Trong nước

'Không nên coi trung tâm cai nghiện là nơi nhốt người'

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cách thức quản lý người cai nghiện cần được cải thiện, để họ thấy đó không phải là nơi nhốt người.

Chiều 7/11, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về vụ việc học viên bỏ trốn khỏi trung tâm cai nghiện ở Đồng Nai, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận cách thức quản lý những người cai nghiện phải được cải thiện.

Trung tâm cai nghiện phải để họ cảm thấy đó không phải nơi “nhốt người”, mà là chỗ sinh hoạt, giao lưu với nhau, lao động với tính chất thoải mái để quên đi chất gây nghiện

- Theo ông vì sao trong thời gian gần đây liên tục xảy ra nhiều vụ việc học viên cai nghiện đập phá, gây sức ép, trốn trại cai nghiện?

- Hiện, người nghiện được đối xử khá thoải mái. Một là tự nguyện vào, hai là các đối tượng không nơi nương tựa được đưa vào và được nhà nước hỗ trợ. Không còn hình thức bắt buộc cai nghiện như trước đây mà tự nguyện, cởi mở với mục tiêu làm sao hạn chế bớt bức xúc ngoài xã hội.

Vì các đối tượng này, cai được một người thoát khỏi cơn nghiện là rất khó khăn, cần đầu tư lớn, và phải hết sức cẩn thận. Chỉ cần một luồng khói của thuốc phiện là họ quay trở lại ngay.

Tôi nghĩ có một thời kỳ chúng ta không tập trung lớn cho công tác cai nghiện. Sau một thời gian tăng lên rồi mới tiếp tục đưa vào các trung tâm cai nghiện nên số lượng này tăng lên. Khi số lượng người cai nghiện tăng lên thì dễ có xung đột, dễ xảy ra chuyện kích động.

Cho nên trong biện pháp, quan trọng nhất là phải phân biệt đúng đối tượng và phải quản chặt các đối tượng có nguy cơ gây kích động cao.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi trả lời báo chí chiều 7/11. Ảnh: Tiến Tuấn.

- Chỉ trong 20 ngày, ở tỉnh Đồng Nai đã xảy ra tới 3 vụ người nghiện phá phách, trốn trại. Theo ông, về lâu dài phải làm sao để giải quyết tình trạng này?

- Đối với người nghiện, con đường lâu dài vẫn là thực hiện xã hội hoá, gia đình phải có trách nhiệm. Xã hội chỉ có trường hợp có trách nhiệm với người không nơi nương tựa, không ai chăm sóc thôi. Quản lý một người nghiện đã khó khăn rồi mà đây lại tập trung tất cả người nghiện vào thì quá nguy hiểm.

Vì vậy đối tượng nào có gia đình mà có điều kiện thì cho tự cai, nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ thì sẽ đỡ hơn. Còn nếu tập trung vào đông đối tượng kích động thì dễ gây nguy hiểm.

Chúng ta không thể trách chính quyền địa phương hay những người quản lý trong trại cai nghiện vì họ rất trách nhiệm, không ai muốn việc này xảy ra cả.

- Như ông nói thì việc tập trung người nghiện để cai nghiện tập trung là gánh nặng đối với Nhà nước và phải tìm cách tháo gỡ ngay?

- Tôi vẫn nói không bao giờ nên thực hiện hình thức đó. Đó chỉ nên là hình thức cuối cùng trong đời sống xã hội, mà nhà nước cũng nói rõ không có gia đình, địa chỉ mới đưa vào trung tâm, còn có gia đình thì phải đưa về.

Những đối tượng không có gia đình mà nhà nước không hỗ trợ thì ai bỏ ra? Nếu không hỗ trợ thì xã hội lại thêm các đối tượng nguy hại cho xã hội, an ninh lại không đảm bảo.

Cái chính là phân loại rõ hơn các đối tượng. Trong tổng số mấy trăm đối tượng cai nghiện, phải phân loại rõ ra xem anh nào là đối tượng bức bách thì có cách quản lý chặt chẽ hơn, sâu sát hơn, theo dõi kỹ hơn. Đối tượng bình thường thì không cần đến mức độ như vậy.

Điều kiện sinh hoạt cần hết sức thoải mái, cởi mở, để người ta cảm thấy đó không phải chỗ nhốt người ta, mà là chỗ để họ giao lưu, lao động để quên đi chất gây nghiện.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi

Tác giả bài viết: Thắng Quang - Tiến Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP