Sau một năm kinh tế được đánh giá tương đối tốt, các nhà phân tích đã đưa ra dự báo tương tự cho năm 2018, do đà tăng trưởng đang đi theo hướng sẽ còn cao hơn năm 2017. Các nhà kinh tế học đều đang rất tự tin. Nomura là một ví dụ: "Tăng trưởng toàn cầu đang tự củng cố tốt hơn bất kỳ thời điểm nào trong 20 - 30 qua".
Dù vậy, họ cho rằng vẫn có 3 mối đe dọa lớn với kinh tế thế giới trong năm nay, xuất phát từ ngân hàng trung ương, thương mại và bong bóng.
Ngân hàng trung ương giảm nới lỏng tiền tệ
|
Một phần thành công kinh tế của năm 2017 đến từ sự kết hợp giữa chính sách nới lỏng tiền tệ kỷ lục, và nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm giúp thế giới quen dần với việc rút kích thích.
Tuy nhiên, sang năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến nâng lãi thêm 3 lần nữa. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang dần giảm quy mô chương trình mua lại tài sản. Trung Quốc cũng đang nâng lãi suất tham chiếu.
Những động thái này đều được các nhà hoạch định chính sách cân nhắc rất kỹ. Tuy vậy, sai lầm vẫn có thể xảy ra. Bất kỳ cú sang số mạnh tay nào cũng có thể khiến tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh.
Ví dụ, tại Mỹ, khối nợ doanh nghiệp hiện tại là gần 8.800 tỷ USD, theo Hiệp hội Các thị trường Tài chính và Chứng khoán Mỹ (Sifma). Con số này tăng 35% kể từ 2010 và là một lực đẩy lớn với sự phát triển của các công ty.
"So với rủi ro về bình ổn giá, rủi ro về ổn định tài chính là mối đe dọa nghiêm trọng hơn với tăng trưởng", Chetan Ahya - nhà nghiên cứu tại Morgan Stanley nhận định trong báo cáo triển vọng 2018.
Việc ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ để kiềm chế tăng trưởng quá nóng hoặc lạm phát sẽ khiến tín dụng thiếu hụt. Nguy cơ này không chỉ có ở Mỹ, mà còn cả châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại toàn cầu
|
Một rủi ro khác với tăng trưởng toàn cầu là từ chính sách thương mại của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã đưa ra quan điểm "Nước Mỹ trên hết". Khi nhậm chức, ông cũng đã thực hiện hàng loạt động thái nhằm bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, đặc biệt trong vấn đề thương mại.
Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở cuộc điều tra về thép nhập khẩu và yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tăng, bất chấp hàng xuất khẩu tăng. Còn thâm hụt với Trung Quốc tuy giảm, nhưng vẫn chưa khiến ông Trump hài lòng.
"Những khoản thâm hụt thương mại khổng lồ này cần giảm nhanh chóng", ông cho biết trên Twitter trong chuyến thăm châu Á tháng 11 năm ngoái.
Nếu những lời nói này thành sự thật, kinh tế năm 2018 sẽ rất nhanh chuyển thành khắc nghiệt. Giới quan sát đều dự báo nửa đầu năm 2018, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể nổ ra.
Ông Trump đưa ra ý tưởng đánh vào thương mại với hy vọng gây sức ép buộc Trung Quốc có động thái giúp kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trong vòng vài tháng tới, Trump và quan chức thương mại Mỹ được kỳ vọng thông báo kết quả từ các cuộc điều tra lớn (với các vấn đề như thép hay sở hữu trí tuệ), có thể khiến hàng Trung Quốc bị áp thuế nhập khẩu. Trung Quốc tháng trước cũng kêu gọi Mỹ từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và "ngừng bóp méo" về các dự định chiến lược của nước này.
Bong bóng vỡ vụn
|
Các loại bong bóng rất khó đong đếm, cho đến khi chúng vỡ vụn. WB ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm từ 4,4% năm 2000 xuống 1,9% năm 2001, khi bong bóng dotcom nổ. Khủng hoảng tài chính cũng khiến tăng trưởng giảm từ 4,3% năm 2007 xuống -1,7% năm 2009.
Việc bất chợt mất các công cụ tài chính sẽ khiến các công ty và người tiêu dùng ngừng chi tiêu, khiến tăng trưởng giảm sút, lao động bị sa thải và châm ngòi cho hàng loạt vụ vỡ nợ. Năm 2017 đã chứng kiến nhất nhiều bong bóng. Bitcoin là rõ ràng nhất.
Đồng tiền kỹ thuật số này có lúc tăng tới gần 20 lần trong năm qua, mà không có nền tảng vững chắc, khiến nhiều nhà kinh tế cảnh báo đây là "bong bóng của các bong bóng". Nếu Bitcoin vỡ, ảnh hưởng của nó có thể còn lan đến các thị trường tài chính truyền thống, như chứng khoán.
Tác giả: Hà Thu
Nguồn tin: Báo VnExpress