Một buổi họp về diễn tập ứng phó với siêu bão tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu. |
Theo Văn phòng Biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tháng 9-2016, UBND thành phố Đà Nẵng và chương trình “100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller khởi xướng (gọi tắt là 100RC) phối hợp tổ chức công bố Chiến lược về khả năng chống chịu (KNCC) của thành phố Đà Nẵng.
Là thành phố phát triển ở Việt Nam - một trong những điểm đến hấp dẫn ở khu vực Đông Nam Á, nhưng Đà Nẵng rất dễ bị tổn thương bởi những cú sốc thiên tai như bão, lũ lụt, nắng nóng, hạn hán, nhiễm mặn... và những áp lực nảy sinh sau thiên tai như nhà cửa bị hư hỏng do bão, lũ, tình trạng thiếu nước, thiếu việc làm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sự phục hồi khó khăn của các doanh nghiệp địa phương sau các trận bão.
Tình trạng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây đã phát sinh những áp lực đô thị, tác động rõ rệt đối với thành phố. Vì vậy, Đà Nẵng được chương trình 100RC hỗ trợ để chủ động xây dựng KNCC.
Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chánh Văn phòng biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng đã xây dựng một bản chiến lược về KNCC, đề ra lộ trình cơ bản để bảo đảm vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa từng bước thích ứng, chống chịu tốt hơn trước các cú sốc thiên tai và các áp lực nảy sinh do thiên tai.
Theo bà Hà, có 4 lĩnh vực chính về KNCC đã đề cập là sự an bình của người dân thành phố trước các thiên tai như bão, lũ; nền kinh tế được duy trì liên tục trước bất kỳ cú sốc hay áp lực sau thiên tai; hạ tầng và môi trường thành phố có sự linh hoạt và chuyển đổi, hướng đến phát triển bền vững; công tác điều hành, phối hợp trong quản lý đô thị thông qua hệ thống thông tin chặt chẽ và hữu ích.
Với 4 lĩnh vực trụ cột trên, khi tiếp cận KNCC, các sở, ngành đã tích cực xây dựng và triển khai thông qua các hành động cụ thể và đạt được các kết quả tích cực.
Điển hình như năm 2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tiếp tục phối hợp với Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) triển khai dự án “Thực hiện các sáng kiến khuyến khích làm nhà ở chống biến đổi khí hậu cho người nghèo ở vùng đô thị tại Việt Nam” được Quỹ phát triển Bắc Âu (NDF) tài trợ nhằm tăng số lượng nhà ở chống chịu và thích ứng với khí hậu tại Việt Nam có thể chịu được các cơn bão và lũ lụt.
Dự án này được phát triển bởi những thành công từ dự án “Nhà ở chống bão vì một thành phố Đà Nẵng có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller tài trợ, thực hiện từ năm 2011 và kết thúc vào năm 2017, áp dụng thí điểm tại 8 phường, xã của thành phố. Đến nay, dự án của Quỹ Rockefeller đã thực hiện gần 450 căn với tổng nguồn vốn được giải ngân khoảng 10 tỷ đồng. Với dự án này, hàng trăm gia đình hội viên Hội Phụ nữ đã có nhà ở vững chắc trước những cơn bão lớn…
Để tiếp tục xây dựng KNCC của Đà Nẵng, theo bà Nguyễn Thị Kim Hà, thời gian tới tiếp tục xây dựng nguồn lực để thành phố và cộng đồng, người dân có đủ năng lực, cùng nhau chống chịu và tham gia phục hồi trước cú sốc, áp lực do thiên tai.
Các chương trình tuyên truyền, tập huấn về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường đã được các sở, ngành chủ động triển khai. Tuy nhiên, cần tiếp tục xây dựng theo chiều sâu, hình thành kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn cho mỗi người dân hiểu và phối hợp, hỗ trợ nhau khi bất kỳ các cú sốc hay áp lực nào xảy ra.
Đặc biệt, thành phố cần chủ động nâng cao hiệu quả hệ thống thông tin trong quản lý thiên tai để từng bước sẵn sàng ứng phó trước cú sốc, áp lực do thiên tai gây ra. “Đà Nẵng là thành phố đầu tiên của Việt Nam khởi động xây dựng chiến lược về KNCC.
Cách tiếp cận về xây dựng khả năng chống chịu của Quỹ Rockefeller đề cập tất cả các yếu tố phát triển của một đô thị cũng như khả năng thích ứng và phục hồi sau bất kỳ các cú sốc hay áp lực của một đô thị. Hy vọng chính quyền và người dân thành phố sẽ sớm xây dựng KNCC cao trước các cú sốc và áp lực bởi thiên tai”, bà Nguyễn Thị Kim Hà chia sẻ.
Tác giả: NGỌC PHÚ
Nguồn tin: Báo Đà Nẵng