Giáo dục

Xóa bệnh thành tích trong giáo dục: Cần bắt đầu từ chính thầy cô giáo

PGS Văn Như Cương cho rằng: Để chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo trong giáo dục, thiết nghĩ đi tiên phong không ai khác chính là đội ngũ giáo viên.

Xóa bệnh thành tích trong giáo dục: Cần bắt đầu từ chính thầy cô giáo

Mười năm trước, vào năm 2006 Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích”. Mấy năm đầu triển khai, chất lượng dạy và học có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên trong mấy năm trở lại đây, bệnh thành tích lại có dịp 'bùng phát" khi nhà nước có các chế độ ưu tiên cho những nhà giáo ưu tú, giáo viên giảng dạy lâu năm...

Đơn cử, trường hợp của ông Đặng Vũ Ngoạn - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã khai khống thành tích để đủ điều kiện nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước.

Năm 2008, ông Ngoạn được chuyển công tác từ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) về Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Từ năm 2008 đến 2011 liên tục trong 3 năm ông Ngoạn đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nhưng trước khi về Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thì tại Trường ĐH Bách khoa trong 2 năm 2006 và 2007, PGS-TS Ngoạn không hề đạt được chiến sĩ thi đua. Như vậy ông Đặng Vũ Ngoạn không đủ tiêu chuẩn 5 năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở tại thời điểm đề nghị khen thưởng, tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 (thành tích tính từ năm 2006 đến 2011). Thế nhưng trong hồ sơ thành tích để được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ông Ngoạn đã khai là đạt chiến sĩ thi đua 5 năm liền.

Ông Đặng Vũ Ngoạn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM


Tương tự, mặc dù không đủ tiêu chuẩn 7 năm liên tục chiến sĩ thi đua cơ sở tại thời điểm đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng ba năm 2013 (tính thành tích từ năm 2006 đến 2013), nhưng ông Ngoạn vẫn khai mình đạt 7 năm liền chiến sĩ thi đua. Chưa dừng lại ở đó, ông Ngọan còn tự để bảng lương của mình có mức thu nhập lên tới 182 triệu đồng/tháng.

Khi tham chiếu bảng thu nhập của ông Ngoạn với rất nhiều khoản tiền trách nhiệm, tiền quản lý rất lạ đời đến hơn 50 triệu đồng, nhiều cán bộ, nhân viên, thầy cô giáo không thể im lặng trước bảng lương có vấn đề này. Khi sự việc vỡ lở, ông Ngoạn quanh co rằng do chủ quan nên ông đã... ký xác nhận vào bản khai nhận bảng lương cũng như các hồ sơ thành tích thi đua, khen thưởng mà không kiểm tra kỹ hồ sơ(?!). Trong khi đó, Vụ Thi đua - khen thưởng (Bộ Công Thương) cho rằng hằng năm Bộ có văn bản hướng dẫn rõ ràng cho các đơn vị trong ngành công thương tổng kết hình thức khen thưởng, trong đó đều có chú thích thành tích do cơ sở tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thành tích đó.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Như Chinh, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ Công Thương) xác nhận Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Ngoạn do vi phạm Luật Thi đua khen thưởng.

Và mới đây nhất, trường hợp ông Phạm Bá Luyến - nguyên trưởng phòng GD-ĐT huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tạo cho mình một hồ sơ "đẹp long lanh" để đạt một danh hiệu trong ngành giáo dục mà ông công tác. Trong quá trình công tác, ông Phạm Bá Luyến - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quan Sơn - Thanh Hóa đã để xảy ra nhiều sai phạm. Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa, năm 2012, ông Luyến không trung thực trong kê khai thành tích cá nhân, khai gian thời gian trực tiếp giảng dạy từ 4 năm thành 16 năm để đủ tiêu chuẩn, điều kiện được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Ngoài ra ông Luyến còn có nhiều sai phạm trong vấn đề tuyển dụng giáo viên. Từ những sai phạm nêu trên, ông Luyến không những bị cách chức vụ ở phòng giáo dục mà còn bị cách chức vụ trong Đảng. Một án phạt đủ sức răn đe với những sai phạm mà ông Luyến cố tình phạm phải.

Qua những trường hợp trên, có thể nói bệnh thành tích là căn bệnh trầm kha tồn tại từ lâu trong xã hội Việt Nam, kể cả trong giới nhà giáo. Nó đã gây ra những tác hại ghê gớm, cản trở rất nhiều tới quá trình phát triển của đất nước. Ở các thành phố, vì “bệnh thành tích” mà ban giám hiệu nhiều trường sẵn sàng “thổi phồng” tỷ lệ học sinh khá, giỏi lên tới con số đáng ngờ là hơn 90%, trong khi thực tế thấp hơn rất nhiều. Có những trường kỳ quặc hơn là không cho phép học sinh yếu kém lưu ban vì sợ ảnh hưởng đến “thành tích” chung của trường và “uy tín” của ban giám hiệu.

Trong những kỳ thi hết cấp, cũng bởi “bệnh thành tích” mà nhiều học sinh “đỗ ép”, do đó càng học lên càng đuối. Mới đây, báo chí đưa tin một số giáo viên khi chấm thi chéo đã cố ý hạ điểm thi của học sinh trường khác với mục đích để tỷ lệ đỗ của trường đó kém trường mình. Sự giả dối kéo dài dẫn đến một thực tế đáng buồn là chất lượng học tập của học sinh hiện nay rất đáng lo ngại.

Trao đổi với phóng viên về bệnh thành tích đang nở rộ ở chính các giáo viên, PGS Văn Như Cương cho rằng hiện nay bệnh hình thức, bệnh thành tích trong giáo dục hết sức nặng nề và càng ngày càng trầm trọng. “Những người làm giáo dục có vai trò rất quan trọng, đó là phải làm sao để học sinh quay trở lại với mục đích cốt lõi nhất của giáo dục là học thật, dạy thật, đào tạo ra những người biết làm việc thật. Thiết nghĩ, triết lý giáo dục cuối cùng phải là như vậy” – PGS Văn Như Cương nêu quan điểm

Đưa ra giải pháp chống bệnh thành tích trong giáo dục, PGS Văn Như Cương đề xuất: Để chống được căn bệnh gian dối, thành tích ảo, thiết nghĩ đi tiên phong không ai khác chính là đội ngũ giáo viên. Chỉ khi giáo viên đi tiên phong, kiên quyết chống bệnh gian dối, thành tích ảo thì môi trường giáo dục mới sáng lên được.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khẳng định: Chính bệnh thành tích đã kéo nền giáo dục nước nhà dần tuột dốc. Thành tích kéo dài từ các phòng ban cho tới các trường, các thầy cô giáo và cuối cùng là tới các phụ huynh, học sinh. Muốn xóa bỏ căn bệnh thành tích phải tìm ra căn nguyên dẫn đến tình trạng ấy và đề ra giải pháp xóa bỏ căn nguyên ấy: đó là việc đề ra chỉ tiêu thi đua quá cao, không phù hợp với khả năng thực tế có thể đạt được, và gắn tất cả với việc đạt chỉ tiêu thi đua.

Một chuyên gia giáo dục khác cho rằng, về một mặt nào đó việc Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cấm dạy thêm, học thêm cũng nhằm đẩy lùi việc chạy theo thành tích trong giáo dục. "Tôi tin quan điểm của Bí thư Đinh La Thăng sẽ làm giảm bớt bệnh thành tích và nhiều tiêu cực khác, đồng thời sẽ tạo ra cơ chế tốt cùng môi trường cạnh tranh lành mạnh" - chuyên gia này khẳng định.

Tác giả bài viết: Dạ Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP