Đăng Khoa (34 tuổi, TP HCM), từng là nhân viên bán hàng lâu năm của một hãng xe Nhật tại Việt Nam. Mê phượt, thích du lịch đến những nơi xa phố thị cùng bạn bè, Khoa tậu Ford Ranger vào giữa 2016 sau thời gian tích góp.
"Tôi là người chấp nhận ưu, nhược điểm của từng mẫu xe chứ không thần thánh hóa sản phẩm nào. Xe tôi sở hữu có những gì bản thân mong đợi như thiết kế cơ bắp, hiện đại và khỏe. Nó xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra", Khoa nói về lựa chọn mẫu bán tải Mỹ thay vì những cái tên Nhật khác.
Xe Mỹ áp đảo
Trường hợp của Đăng Khoa phản ánh phần nào thực tế thị trường. Giá trị bán lại, sự bền bỉ của ôtô Nhật là những ưu điểm khiến khách Việt dốc hầu bao. Điều đó có thể đúng trên các dòng sedan, SUV nhưng bán tải ở phương diện ngược lại.
Ford Ranger thể hiện ưu thế vượt trội so với các đối thủ. |
Bức tranh thị trường bán tải Việt Nam trong vài năm qua là cuộc chiến của Ford Ranger và phần còn lại. Bất chấp nhiều nỗ lực từ các đối thủ, mẫu xe của Ford vẫn vững vàng với ngôi vị dẫn đầu.
Số liệu thống kê VAMA đến tháng 11/2017, dung lượng toàn thị trường bán tải là 21.890 xe, riêng Ranger tiêu thụ 13.528 xe, tức chiếm gần 62% thị phần (không tính Nissan Navara). Đây cũng là mẫu xe chiến lược của Ford trong bối cảnh những sản phẩm khác như Focus, Fiesta, Everest lép vế trước các đối thủ Nhật, đặc biệt Toyota. Một mình Ranger chiếm hơn phân nửa doanh số bán hàng của Ford.
Chevrolet Colorado là cái tên thăng tiến đáng chú ý nhất trong phân khúc. Mẫu xe Mỹ ba năm qua ngụp lặn ở nhóm cuối, nhưng bất ngờ kết thúc tháng 11/2017 với doanh số cộng dồn đạt 2.801 xe, chiếm ngôi á quân mà Mazda BT-50 thường xuyên nắm giữ trước đó. Sự thay đổi từ các trang bị được bổ sung nhiều hơn kèm “chất Mỹ”, giúp doanh số mẫu xe này khởi sắc.
Chevrolet tăng trưởng doanh số nhanh tại Việt Nam. Ảnh: Lương Dũng. |
Bán tải Mỹ tiêu thụ tốt tại Việt Nam khi đánh đúng thị hiếu người tiêu dùng. Họ ưu tiên các trang bị tiện nghi, thiết kế cơ bắp nhưng phải thời trang. Chưa kể đây là xu hướng thiết kế chung của các hãng xe. Bán tải hiện nay không thuần cho mục đích chở người, hàng hóa mà đáp ứng cả "chất chơi" của chủ nhân.
“Người Việt mua bán tải cho mục đích kinh doanh, chuyên chở hàng hóa không nhiều như Thái Lan. Xe bán tải tiêu thụ phần lớn tại miền Bắc, miền Nam ở các thành phố lớn. Người mua chủ yếu để chơi nên trang bị tiện nghi, mẫu mã đẹp là ưu tiên hàng đầu”, Xuân Thắng, nhân viên một hãng xe Nhật cho biết.
Thái Lan là một trong những quốc gia tiêu thụ bán tải nhiều nhất thế giới. Tầng lớp tiểu thương chiếm số lượng lớn chọn bán tải cho mục đích kinh doanh, chở hàng hóa.
Theo thống kê của Marklines, Toyota Hilux và Isuzu D-max lần lượt chiếm hai vị trí dẫn đầu thị trường bán tải Thái Lan 2016, mức chênh lệch hơn 19.600 xe. Xếp sau là Mitsubishi Triton và Ford Ranger.
Bài toán khó cho xe Nhật
Tính thực dụng, bền bỉ của bán tải Nhật được người Thái đánh giá cao nhưng không còn sức thuyết phục lớn khi tiếp cận khách Việt. Hilux là trường hợp có thừa yếu tố thương hiệu và độ tin cậy, nhưng thiết kế trung tính, động cơ thiếu sức mạnh và trang bị đuối hơn nhiều đối thủ khiến mẫu xe Toyota không tạo được sức hút lớn.
Điều tương tự đối với Isuzu D-max, mẫu xe xếp cuối bảng xếp hạng doanh số với 433 xe tiêu thụ. Ngoại hình không hào nhoáng, đề cao công năng của D-Max chật vật tìm khách tại Việt Nam dù là mẫu xe ưa chuộng hàng đầu ở Thái Lan.
Toyota Hilux và Isuzu D-Max bán chạy tại Thái Lan nhưng chật vật khi về Việt Nam. |
Mazda BT-50 sử dụng khung sườn chung Ford Ranger, kèm nhiều trang bị và ngoại hình hầm hố chưa có đột phá về doanh số. Thậm chí đánh mất vị trí thứ hai vào tay Colorado, gián tiếp tăng thêm sự lép vế của xe Nhật trước xe Mỹ.
Một mẫu xe Nhật khác là Mitsubishi Triton trên hành trình tìm lại hào quang một thời với tư cách người khai phá phân khúc bán tải tại Việt Nam. Doanh số của Triton lưng chừng ở giữa bảng xếp hạng.
Thị trường bán tải Việt Nam trong 2017 đón thêm tân binh mới từ Nga, UAZ Pickup có giá khoảng trên 500 triệu đồng. Lợi thế mức giá rẻ nhất thị trường, nhưng thiết kế cũ, trang bị tối giản và nhận diện thương hiệu mờ nhạt khó giúp mẫu xe Nga làm nên chuyện tại Việt Nam.
Ngoại trừ mẫu bán tải xứ bạch dương, cục diện thị trường bán tải tại Việt Nam trong 2018 nhiều khả năng không có nhiều xáo trộn so với hiện thời. Bởi bảy mẫu xe kể trên đều có chung xuất phát điểm nhập khẩu từ Thái Lan.
Thuế nhập khẩu về 0% từ 2018, đề xuất của Bộ Công Thương tăng phí TTĐB 40%-110% tùy dung tích động cơ, trước bạ 10% nếu đi vào thực tế, ảnh hưởng về giá là không riêng mẫu xe nào. Soán ngôi Ford Ranger hiện là bài toán hóc búa cho các đối thủ Nhật.
Tác giả: Thành Nhạn
Nguồn tin: Báo VnExpress