Kinh tế

Xăng dầu Quân đội nhập cả hàng doanh nghiệp tư nhân không rõ đầu mối?

Một số thời điểm trong năm để đáp ứng kịp thời các hợp đồng mua xăng dầu cho khách hàng, Xăng dầu Quân đội còn tiến hành mua ngoài của một số doanh nghiệp tư nhân không rõ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp đầu mối nào để cấp cho các Trạm trực thuộc và giao cho hệ thống đại lý.

xang dau quan doi 1474849244415
(Ảnh minh hoạ).

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (Mipeco).

Đáng lưu ý, theo Kiểm toán Nhà nước, ngoài lượng xăng dầu được Tổng công ty đảm bảo, một số thời điểm trong năm để đáp ứng kịp thời các hợp đồng mua xăng dầu cho khách hàng, còn có tình trạng tiến hành mua ngoài của một số doanh nghiệp tư nhân không rõ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp đầu mối nào để cấp cho các Trạm trực thuộc và giao cho hệ thống đại lý.

Số liệu từ Kiểm toán Nhà nước cho thấy, lượng xăng dầu không rõ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp đầu mối nào tại Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 2 có 1,4 triệu lít xăng E5, 2,2 triệu lít xăng RON 92, 75 nghìn lít xăng RON 95 và tại Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 4 có 7,3 triệu lít xăng RON 92, 2,1 triệu lít dầu DO.

“Việc nhập hàng của các đại lý hoặc tổng đại lý không qua doanh nghiệp đầu mối kinh doanh là chưa phù hợp với Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu”, báo cáo Kiểm toán nêu rõ.

Báo cáo kiểm toán chỉ ra rằng, nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2015 của Tổng công ty là hơn 6.036 tỷ đồng, bao gồm nợ ngắn hạn 5.999 tỷ đồng và nợ dài hạn 36,8 tỷ đồng. Trong tổng số khoản nợ ngắn hạn có hơn 2.360 tỷ đồng là các khoản vay tại ngân hàng, còn lại là phải trả người bán ngắn hàng, khoản trả trước tiền hàng, quỹ bình ổn…

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, khả năng thanh toán nợ đến hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) của Tổng công ty là 0,99 lần, cho thấy Tổng công ty còn chưa đảm bảo khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Qua kiểm toán, công tác quản lý nợ phải trả còn một số tồn tại như một số đơn vị thực hiện đối chiếu số dư nợ phải trả cuối năm chưa đầy đủ. Khoản này bao gồm: chi phí phải trả dài hạn 22,9 tỷ đồng là khoản lãi vay phải trả Tổng công ty XNK Vạn Xuân về vay đầu tư phương tiện vận tải; 2 tỷ đồng phải trả Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 1; dự phòng phải trả dài hạn 11,9 tỷ đồng là các khoản bảo hành sản phẩm hàng hoá của Công ty TNHH MTV 165.

Đáng lưu ý, hệ số nợ (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) là 17,13 lần. Hệ số nợ cao chủ yếu do nguyên nhân nợ vay ngân hàng 2.360 tỷ đồng và do người mua ứng trước tiền hàng 2.171 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, mặc dù hệ số nợ cao nhưng chỉ mang tính tạm thời do đơn vị vẫn đảm bảo khả năng thanh toán nợ đến hạn và giá trị các khoản tiền, tương đương tiền và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn có giá trị lớn 5.490 tỷ đồng.

Về quản lý vốn chủ sở hữu, năm 2011, số lỗ luỹ kế của Tổng công ty là hơn 568 tỷ đồng. Từ năm 2012 - 2014, hoạt động kinh doanh của Tổng công ty có lãi, đơn vị đã kết chuyển xử lý lỗ theo quy định. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2015, số lỗ luỹ kế còn lại hơn 73 tỷ đồng.

Về đầu tư, Tổng công ty còn để tồn tại khi đầu tư xây dựng Kho cảng xăng dầu K662 do tình hình cấp bách phải thực hiện di dời kho xăng dầu ra khỏi thành phố theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hoà và được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Tuy nhiên, việc triển khai dự án khi chưa có đầy đủ thủ tục đầu tư trước ngày 31/10/2014 và chưa xác định rõ nguồn vốn đầu tư là chưa đúng quy định.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn cho rằng Tổng công ty Xăng dầu Quân đội có tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp chậm. Theo phương án phê duyệt, Tổng công ty phải xác định giá trị doanh nghiệp trong quý II/2016 và bán cổ phần lần đầu vào quý III/2016. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm so với yêu cầu.

Việc thoái vốn và không cho mang tên Quân đội tại Công ty cổ phần Xăng dầu Mỡ, Gas Quân đội chưa được thực hiện, Tổng công ty chưa có biện pháp cụ thể để thu hồi khoản đầu tư này. Khoản đầu tư này 4 tỷ đồng từ năm 2011 và được Kiểm toán Nhà nước xác định là không hiệu quả.

Việc đầu tư ra nước ngoài cũng kém hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ mất vốn, nhiều khoản nợ tồn đọng đã lâu không thu hồi được hoặc tiến độ thu hồi rất chậm, khả năng thu hồi thấp… Các yếu tố này ảnh hưởng khá lớn và làm giảm hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Tác giả bài viết: Phương Dung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP