Giáo dục

'Tôi mừng vì học sinh hỏi về thủ dâm, bao cao su'

Cô Bùi Thị Kiều, giáo viên tâm lý trường THPT Marie Curie (TP.HCM) cho rằng học sinh nhờ tư vấn về bao cao su là tín hiệu đáng mừng, vì các em biết ý thức việc bảo vệ bản thân.

Cô giáo xinh đẹp dạy cách sử dụng bao cao su: ‘Tôi bị kiểm điểm vì dạy quá trực quan, sinh động’
Cô giáo trẻ xinh đẹp gây xôn xao với bài hướng dẫn cách sử dụng bao cao su trên lớp học


Sau clip cô giáo trẻ dạy học sinh dùng bao cao su ở Hải Phòng thu hút dân mạng, vấn đề giáo dục giới tính một lần nữa được nêu ra.

Nhiều người khẳng định giáo dục giới tính trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng cần thiết về sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra tầm quan trọng của môn học được xem là tế nhị này.

Cô Bùi Thị Kiều - giáo viên nhiều năm dạy tâm lý, giới tính cho các bạn trẻ - có những chia sẻ về chủ đề đang gây tranh cãi trên mạng.



Hươu đúng tuổi phải chạy

- Sau clip cô giáo trẻ ở Hải Phòng dạy học sinh cách sử dụng bao cao su, nhiều ý kiến cho rằng người lớn đang vẽ đường cho hươu chạy. Quan điểm của cô thế nào?

- Giáo dục giới tính không có chuyện sớm hay muộn, ở bất cứ độ tuổi, cấp học nào, các em cũng cần được trang bị kiến thức. Tùy lứa tuổi của học trò, thầy cô sẽ chuyển tải những vấn đề cùng mức độ khác nhau.

Với học sinh cấp một, người lớn nên hướng dẫn các em phân biệt giới tính, vệ sinh thân thể, tránh xâm hại từ người lạ, hành động thế nào là xâm hại…

Đến cấp hai, trẻ bắt đầu dậy thì, các em tò mò về phát triển tâm, sinh lý, thầy cô nên cung cấp kiến thức sinh học cơ bản.

Lên cấp ba, bạn trẻ biết yêu đương, tò mò về tình dục. Giáo viên nên là người lắng nghe, tư vấn cho các em tâm lý, sức khỏe sinh sản…

Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Nhu cầu quan hệ tình dục trong giới trẻ là có thật. Vì vậy, việc trang bị cho các em những kiến thức để tự bảo vệ bản thân ngay từ bây giờ là rất cần thiết.

Nhu cầu tìm hiểu các vấn đề liên quan sức khỏe sinh sản vị thành niên giữa lớp 10 và 11 ở trường THPT Marie Curie TP.HCM. Số liệu do cô Kiều cung cấp.

- Là giáo viên tâm lý, vì sao cô lại "nên duyên" với môn học giáo dục giới tính?

- Chính tôi là người đề xuất đưa môn này vào giảng dạy vì trước đó nhiều em thắc mắc vấn về giới tính, tình yêu, tình dục.

Tuy nhiên, việc tìm giáo viên đúng chuyên ngành dạy môn này rất khó. Đã có kinh nghiệm tư vấn tâm lý cho học sinh, hiểu các em cần gì, tôi chủ động xin dạy luôn.

- Phụ huynh và học sinh phản ứng thế nào với việc đưa các chuyên đề giáo dục giới tính vào dạy trong trường?

- Tôi chưa nghe phụ huynh nào phàn nàn hay phản đối việc đưa môn học này vào giảng dạy. Thậm chí, có người còn nhờ học sinh mang mô hình dương vật bằng gỗ đến trường để có dụng cụ minh họa.

Các bạn trẻ tham gia rất hào hứng, sôi nổi. Lúc đầu, một số em còn ngại ngùng nhưng sau đó hòa nhập với không khí chung của cả lớp.

Khi mới dạy, tôi chưa lập gia đình, nhiều người hỏi sao có thể nói ra những điều ngại ngùng một cách tự nhiên như vậy. Nhiều lúc, tôi cũng đỏ mặt nhưng có trao đổi tự nhiên, thẳng thắn, dùng các thuật ngữ khoa học, các em mới hiểu chính xác. Giáo viên nói úp mở, học sinh sẽ không nghiêm túc, chán học.

Học sinh luôn chủ động

- Cô có thể giới thiệu về một buổi học giáo dục giới tính ở lớp của mình?

- Bắt đầu tiết học, các em ghi thắc mắc ra giấy gửi giáo viên. Cô giáo chủ động "lèo lái" buổi học, giải đáp tối đa vấn đề các em tìm hiểu.

Lớp học diễn ra thoải mái, cởi mở với hình thức giảng dạy sinh động (tranh ảnh, clip, phim khoa học, phim hoạt hình...). Học sinh luôn là người chủ động đưa ra câu hỏi, tình huống, cùng bạn bè thảo luận, thầy cô chỉ gợi mở cho các em.

Trong giờ học về tình bạn, tình yêu tuổi học trò, có em đưa ra tình huống khi đi chơi riêng chỉ có hai người, "đối phương" đòi quan hệ tình dục thì phải xử lý thế nào?

Các em tự thảo luận và đưa ra những cách xử lý. Có em nhất quyết đòi chia tay. Bạn khác đặt vấn đề nếu chưa sẵn sàng thì nên đưa lý do thế nào, còn đồng thuận thì cần chuẩn bị những gì…

Tâm lý không điểm số, không bài tập, không kiểm tra khiến các em rất thoải mái với thầy cô, mạnh dạn hỏi những vấn đề riêng tư, thầm kín.

Các em học sinh thuyết trình trong buổi học giáo dục giới tính. Ảnh: B.K.

- Giáo viên là người thầy, người bạn, chuyên gia hay là người đi trước... khi dạy về giới tính?

- Tùy mỗi tình huống, giáo viên sẽ đóng vai trò khác nhau trong lớp học. Khi các em chia sẻ, chúng tôi lắng nghe như người bạn. Tôi đưa ra nhiều tình huống, khả năng với kinh nghiệm của người đi trước.

Chúng tôi không khuyến khích các em bất cứ điều gì, cũng không áp đặt suy nghĩ lên học trò. Chính bạn trẻ mới là người đưa ra quyết định cho mình.

Giáo viên nêu những hậu quả có thể xảy ra trong từng tình huống, các em sẽ cân nhắc lợi, hại khi chọn lựa. Vai trò của thầy cô chỉ là điều tiết, đưa ra thông tin, chứng cứ khoa học… Nhiều tình huống các em đề cập, giáo viên cũng phải giật mình vì sự tưởng tượng quá phong phú.

Đừng nghĩ học sinh không biết gì, thực ra các em khá rõ về những vấn đề như thế này vì đã tìm hiểu thông tin qua sách, báo, Internet... Thầy cô giảng giải không "thấu tình đạt lý", các bạn ấy sẽ "bẻ" lại ngay.

- Trong hơn 4 năm giảng dạy môn này, câu chuyện nào ấn tượng nhất với cô?

- Mỗi lần học sinh nhờ tư vấn những chuyện thầm kín, tôi rất vui vì ít nhất các em đã tin tưởng mình. Có những vấn đề tôi giúp được các em nhưng cũng nhiều trường hợp khiến tôi trăn trở vì không tư vấn được nhiều.

Một nam sinh lớp 12 từng hỏi tôi về chuyện "nghiện" thủ dâm. Em không thể tập trung ôn thi tốt nghiệp, mệt mỏi, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện đó, dần dần cảm thấy tự ti, xa lánh bạn bè, kết quả học tập giảm sút.

Lúc đó, tôi thấy mừng vì em đã mạnh dạn hỏi mình, nếu không đợi đến khi kết quả thi cử thấp, sức khỏe yếu thì rất đáng tiếc.

Tôi giải thích thủ dâm không phải tội lỗi nhưng nếu "nghiện" sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và học tập. Em và các bạn nên tham gia nhiều hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ để có đời sống lành mạnh. Rất may sau đó, mọi chuyện cũng đã ổn.

Khó khăn nhất là kinh phí

- Cô có đồng tình việc đưa môn giáo dục giới tính vào chương trình đào tạo bắt buộc trong nhà trường?

- Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người ủng hộ nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định dành cho bộ môn này. Các trường ở TP.HCM cũng giảng dạy theo kiểu mạnh ai nấy làm, trường nào cảm thấy cần thiết thì dạy, không thì thôi.

Ở trường THPT Marie Curie, những học sinh lớp 10 đều được tham gia chuyên đề giáo dục giới tính, tương tự chương trình sinh hoạt ngoại khóa. Mỗi lớp đều được tham gia 2 buổi học. Thời lượng vẫn còn khiêm tốn nhưng giáo viên đã cố gắng giải đáp thắc mắc của học sinh.

Để có được 2 buổi học, thầy cô phải chủ động sắp xếp lịch, chỉ khi nào thời khóa biểu của cả lớp trống mới có điều kiện xếp lớp cho các em.

- Trong quá trình giảng dạy môn học được xem là tế nhị, cô gặp khó khăn gì?

- Có lẽ, khó khăn nhất là kinh phí, hiện chưa có nguồn chi trả cho giáo viên. Vì chưa có quy định cho môn học, lương thưởng của thầy cô cũng “buồn vui thất thường”, mỗi trường có mức hỗ trợ khác nhau.

Hiện tại, tôi được hỗ trợ 60.000 đồng/tiết. Số tiền đó được trích ra từ quỹ của Hội phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, ít giáo viên dạy môn này được đào tạo đúng chuyên ngành, cũng không có lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Giáo án, tài liệu, thầy cô đều phải chủ động xin từ các tổ chức, buổi hội thảo…

Theo số liệu của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó 2% là ở tuổi vị thành niên.

Đến năm 2015, trong tổng số gần 280.000 ca phá thai, hơn 5.500 ca là trẻ vị thành niên.

Tác giả bài viết: Minh Nhật

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP