Giới trẻ

14 cái Tết không chồng, đón Giao thừa chỉ có bát cơm của người lao công dọn rác

Tết với cô lao công 52 tuổi này, luôn là dịp gợi lại những nỗi buồn và chuỗi ngày khó khăn cô và các con phải trải qua trong suốt 14 năm thiếu vắng trụ cột gia đình.

chi lao cong 120171
Những ngày cận Giao thừa, gác lại những bộn bề công việc, từng gia đình, từng cặp đôi đưa nhau xuống phố sắm sửa cho cái Tết thêm rực rỡ, vẹn tròn.

Trái ngược với cảnh huyên náo ấy, dáng người lao công nhỏ nhắn khuất dạng trên con đường bị bóng tối nuốt chửng vẫn lầm lũi, cần mẫn làm công việc thu gom rác thải của mình.

Gắn bó với nghề đã 13 năm nay, cô Ngô Thị Chiều (52 tuổi, tổ trưởng tổ thu gom rác thải phường Hải Thành, Hải Phòng) vẫn luôn tất bật từng ngày với công việc mà nhiều người cho rằng "độc hại nhất", "bẩn nhất hành tinh" này.
chi lao cong 12017
Cô Ngô Thị Chiều đã có 13 năm gắn bó với công việc mà không nhiều người muốn làm
Những ngày cận Tết, lượng rác thải từ gần 200 hộ gia đình lại tăng lên gấp nhiều lần khiến cô Chiều "trở tay không kịp". Cứ 6 xe rác/ngày, dùng sức từ đôi bàn tay, thân hình nhỏ bé ấy, cô hăng say với công việc "làm đẹp cho đời" của mình.

Đẩy chiếc xe rác đồ sộ gấp vài lần dáng người, vừa đi, cô vừa tâm sự: "Dịp Tết lượng rác thải tăng cao, các cô cũng phải tăng ca để đường phố luôn sạch đẹp, mọi người du Xuân thêm phấn khởi, vui vẻ.

Còn về phần cô, Tết nghĩ cũng chỉ thêm buồn nên dù có tăng ca đến 1,2h sáng thì cũng không sao".

Nụ cười gượng gạo và ánh mắt buồn hiu hắt như chất chứa cả một chuyện đời dài và buồn, luôn đè nặng trĩu lên đôi vai gầy nhưng nhiều nghị lực của cô.
chi lao cong 120173
Cô Chiều luôn tận tuỵ và cống hiến hết mình cho công việc
Có lẽ với nhiều người, Tết cổ truyền là ngày đoàn viên, sum vầy. Nhưng với cô lao công 52 tuổi này, Tết luôn là dịp gợi lại những nỗi buồn và chuỗi ngày khó khăn.

Cô kể, năm 2003, sau cái Tết đoàn viên ấm áp, trong tổ ấm nhỏ đủ đầy 4 người (cô, chồng cô và 2 cậu con trai) bỗng trở lên lặng lẽ và khốn khó bởi thiếu đi bóng dáng người đàn ông. Chồng cô, sau một vụ tai nạn bất ngờ, đã rời bỏ gia đình, để lại cô và các con với hai bàn tay trắng.

Cú sốc ấy tưởng chừng làm người phụ nữ chưa một lần làm trụ cột kinh tế gục ngã. Nhưng không! Cô vẫn gượng dậy để nuôi nấng hai cậu con trai trưởng thành bằng sự quật cường của bản thân.

Cô Chiều tranh thủ từng giây từng phút để đi làm thuê, làm mướn bất cứ việc gì người ta cần. Rồi cho đến khi được lãnh đạo địa phương động viên nhận việc thu gom rác thải của phường, cô mới thực sự bén duyên với nghề hiện tại.
chi lao cong 120172
Những chuyến xe rác cũng chính là "nguồn sống" của cả nhà
Thời điểm những năm 2004, dân trí thấp, người ta còn dè bỉu và "lời ra tiếng vào" với những người vận động nhân dân gom rác. Rồi những câu chỉ trích đau lòng "Sao lại chọn nghề bẩn nhất mà làm?", "Nghề ấy độc hại mà lương chẳng đáng" khiến cô cũng buồn bã và đắn đo.

Lúc ấy, chính cậu con trai lớn vừa vào cấp 3 đã động viên mẹ: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Mình cứ làm rồi sẽ có người trân trọng". Nghĩ vậy, cô Chiều nhận công việc thu gom rác với số tiền lương ít ỏi 400.000 đồng/tháng để lo liệu cho cuộc sống gia đình.

Những đứa trẻ mất cha ấy cũng dần trưởng thành hơn so với tuổi. Cậu con trai cả ngày nào cũng dậy từ 4h30 sáng phụ mẹ đi dọn rác, rồi sáng sớm đi học, trưa lại về làm tiếp, ăn vội bát cơm để vào lớp học chiều… cứ như vậy đều đặn suốt 4 năm.

Cậu con trai út mới vào lớp 6, đảm nhận chuyện bếp núc trong nhà, đã biết lo liệu ba bữa ăn cho cả 3 mẹ con chỉ với vẻn vẹn 10.000 đồng/ngày.
chi lao cong 120174
Bức ảnh hiểm hoi có đầy đủ 4 thành viên trong gia đình
Đêm 30 Tết năm 2005, 12h đêm, những đứa trẻ không quần áo mới, không cỗ bánh đủ đầy, nhà chỉ còn 1 bát gạo đủ cúng gia tiên ngồi thẫn thờ ngoài cửa nhà chờ mẹ trở về.

Nhớ lại cái Tết buồn ấy, cô Chiều đẫm nước mắt kể: "Tranh thủ ghé qua nhà rồi lại đi làm, nhìn các con ngồi ngoài cửa rét lạnh, cô cũng mắng: "Sao các con không vào dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm còn đứng ngoài này ngóng ai?"

Tụi nhỏ ngây ngô đáp: "Chúng con chờ mẹ về chứ còn chờ ai". Một thân quần áo hôi hám mùi rác, tay trắng chẳng có lấy một đồng mua đồ sắm Tết, nghe con nói vậy, cô bật khóc được liền".

Khổ đến vậy, thiếu thốn đến vậy cũng chưa phải là tột cùng với cô Chiều và gia đình.

Năm 2009, khi cậu con trai cả nhập ngũ, người con trai út cô nương tựa vào cũng gặp tai nạn giao thông vào đúng ngày 29 Tết.
Thoát khỏi lưỡi hái của Tử thần nhưng cái Tết năm ấy lại chồng chất thêm khó khăn và gánh nặng lên đôi vai nhỏ bé của người đàn bà 52 tuổi này.
chi lao cong 120175
Cô Chiều vẫn tranh thủ thời gian eo hẹp của mình để chăm lo việc nhà
Người tổ trưởng đầy trách nhiệm "chưa một ngày nghỉ phép" ấy vẫn không từ bỏ công việc bận rộn những ngày cận Tết. Cứ 11h đêm tan ca làm trở về, cô lại lao vào viện để chăm con. Những ngày bận rộn, cô Chiều phải nhờ người thân của bệnh nhân cùng phòng chăm sóc hộ cậu con trai út.

Chút vốn liếng dành dụm vài năm cũng theo vụ tai nạn của con mà đi hết, đêm giao thừa, vét sạch số tài sản cuối cùng của gia đình, cô cũng chỉ nấu được bát cơm cúng gia tiên, cúng chồng và mang chút cơm trắng vào bệnh viện đón Tết cùng con.

Những cái Tết "cơm chan nước mắt" ấy vẫn là nỗi ám ảnh nhiều năm qua đối với cô. Không phải bởi công việc ngày Tết thêm cực nhọc nên "sợ Tết" mà bởi 14 năm vắng chồng, đi qua biết bao cái Tết "không tiền, không gạo" đã đủ khiến cô chẳng thể kìm được xúc động mỗi dịp Tết về.

Cứ nghĩ Tết là đoàn viên, hạnh phúc…nhưng đâu đó trong cuộc sống, vẫn có những phận đời đau khổ "sợ Tết" như gia đình cô Chiều bởi những nỗi niềm quá bi thương.

Tác giả bài viết: Thùy Trang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP