Một độc giả chia sẻ ban đầu khi xem clip có cảm giác “đỏ mặt” nhưng sau đó thích thú bởi kiến thức mang lại rất cần thiết.
Nên có nhiều tiết học trực quan
Chia sẻ về clip đang lan tỏa trên mạng, TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng cần hơn nữa những tiết học về bao cao su.
Theo TS Hương, giảng dạy giáo dục giới tính theo cách nói giảm, nói tránh không còn phù hợp giới trẻ trong xã hội hiện đại. Việc lảng tránh khiến trẻ nghĩ rằng người lớn không tin các em nên tìm cách che giấu. Từ đó, các em đi tìm tài liệu tràn ngập trên Internet và cả những thước phim nhạy cảm.
TS Vũ Thu Hương (ở giữa) và học trò. Ảnh: NVCC.
Đồng tình với quan điểm cần dạy nhiều hơn nữa những tiết học giáo dục giới tính, anh Đức Hiển (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: “Nếu biết có trường nào mạnh dạn mang bài học về bao cao su vào lớp, tôi cũng muốn chuyển trường cho con đến học”.
Theo anh Hiển, kỹ năng sống, cách bảo vệ bản thân cũng quan trọng không thua kém kiến thức.
Chị Nguyễn Hiền có con đang học cấp 2 tại Đông Anh (Hà Nội) cho biết con gái chị dậy thì từ năm học lớp 6. Người mẹ này đánh giá nhà trường, phụ huynh có những bài học về sử dụng bao cao su là điều nên làm.
"Khi đọc thông tin cô gái phá thai, tôi vừa thương vừa trách cháu đã không đủ tỉnh táo. Nhưng đáng trách hơn là cha mẹ, họ đã không trang bị kiến thức cho con, nhà trường không giúp em tiếp cận kỹ năng cần thiết", chị Hiền nêu quan điểm.
Giới thiệu khái niệm bao cao su cho học sinh lớp 4
Nhiều năm tư vấn trong ngành giáo dục, TS Vũ Thu Hương cho rằng nên giáo dục giới tính cho trẻ từ năm 6 tuổi. Nhà trường cần giới thiệu về bao cao su cho học sinh lớp 4 và hướng dẫn các em sử dụng từ năm lớp 6.
Theo nữ tiến sĩ, không ít trẻ lớp 6 đã quan hệ tình dục, trong đó phần lớn các em này có cha mẹ không chú tâm giáo dục giới tính cho con. Bà cũng nhớ câu chuyện thực tế hai cô cậu học trò lớp 6 rủ nhau làm "chuyện người lớn" trong góc lớp khi các bạn đang ngủ trưa.
“Có những cô bé thơ ngây nói 'con quan hệ xong rồi rửa bằng Coca-Cola nên không có thai đâu'. Một nam sinh lớp 7 còn nhận đã thử sử dụng túi nylon thay bao cao su và kêu đau”, TS Hương kể lại.
Theo bà Hương, tâm lý của cha mẹ thường lo lắng việc giáo dục giới tính cho con là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp "hươu" đã chạy lung tung trước khi người lớn quan tâm.
Bà cũng lưu ý từng có trường hợp đau xót khi trẻ em làm theo mệnh lệnh của những kẻ ấu dâm vì cha mẹ không chỉ bảo. Trẻ em bị kẻ ấu dâm "hướng dẫn" giới tính, hậu quả để lại rất lớn.
Mặc dù ngày càng nhiều người nhận định học về bao cao su là cần thiết, trên thực tế, những tiết học này còn khá lạ lẫm tại các trường.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết trường của ông không có tiết học trực quan như trong clip được quay ở Hải Phòng.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: An Hoàng.
Ông ủng hộ việc dạy sớm về giáo dục giới tính nói chung và dạy về bao cao su ở bậc THCS nói riêng. Tuy nhiên, TS Tùng Lâm cho rằng không phải thầy cô, trường học nào cũng áp dụng.
TS Tùng Lâm đánh giá đây thực sự là “bài toán còn đặt dấu chấm hỏi” cho giáo viên và các trường. Ông nêu: “Nếu thực hiện, việc dạy học sinh sử dụng bao cao su nên là bài sau cùng trong chuyên đề về giáo dục giới tính, tình dục an toàn. Các trường cũng nên thăm dò học sinh trước khi dạy tiết học này”.
‘Giáo dục giới tính ở trường rất nhàm chán’
Đó là chia sẻ của học sinh Duy Tùng (quận 7, TP.HCM). Tùng cho biết các em được học giáo dục giới tính từ năm cấp 2 với hai tiết ngoại khóa, nhưng rất nhàm chán. Giáo viên chưa tháo được "nút thắt" khiến cả cô và trò đều bỡ ngỡ. Học sinh thường cúi đầu ngượng ngùng, xấu hổ.
“Những kiến thức đến từ các buổi học này cho đến giờ em cũng không còn nhớ rõ”, nam sinh cho biết.
Năm 2015, theo một cuộc khảo sát của Bộ GD&ĐT, 90% học sinh có nhu cầu tư vấn tâm lý, giới tính. Tuy nhiên, việc triển khai phòng tâm lý trong trường học còn nhiều hạn chế.
Nhiều trường chưa có giáo viên tư vấn chuyên trách, chủ yếu kiêm nhiệm; đa số góc tư vấn ghép chung với phòng y tế hoặc phòng Đoàn - Đội; giáo viên tâm lý thường phải làm việc ngoài giờ hành chính… Những tiết học trực quan về kỹ năng càng trở nên hiếm hoi.
TS Vũ Thu Hương nhận định ba năm trở lại đây, các chương trình giáo dục giới tính nở rộ với sự tư vấn của chuyên gia, thầy cô. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là vẫn còn rất nhiều nơi e dè, ngại ngùng nên tránh đề cập nội dung này.
Nữ tiến sĩ tâm lý đề xuất học sinh cần một lộ trình giáo dục giới tính hoàn chỉnh, hiện chưa có trong giáo dục phổ thông của nước ta.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm đề cao cách thực hiện ở Hải Phòng khi kết hợp dạy giáo dục giới tính giữa nhà trường và trung tâm tư vấn đào tạo kỹ năng. Phương án này giảm áp lực cho giáo viên khi họ thường có tâm lý e ngại bởi tiếp xúc thường xuyên học sinh trên lớp.
Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng cho biết hầu hết ở các trường THPT tại Hà Nội, năm nào cũng có hiện tượng học sinh nạo phá thai. Đây là thực tế các trường phải đối mặt.
Các trường đều đang tích cực thực hiện giáo dục giới tính theo chủ trương của Bộ GD&ĐT nhưng để thực hiện điều này trước tiên cần những thầy cô nhiệt tình, có chuyên môn, làm hiệu quả hơn nữa.
Tỷ lệ phá thai của Việt Nam cao thứ 5 thế giới Theo thống kê vào tháng 7/2016, Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới. Cụ thể, mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca phá thai ở độ tuổi 15 - 19. Con số này vẫn đang có xu hướng gia tăng. |
Tác giả bài viết: Quyên Quyên
Nguồn tin: