấn công giải phóng Phnom Penh Ảnh: TƯ LIỆU QUÂN ĐOÀN 4 |
Đại tướng Phạm Văn Trà cho biết năm 1972, nhiều đơn vị của Quân khu 9 sang Campuchia đã bị Pol Pot giết hại. Một bệnh viện của Sư đoàn 1 - hoạt động chủ yếu ở An Giang, Hà Tiên - tại Tà Keo cũng bị Pol Pot cho phá hủy.
Tham luận của Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết chi tiết: Từ năm 1970-1975, Pol Pot đã tiến hành một số vụ tấn công, bắt cóc bộ đội Việt Nam hoạt động trên chiến trường Campuchia. Cụ thể, "chỉ tính 6 tháng đầu năm 1972, riêng Quân khu 203 (Quân khu Đông Nam của Campuchia) đã xảy ra 26 vụ giết bộ đội Việt Nam, 17 vụ cướp vũ khí, 385 vụ bắt cóc, 413 vụ tịch thu hàng hóa. Sáu tháng đầu năm 1973, quân Pol Pot gây ra 102 vụ, giết và làm bị thương 103 bộ đội Việt Nam, cướp hàng chục tấn lương thực, vũ khí".
Chiến trường ác liệt
Giới lãnh đạo quân sự Việt Nam không bất ngờ trước tình hình đó. Ngay sau ngày 30-4-1975, Pol Pot đã tập trung chống phá Việt Nam có hệ thống. Ngày 3-5-1975, địch xua quân chiếm đảo Phú Quốc; ngày 10-5-1975 chiếm đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà.
Đến cuối năm 1976, các cuộc tấn công của quân Pol Pot vào lãnh thổ nước ta ngày càng tăng. Chỉ tính từ ngày 30-4-1975 đến tháng 6-1977, quân Pol Pot đã xâm phạm lãnh thổ Việt Nam hơn 2.000 lần từ Hà Tiên đến Tây Ninh, sau đó là dọc biên giới với các tỉnh Tây Nguyên. Thậm chí, Pol Pot còn tổ chức hỗ trợ Fulro để chống phá ta từ bên trong.
Tính từ tháng 5-1975 đến ngày 23-12-1978, quân Pol Pot đã giết hại hơn 5.230 dân thường Việt Nam vô tội, bắt và đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người. Chủ trương của quân Pol Pot là "chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15 đến 20 năm; thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 60 triệu người Việt Nam".
Thực tế, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã bắt đầu từ đêm 30-4-1977, khi mà tập đoàn Pol Pot - Ieng Xari bất ngờ mở đợt tấn công đồng loạt 13 đồn biên phòng, 14 xã, thị trấn dọc biên giới của tỉnh An Giang.
Ngày 23-12-1978, Pol Pot tập trung 10 sư đoàn tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam. Đây cũng là ngày mở đầu cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc ta. "Một cuộc chiến tranh bắt buộc" bắt đầu, như đánh giá của đại tá Nguyễn Văn Hồng - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 - trong một tác phẩm nghiên cứu cùng tên.
Việt Nam thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình bằng một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được ghi vào lịch sử dân tộc, cũng là bảo vệ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pol Pot - Ieng Xari. Đến 12 giờ ngày 7-1-1979, những người lính Sư đoàn 7 - Quân đoàn 4 đã làm chủ hoàn toàn Phnom Penh - Campuchia.
Thực tế, người viết bài này, là bộ đội thuộc Trung đoàn 812 - Sư đoàn 309, lúc đó vẫn đang trên đường tiến hành giải phóng thị xã Koh Nhek, tỉnh Mondonkiri - hướng Đông Bắc Campuchia. Ngoài ra, 2 sư đoàn của Quân đoàn 2 tấn công hướng An Giang vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận Phnom Penh lẫn giải phóng các quân cảng dọc biển Tây Campuchia, khi mà Lữ đoàn 126 Hải quân đánh bộ của ta bị bao vây trong thế rất nguy kịch, bị địch tái chiếm các quân cảng.
Nhiều trận đánh cực kỳ ác liệt vẫn diễn ra khắp các chiến trường, nhất là hướng Battambang, Siem Reap - các địa phương giáp biên giới với Thái Lan, trở thành những cái túi đựng tàn quân Pol Pot.
Ngày 17-1-1979, Campuchia được giải phóng hoàn toàn. Chiến dịch giải phóng Campuchia, đánh tan tập đoàn phản động, diệt chủng Pol Pot - Ieng Xari kết thúc.
Hơn 2,7 triệu người Campuchia - số liệu của Hội đồng Mặt trận Đoàn kết Xây dựng và Bảo vệ tổ quốc Campuchia - đã chết dưới bàn tay quân Pol Pot và đất nước Campuchia đã tan hoang sau 4 năm cai trị tàn bạo của tập đoàn này. Thế nhưng, cuộc chiến tranh chính nghĩa của bộ đội ta, của nhân dân Campuchia vẫn chưa thể kết thúc mà phải kéo dài đến năm 1989.
Cuộc chiến tranh tổng lực, hiện đại Việt Nam bước vào cuộc chiến tranh chính nghĩa với lực lượng bao gồm một phần Quân đoàn 2, 3 và 4, nhiều lữ đoàn thiết giáp, pháo binh, công binh, đặc công, cao xạ..., nhiều sư đoàn, trung đoàn địa phương, không quân và hải quân cùng Quân đoàn 1 của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia. Đó là một cuộc chiến tranh hiện đại, hợp đồng tác chiến các binh chủng hiệu quả. Ít nhất hai cầu không vận đã được hình thành, đưa Quân đoàn 2 từ Bình Trị Thiên vào An Giang, đưa Sư đoàn 309 từ Cù Hanh (Pleiku) vào TP HCM - Battambang. Về phía Pol Pot, quân số lúc cao điểm lên đến 23 sư đoàn bộ binh cùng các binh chủng mạnh, lực lượng địa phương với tổng cộng 120.000 người và nhiều loại vũ khí hiện đại. Nếu tính từ năm 1975, khi Pol Pot tấn công đảo Phú Quốc, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc ta kéo dài 14 năm. |
Tác giả: Lưu Nhi Dũ
Nguồn tin: Báo Người lao động