Người lao động Triều Tiên làm việc tại công trường xây dựng ở Mông Cổ (Ảnh: AFP) |
Bộ Lao động Mông Cổ cho biết các lao động Triều Tiên tại Mông Cổ sẽ phải rời khỏi nước này trước khi kết thúc năm 2017 do giấy phép lao động kéo dài 1 năm của họ sẽ không được gia hạn.
“Các tổ chức tư nhân sẽ không thể ký các hợp đồng mới (với lao động Triều Tiên) do nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Mông Cổ đang tuân thủ theo mọi điều khoản của nghị quyết này”, AFP ngày 3/12 dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Mông Cổ Shijeekhuugiin Odonbaatar cho biết.
Năm 2013, số lượng lao động Triều Tiên tại Mông Cổ đạt mức cao nhất, lên tới 2.123 người. Từ đó đến nay, con số này giảm dần và hiện chỉ còn 1.190 người tính đến tháng 11 năm nay.
Tại Mông Cổ, các công ty xây dựng thường thuê lao động Triều Tiên vì họ có khả năng làm việc trong thời gian dài mà không than phiền về điều kiện làm việc. Ngoài ra, người lao động Triều Tiên cũng nổi tiếng với những kỹ năng về y học truyền thống như châm cứu hay nắn khớp.
Hồi tháng 9, Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 100.000 người lao động Triều Tiên ở nước ngoài và lực lượng này sẽ gửi khoảng 500 triệu USD về nước mỗi năm. Sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch lần thứ 6, cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay của nước này, Hội đồng Bảo an đã ra nghị quyết trừng phạt, trong đó yêu cầu các nước ngừng thuê lao động Triều Tiên ở nước ngoài.
Hai quốc gia có số lượng công dân Triều Tiên làm việc nhiều nhất là Nga và Trung Quốc. Lao động Triều Tiên được cho là phải làm việc từ 12-16 giờ/ngày và chỉ được nghỉ từ 1-2 ngày/tháng. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ Triều Tiên sẽ thu từ 70-90% thu nhập hàng tháng (khoảng từ 300-1.000 USD) của các lao động Triều Tiên ở nước ngoài.
Trước đó, 150 lao động Triều Tiên tại Angola bị yêu cầu về nước. Tại Qatar, hợp đồng lao động của 650 công nhân xây dựng Triều Tiên sẽ hết hạn vào năm sau. Trong khi đó, 500 lao động Triều Tiên tại Ba Lan cũng sẽ không được phép gia hạn giấy phép lao động mới.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí