Giáo dục

"200.000 cử nhân thất nghiệp không phải lỗi của ngành giáo dục"

Nhiều người coi việc 200.000 cử nhân thất nghiệp như là thảm họa mà ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm là quan niệm không đúng.

GS Trần Phương , Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khẳng định như vậy tại Hội thảo Thực trạng và các giải pháp củng cố, phát triển các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam diễn ra sáng nay, 22/12.

Theo ông Phương, hiện tại, Việt Nam đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung.

Đúng là xã hội hướng dẫn sinh viện chọn nghề để học còn nhiều thiếu sót nhưng dù có hướng dẫn tốt đến mấy chăng nữa cũng không thể bảo đảm cung và cầu về lao động hoàn toàn ăn khớp với nhau.

Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Họ sẽ phải tìm nghề khác để học lại. Chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới, không chỉ một lần mà chuyển nhiều lần.

GS Trần Phương cho rằng, không thể quy trách nhiệm cho ngành GD về việc 200.000 cử nhân ra trường thất nghiệp.

"Nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ muốn tìm việc ở các thành phố lớn. Tìm mãi mà không được, tất họ phải tìm về những vùng cần đến họ. Cũng có một số sinh viên được đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ sẽ phải tự đào tạo lại" - ông Phương khẳng định. "Đó chính là tác dụng của cơ chế thị trường".

Theo ông Phương, nhìn rộng ra thế giới, hiện tượng cử nhân thất nghiệp là khá phổ biến. "Ở Trung Quốc, năm 2011, có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm. Mỗi năm lại bổ xung thêm 2 triệu người nữa" - ông Phương cho hay.

Từ đó, ông Phương cho rằng, ông không đồng tình với quan điểm cho rằng, giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay đã phát triển quá thừa, cần phải hạn chế lại.

"Đúng là có một số ngành đào tạo vượt nhu cầu cần phải điều chỉnh, như sư phạm chẳng hạn, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lại không kiếm được đủ kỹ sư. Số thanh niên đăng ký học các ngành kỹ thuật công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ quá thấp. Nguyên nhân vì đâu?" - ông Phương nêu câu hỏi.

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhìn vào những nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, họ đã phải trải qua 20 – 30 năm phát triển rất mạnh ĐH-CĐ mới vươn lên được trình độ công nghiệp hóa. Vì vậy, Việt nam cũng không thể thoát khỏi lộ trình đó.

Ông Phương cũng cho rằng, tỉ lệ người có trình độ ĐH-CĐ ở Việt nam vẫn còn thấp so với các nước. Nếu chuyển sang thời đại tri thức thì sẽ nảy ra bất cập. Hơn nữa, việc một người tốt nghiệp ĐH vài năm chưa kiếm được việc làm thích hợp thì chưa lo gì lãng phí.

Lâu nay, việc hướng dẫn việc hướng dẫn thanh niên chọn nghề để học chưa được chú trọng. Xã hội đang cần loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Đang thừa loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? "Các bộ ngành cần cơ cơ quan nghiên cứu hướng dẫn cho thanh niên về việc này" - ông Phương khẳng định.

Ông Đinh Ngọc Hiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây cũng cho rằng, không thể chỉ nhìn vào con số 200.000 cử nhân thất nghiệp để trách hệ thống giáo dục được vì điều đó rất "vô duyên".

Theo ông Hiện, hiện tượng thừa người thiếu việc như hiện nay là do cơ cấu kinh tế của Việt Nam không tạo ra được việc làm cho những người tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ. Các nhà đầu tư vào Việt Nam đều nhắm vào nhân công rẻ tiền thì sẽ không thể có việc làm cho người tốt nghiệp ĐH, CĐ.

Ông Hiện cũng đề xuất không thể ngăn cản phát triển giáo dục đại học đồng thời cũng không thể phân luồng một cách chủ quan. "Nhà nước chỉ tập trung đào tạo dăm ba ngàn người giỏi còn lại để cho học sinh tự lựa chọn. Nhà nước nên tập trung đầu tư vào con người" - ông Hiện đề xuất.

"Vì sao học tư thục thì không được nhà nước đầu tư hỗ trợ trong khi học trường công lập thì nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, còn có chính sách miễn, giảm học phí?" - ông Ngọc nói. Từ đó, ông Hiện đề xuất nhà nước hướng tới việc đầu tư vào con người chứ không phân biệt trường công hay trường tư.

Tác giả bài viết: Lê Văn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP