Xã hội

324 người chết và mất tích do bão, lũ

Bão, lũ ở các tỉnh miền Bắc làm 324 người chết, mất tích, trong đó 179 người chết, 145 người mất tích.

179 người chết, 145 người mất tích

Ngày 11/9, theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Bão, lũ ở các tỉnh miền Bắc đã làm 324 người chết và mất tích, trong đó 179 người chết, 145 người mất tích.

Cụ thể, Lào Cai: 183 người (72 người chết, 111 người mất tích) gồm: Bảo Yên 113, Sa Pa 9, Bát Xát 18, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 34, Văn Bàn 2.

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân mất tích vụ lũ quét ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Ảnh Nguyễn Huy.

Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (34 người chết, 18 người mất tích).

Yên Bái: 44 người (40 người chết, 4 người mất tích), gồm: TP Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 6, Văn Chấn 1, Trấn Yên 2.

Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người).

Hải Phòng: 2 người chết do bão; Hải Dương: 1 người chết do bão; Hà Nội: 1 người chết do bão; Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất.

Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang: 2 người chết do lũ cuốn; Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích); Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất.

Vĩnh Phúc: 02 người (01 người chết, 01 người mất tích do lật thuyền); Tuyên Quang: 3 người do lũ (2 người chết, 1 người mất tích)

Phú Thọ: 10 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người mất tích do lũ; 1 người chết do sạt lở đất).

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó lũ lớn trên sông Hồng, sông Thái Bình

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 93 ngày 11.9, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Công điện nêu rõ, những ngày qua, tại Bắc Bộ đã liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ một số nơi ở thượng nguồn đã vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt. Nhiều các tuyến sông ở Bắc Bộ lũ đã lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Trong khi đó, theo dự báo, lũ hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình còn tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều sông Hồng, sông Thái Bình không chịu tác động của lũ lớn, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều.

Nhiều ngôi nhà ở Tuyên Quang chìm trong "biển nước". Ảnh: Minh Phụng.

Để bảo đảm an toàn, Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo "phương châm bốn tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các quân khu, cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ thể quản lý, khai thác hồ đập thủy điện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc vận hành hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.

Tác giả: Quỳnh An

Nguồn tin: viettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP