Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đến tận vườn vải thiều ở Bắc Giang để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu |
Sức bật của nông nghiệp Việt Nam
Mặc dù từng có dự báo về những khó khăn, tụt hậu trong tăng trưởng nhưng số liệu 3 năm gần đây (2016 - 2018), cho thấy kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh với mức bình quân là 12,17% mỗi năm (cao hơn mức tăng 9,7% trong giai đoạn 2011 - 2015). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta vẫn đang duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là: lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sắn (mì), rau quả, tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Trong đó, có 5 mặt hàng đã vào nhóm “3 tỷ USD” là: trái cây, hạt điều, cà phê, tôm và đồ gỗ. Riêng kim ngạch xuất khẩu trái cây, từ năm 2016 đã vượt dầu thô, vọt lên trở thành một “hiện tượng”.
Nói thêm về sức bật của nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng bằng những kỳ tích: Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, điều, cá tra; đứng thứ hai về cà phê; đứng thứ ba về gạo, tôm; đứng thứ năm về xuất khẩu lâm sản... Các sản phẩm mà nông dân Việt Nam làm ra hiện đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ - nghĩa là gần như có mặt trên khắp thế giới. Số liệu từ Bộ Công thương cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng, hiện đã cao hơn các đối thủ cạnh tranh như: Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn, ngành lúa gạo Việt Nam kỳ vọng sẽ vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Trong 5 năm qua, để nâng cao chất lượng gạo, giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân đã hình thành chuỗi sản xuất khá bài bản. Không chỉ liên kết với nông dân trồng lúa theo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, năng lực cạnh tranh và vị thế của nông nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao. Nhiều nông sản đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa, ngay cả ở những thị trường nhập khẩu khó tính; đóng góp xứng đáng vào kết quả hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Đáng chú ý là trước đây, sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu còn mờ nhạt thì hiện nay, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong 10 tháng lên tới 455 triệu USD (chủ yếu là gia cầm và sữa - tăng gấp 2 - 2,5 lần so với năm ngoái). Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang mở ra tín hiệu đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của nông sản Việt Nam, khi gần đây các sản phẩm thịt heo và gia cầm của Việt Nam được các nước trong khu vực châu Á chấp nhận, trong khi nhiều năm trước đây, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu chỉ để phục vụ thị trường nội địa.
Tập trung tìm kiếm thị trường
Từ những tín hiệu chứng tỏ nông nghiệp vẫn còn rất nhiều dư địa, vấn đề đặt ra là làm cách nào để có thêm nhiều nhóm nông sản “tỷ đô” và thị trường bền vững hơn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tập trung phát triển thị trường tiêu thụ nông sản là giải pháp điển hình để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản Việt Nam.
Để tìm thị trường xuất khẩu, không chỉ doanh nghiệp mà thời gian qua, Chính phủ và các bộ cũng vào cuộc rất tích cực. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đã thúc đẩy đàm phán, tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong thương mại, đưa nông sản Việt Nam sang các thị trường khó tính, có giá trị gia tăng cao như: Hoa Kỳ (vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, vú sữa), Australia (vải thiều, xoài), Nhật Bản (thanh long, thịt gà)…
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), hiện nay Việt Nam có 6 thị trường xuất khẩu chiếm tới 77% tổng kim ngạch gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và EU. Tuy nhiên, không thể phụ thuộc vào một thị trường. Bộ Công thương sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm các thị trường mới, nhưng các doanh nghiệp phải chủ động tăng sức cạnh tranh cho nông sản bằng chất lượng. Bộ NN-PTNT cho biết, đang tổ chức lại sản xuất theo hướng ưu tiên hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, đủ sức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở những vùng sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, hiện đại cùng nhiều giải pháp đồng bộ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ, mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD nông, lâm, thủy sản cả năm 2018 như đề ra là “trong tầm tay”. Số liệu từ Tổng cục Thống kê và Bộ NN-PTNT cho biết, sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đã đạt 32,6 tỷ USD (tăng 8,1%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thủy sản (cá tra, tôm), gỗ và các sản phẩm từ gỗ, gạo và rau quả tăng mạnh. Các thị trường tiêu thụ nhiều nông sản của Việt Nam, lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là ASEAN và Hàn Quốc (đều vượt trên 30%). |
Tác giả: PHÚC HẬU
Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng