Riêng Quý I/2016, 1.269 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bị phát hiện và xử lý.
Ông Trịnh Văn Ngọc-Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan.
Ông Nguyễn Hữu Quý – Tổng Biên tập Báo Công thương cũng cho biết, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục là vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội. Vấn nạn này tác động tiêu cực đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư. Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, mang cả yếu tố nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hiện lực lượng chức năng mới tiếp cận được các đối tượng đi làm thuê, chưa có nhiều vụ điều tra, phát hiện những đối tượng cầm đầu. Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo 389 quốc gia luôn yêu cầu tập trung “đánh” vào tận ổ, nhóm của các đầu nậu để giải quyết triệt để vấn đề. Chính vì vậy, rất cần sự phối hợp từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự giúp sức của các cơ quan thông tấn, báo chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, chống lại vấn nạn nhức nhối này.
Năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 38.059 vụ, phát hiện 25.123 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 68 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 536 tỷ đồng. Riêng Quý I/2016, 1.269 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng bị phát hiện và xử lý. |
Tác giả bài viết: Thanh Xuân