Theo phản ánh của nhiều chủ hợp đồng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Hoằng Yến, tiền hỗ trợ thiệt hại do đợt áp thấp nhiệt đới và bão lụt cuối năm 2017 của họ đã bị chính quyền địa phương "cắt" bớt một phần để đóng tiền rác thải.
Cuối năm 2017, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của người dân xã Hoằng Yến bị thiệt hại nặng do thiên tai gây ra |
Qua tìm hiểu được biết, vào tháng 2/2018, UBND xã Hoằng Yến tổ chức chi trả trước 70% tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại diện tích nuôi trồng thủy sản trong đợt bão lũ, áp thấp nhiệt đới cuối năm 2017.
Tuy nhiên, trong quá trình chi trả tiền hỗ trợ, cán bộ xã Hoằng Yến đã "vận động" người dân "hỗ trợ" tiền rác thải. Trước cách làm của chính quyền địa phương, khiến nhiều người dân tỏ ra bức xúc.
Qua tìm hiểu của phóng viên, có những chủ hợp đồng sau khi nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra đã được chính quyền "vận động hỗ trợ” lại cho xã người ít thì 50.000 đồng, hộ nhiều lên đến cả triệu đồng. Trong khi đó, hàng tháng người dân đã đóng phí 8.000 đồng/khẩu tiền vệ sinh môi trường.
"Khi đến xã nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do thiên tai thì một bàn phát tiền hỗ trợ, còn bàn bên cạnh "vận động" đóng luôn tiền “hỗ trợ” rác thải. Gia đình tôi có 4 héc ta nuôi tôm quảng canh, sau khi nhận tiền hỗ trợ, tôi được thông báo đóng 360.000 đồng tiền rác thải. Những năm trước không thấy thu khoản tiền này, nay dân vừa được nhận tiền hỗ trợ thì lại thu”, một chủ hợp đồng nuôi trồng thủy sản phản ánh.
Theo danh sách các chủ hợp đồng nuôi trồng thủy sản đóng tiền rác thải trên địa bàn xã Hoằng Yến, có 99 hộ đóng khoản tiền này, với tổng số tiền là gần 36 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến, xác nhận, xã ủy quyền cho Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản “vận động” bà con "hỗ trợ" tiền thu gom rác thải khi họ nhận tiền hỗ trợ thiên tai.
Danh sách các hộ đóng tiền |
Theo ông Tốt, mỗi tháng tiền thu gom, xử lý rác thải của xã hết 30 triệu đồng, thu của dân chỉ được 20 triệu đồng. Nếu xã tận thu của cả các hộ kinh doanh, buôn bán cũng chỉ được 23 triệu. Vì thế, ngay trong ngày phát tiền hỗ trợ thiên tai, xã đã "vận động" các hộ nuôi trồng thủy sản ủng hộ được hơn 35 triệu đồng. Ông Tốt cho rằng, nếu không thu ngay lúc đó thì sau này sẽ rất khó thu.
Cũng theo ông Tốt, việc "vận động" bà con đóng tiền rác thải như vậy là không đúng thời điểm, xã sẽ chỉ đạo trả lại tiền cho người dân. Việc đóng tiền rác thải là bà con hoàn toàn tự nguyện, xã không ép buộc. Trách nhiệm của bà con là chung tay làm sạch môi trường, thu tiền cả năm để giúp bà con đỡ phải nộp nhiều lần.
Trước đó, tại xã Hoằng Phong (huyện Hoằng Hóa), sau khi người dân được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra, chính quyền địa phương cũng đã “xin” lại 15% "tiền chè nước, hỗ trợ cán bộ" đi lại làm giấy tờ. Sau khi báo chí phản ánh, UBND huyện Hoằng Hóa đã kiểm tra và kết luận, việc thu tiền trên ở xã Hoằng Phong là trái quy định, yêu cầu hoàn trả lại tiền cho người dân. Đồng thời, huyện Hoằng Hóa cũng đã tiến hành kỷ luật những cá nhân có liên quan để xảy ra sự việc nêu trên.
Được biết, cuối năm 2017, tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa liên tiếp hứng chịu những đợt mưa bão, gây thiệt hại nặng nề cho đời sống cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều hộ dân trên địa bàn. Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ thiệt hại. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã kêu gọi chung tay giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề trên đến bạn đọc.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí