Pháp luật

Xót lòng người cha đưa con trai vào tù vì chiếc xe máy kiếm cơm

Cha đưa con vào tù chỉ vì chuyện con mang cầm chiếc xe máy là tài sản kiếm cơm của cả gia đình. Đến khi con đứng trước vành móng ngựa, người cha mới hốt hoảng lo sợ và muốn cứu vãn tình thế nhưng không kịp.

Cha và con giữa phiên tòa buồn

Sự việc đã xảy ra, án cũng đã tuyên rồi. Thế nhưng mỗi lần nhớ lại cái buổi sáng trước phiên tòa định mệnh và đầy đau đớn ấy, người cha đầu đã hai thứ tóc này vẫn cứ rơi nước mắt vì xót xa cho hoàn cảnh của mình, xót xa cho đứa con đang ngồi trong trại giam, xót xa cho cả người vợ phải chịu biết bao điều tiếng không hay của hàng xóm láng giềng và cả của người thân hai bên gia đình.

Phiên tòa buồn diễn ra trong buổi sáng cuối tuần vắng người. Trên ghế bị hại, nỗi giằng xé khiến gương mặt của người cha đã già nua càng thêm khắc khổ. Ông buồn bã giãi bày, đứa con vốn hiền lành, chăm chỉ, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, không ngờ lại dính vào ma túy.

Phát hiện ra điều này vợ chồng ông rã rời. Cố nén hoang mang, gia đình ông tìm mọi cách để con cai nghiện. Nhưng ma lực của “nàng tiên nâu” thật kinh khủng. Con ông vẫn không thể nào dứt ra được.

Người dân nơi đây khi có mặt trong phiên tòa hôm ấy thì không bao giờ quên được khung cảnh đáng buồn khi bị hại là cha ruột, còn bị cáo là con cùng dắt nhau ra trước vành móng ngựa và tố cáo nhau. Buổi sáng xét xử hôm ấy, vợ và những đứa con còn lại của người đàn ông tóc hoa râm này cứ ngồi lặng lẽ trên những dãy ghế còn trống trải của phiên tòa buồn. Còn người cha, là bị hại trong phiên tòa hôm ấy cứ đứng lên ngồi xuống đầy bồn chồn, thấp thỏm mong ngóng chiếc xe tù sẽ chở bị cáo là đứa con trai trẻ người non dạ của mình từ trại tạm giam đến.

Ngôi nhà nghèo khó của người cha tội nghiệp.

Khi chiếc xe tù dừng lại. Người cha bước những bước thảng thốt về phía đứa con hai tay bị còng. Những bước chân run run chựng lại. Rồi ông nặng nhọc trở vào phòng xét xử. Bị cáo mặt buồn so, thỉnh thoảng lại nhìn về phía cha mẹ và các em đang ngồi như những chiếc bóng lặng lẽ.

Sau hồi chuông báo hiệu phiên tòa bắt đầu, bị cáo lủi thủi ra trước vành móng ngựa. Vị đại diện Viện Kiểm sát công bố xong cáo trạng, nhiều ánh mắt đổ dồn về phía người cha như những dấu hỏi. Chẳng lẽ chỉ vì mất chiếc xe giá trị vài triệu bạc, cha lại nhẫn tâm “đẩy” con vào vòng lao lý?

Bất giác, người cha gục mặt xuống bàn dường như để giấu nỗi đau mà khóc rưng rức trước sự ái ngại của thấm phán và các vị hội thẩm. Đứa con trong phiên tòa cứ cúi đầu rồi khóc mà không thể ngừng. Phải đợi người cha và đứa con dứt cơn xúc động, phiên tòa mới tiếp tục được.

Vị chủ tọa phiên tòa hỏi: “Vì sao bị cáo lấy xe của cha đem cầm?” Bị cáo: “Dạ thưa tòa, vì bị cáo thiếu tiền uống cà phê?”. Chủ tọa nghiêm giọng: “Chỉ vì thiếu tiền uống cà phê mà bị cáo lại phạm tội?” Bị cáo cúi mặt lí nhí: “Vì bị cáo nghĩ xe là của ba thì sẽ không phạm tội. Cùng lắm là bị ba la mắng thôi chứ không nghĩ tới mức này!”.

Sự việc không chỉ đơn giản là chuyện chiếc xe máy của gia đình. Đây là chiếc xe kiếm cơm của cả gia đình để nuôi 5 đứa con ăn học. Thế nhưng đứa con này lại không học hành đến nơi đến chốn mà lại phụ lòng cha mẹ, sớm ăn chơi lêu lổng mà không chịu làm lụng. Con mượn xe mô tô của cha đi chơi. Cha cho mượn với điều kiện con không được mang xe đi bán hoặc cầm cố, bởi người cha đã biết tính đứa con trai của mình.

Đứa con hứa chắc như đinh đóng cột. Cha trao xe cho con. Nhưng chỉ buổi sáng đến buổi chiều thì đứa con mang xe đi cầm lấy 5 triệu đồng, tiêu xài hết rồi về nói dối cha bị mất trộm. Cả gia đình chỉ trông vào chiếc xe để kiếm tiền từ việc chạy xe thồ của người cha, không có xe, cả nhà phải nhịn đói. Quá bức xúc nên người cha “tố cáo” tới công an. Chẳng mấy ngày thì đứa con bị bắt.

Giằng xé nỗi lòng người cha đẩy con vào tù tội

Gia đình mang chuyện buồn này vốn sống trong ngôi nhà khá đơn sơ ở khu tái định cư Hòa Vang (Đà Nẵng). Nghèo khó nhưng đồ đạc ngăn nắp, dẫu vậy vẫn không xóa tan được không khí nhuốm màu buồn bã. Người cha tâm sự, kể từ ngày con dính vào ma túy, mãi không cai nghiện được, nhà chưa có một phút nào vui được.

Điều đó như một vết đau cứ lở loét. Sâu mãi. Vợ chồng ông đã rất kỳ vọng vào đứa con vốn tình nghĩa, hiếu thảo này. “Hắn là đứa đầu, sau còn 5 em nữa. Hoàn cảnh khó khăn nên học chưa hết cấp III hắn nghỉ, theo người ta với nghề xe cẩu chở gỗ mưu sinh, phụ kiếm tiền nuôi các em ăn học!”, người cha xót xa giãi bày như thế.

Sau những ngày theo người ta đi làm, những công việc nặng nhọc chốn rừng sâu núi thẳm thì đứa con trở về với hai bàn tay trắng vì bao nhiêu tiền làm ra đều không đủ tiêu. Về nhà, đứa con phụ cha mẹ làm ruộng. Tất cả mọi việc nằng đều giành làm, nhường phần nhẹ cho cha.

Miếng ăn ngon cũng dành phần cha. Đối với những người thân khác trong gia đình, người con này tình cảm, trách nhiệm chẳng kém. Giọng người cha đau đớn: “Nghĩ đến những tình cảm đó của con, lại nghĩ đến việc chính mình sẽ đi báo công an bắt con đi tù tui đau khổ, dằn vặt, giằng xé lắm.

Nhưng chỉ còn cách đó mới mong cứu con thoát khỏi ngày càng sa xuống bùn!”. Suốt câu chuyện với chúng tôi, người cha nói về con với tình cảm thương yêu nặng trĩu, dù không ít lần ông trách cứ. Ông trách sao con nhẹ dạ nghe lời rủ rê của bạn bè, thử ma túy một lần cho biết. Thế là từ đó trượt. Trượt dài mãi mà không có điểm dừng.

Ông trách con chưa đủ bản lĩnh để đứng dậy từ chỗ trượt ngã. Để đến nỗi cuộc đời ngày càng xám xịt. Từng đi tù. Từng có một cô gái sắp cưới xin nhưng cũng “bỏ chạy” vì không khuyên được người yêu dứt khỏi ma túy. Đến nỗi đã gần 40 tuổi mà cuộc đời con ông vẫn lông bông, bết bát.

Người cha tội nghiệp

Bạn có muốn tìm hiểu làm thế nào để kiếm được 259 $ mỗi ngày?Bạn có muốn tìm hiểu làm thế nào để kiếm được 259 $ mỗi ngày? Chán bụng phệ? Giảm 9 cân một tuần bằng cách uống thứ này mỗi sángChán bụng phệ? Giảm 9 cân một tuần bằng cách uống thứ này mỗi sáng Cách điều trị bệnh đau lưng, cổ và khớp xương. Tìm hiểu ngay...Cách điều trị bệnh đau lưng, cổ và khớp xương. Tìm hiểu ngay...

Nghe chồng nói chuyện với người khách lạ, người vợ mặt buồn rười rượi cứ lui cui dưới bếp, không nói không rằng. Lúc lâu sau, bà mới thổ lộ, trong những ngày dài con bị bắt tạm giam, bà cũng không lần nào đến thăm. Việc thăm nuôi và gửi đồ ăn thức uống, bà giao hết cho mấy đứa em. Nhớ con, thương con lắm. Nghĩ đến cảnh con sống trong trại giam, đêm đêm khóc thầm, nhưng lần này bà phải tỏ thái độ “cứng rắn”. Vả lại, để “hắn” thấy cảnh mấy đứa em lặn lội đến chốn tù tội thăm nuôi, đứa làm anh có lúc phải giật mình. Nhất là một đứa tình cảm, từng có trách nhiệm như “hắn”.

Lúc phiên tòa tạm dừng để nghị án, đứa con đã gần 40 tuổi, tóc đã lấm chấm sợi bạc cứ nhìn về phía cha mẹ, cái nhìn không gợn chút oán trách mà đầy hối lỗi và khắc khoải, đôi mắt rơm rớm, ân hận. Cha mẹ và các em đến cạnh bị cáo. Vài câu trò chuyện rất ngắn, giọng nói rất nhỏ. Chỉ những ánh mắt đầy tâm trạng.

Bởi cha mẹ đã từng phân tích sai trái, khuyên nhủ thậm chí van lơn con rời bỏ “cái chết trắng”. Con không bỏ được nên ra nông nỗi. Tòa tuyên án, phạt bị cáo 6 tháng tù giam. Từ giã cha mẹ, anh chị em bằng ánh mắt, bị cáo lầm lũi theo công an ra chiếc xe tù.

Vẫn đứng như bị chôn chân xuống đất, khi chiếc xe chở đứa con mất dạng dưới màn mưa dày đặc, người cha mới thẫn thờ lê chân ra khỏi phòng xét xử. Vị kiểm sát viên an ủi: “Con bác nhờ chuyển lời mong bác tha thứ. Bác đừng buồn nữa, chắc chắn anh ấy hiểu tấm lòng của bác và cũng đoạn tuyệt được với những cơn nghiện”.

Người cha đau khổ gục mặt xuống. Không biết ông khóc hay cơn gió tạt những giọt nước mưa lạnh buốt làm ướt nhòa gương mặt khắc khổ. Ông buồn nhiều, lo nhiều, nhưng hy vọng lại nhiều hơn. Bởi lần này “đưa” con đi tù, cả người cha và người mẹ nghèo này đều hy vọng đứa con sẽ tỉnh ngộ.

Có thể 6 tháng ở trong trại giam cũng là liều thuốc thời gian quý báu. “Có thể sẽ vật vã, khó khăn, nhưng trong quá trình thi hành bản án, cải tạo, tui hi vọng hắn cắt được cơn nghiện, như lời hắn nhắn gửi cha mẹ qua vị kiểm sát viên trong buổi sáng ấy!”, người cha chầm chậm chấm nước mắt rồi nói.

Chiều mây trời cuối ngày bay bay. Lần này lại tiếp một khoảng thời gian dài nữa ông không có đứa con trai này ở bên, nhưng đó là cách tốt nhất để đứa con mình tỉnh ngộ. Ông hy vọng như thế.

Tác giả: Minh Ngọc

Nguồn tin: Chuyên trang Phụ nữ và Đời sống

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP