Giáo dục

Vừa thương vừa giận cô giáo bị kỉ luật vì dạy thêm chui

Án kỷ luật của cô giáo N. là lời cảnh báo, răn đe với những giáo viên nào cố tình vi phạm quy định về dạy học thêm.

TPHCM: Một giáo viên bị kỷ luật vì vi phạm dạy thêm

LTS: Vụ việc một giáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh bị cắt thi đua, làm kiểm điểm phải ngưng việc việc dạy thêm gây xôn xao dư luận.

Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (một giáo viên ở Quảng Ngãi) có bài viết bình luận về vụ việc và cho rằng những quyết định xử lý giáo viên này là hết sức đúng đắn để làm gương cho toàn ngành.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 17/9 có bài: “Cô giáo Trường tiểu học Bành Văn Trân dọa học trò không đi học thêm sẽ lưu ban?" của tác giả Phương Linh.

Theo bài báo, cô Đ.T.T.N, giáo viên tiếng Anh lớp 1 của Trường Tiểu học Bành Văn Trân (phường 7, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh), bất chấp lệnh cấm của cấp trên, vẫn tổ chức dạy thêm tại nhà gây bức xúc dư luận.

Từ phản ánh này của Báo, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Bành Văn Trân đã sớm vào cuộc, tổ chức kiểm tra, xác minh và có hình thức xử lý kỷ luật đối với cô N.

Một giáo viên đang đứng lớp (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).


Cũng theo Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì “Cô giáo đầu tiên ở TP.Hồ Chí Minh bị kỷ luật vì vi phạm dạy thêm”, ngày 23/9, do đã có vi phạm trong quy định cấm dạy thêm học thêm ở cấp Tiểu học theo Thông tư 17 (Bộ Giáo dục quy định) nên cô N. đã bị hội đồng kỷ luật của nhà trường áp dụng hình thức cắt thi đua cho cả năm học 2016 – 2017.

Cùng với việc kỷ luật, cô N. còn phải làm bản tường trình để tự kiểm điểm cá nhân, phải ngưng việc dạy thêm tại nhà, trả lại số học phí còn lại trong tháng cho học sinh.

Trường Tiểu học Bành Văn Trân cũng đã họp toàn thể giáo viên của trường, quán triệt và yêu cầu thực hiện hết sức nghiêm túc các chủ trương của thành phố Hồ Chí Minh cũng như của Bộ Giáo dục về dạy thêm, học thêm.

Trước đó, thành phố này từng nêu rõ quan điểm sẽ xử lý kỷ luật đến mức đuổi việc nếu giáo viên vi phạm dạy thêm.

Từ thông tin trên, trường hợp cô N. bị kỷ luật do vi phạm quy định về dạy thêm đã nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của độc giả của cả nước với nhiều ý kiến, bình luận dưới bài viết.

Tôi đồng cảm với giáo viên này!

Là một nhà giáo, đồng nghiệp vừa là độc giả quen thuộc, thân thiết của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa trước việc cô giáo N phải bị kỷ luật về vi phạm quy định dạy thêm, học thêm.

Tôi rất thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của đội ngũ giáo viên cả nước nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trong bối cảnh những giá trị truyền thống của xã hội, học sinh có phần giảm sút; đời sống của đại bộ nhà giáo còn khó khăn; nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi tin rằng, có khó khăn, thiếu hụt về kinh tế thật sự nên cô giáo N. mới tự ý tổ chức dạy thêm “chui” để cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình.

Tôi cũng có thể mường tượng ra rằng mấy ngày nay cô giáo N. rất đau buồn, tâm trạng rối bời… sau sự cố đáng tiếc này.

Có lẽ, từ khi học ngành Sư phạm đến lúc ra trường làm nghề dạy học, cô giáo N. luôn nghĩ mình sẽ là một giáo viên giỏi, hoàn thành tốt công việc được giao, được đồng nghiệp tin cậy, học trò yêu quý và không bao giờ rơi vào tình cảnh như hôm nay.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Nhân dân tôn vinh, gọi người thầy giáo là “kỹ sư tâm hồn”, bởi dạy học không chỉ dạy chữ mà cao hơn là dạy cho học trò đạo lý làm người.

Ngẫm đến đây, tôi lại càng thấy tiếc và xót cho cô giáo N., nỗi buồn của riêng cô N. cũng là nỗi buồn chung của đồng nghiệp nhà giáo chúng tôi.

Cô bị kỷ luật, tin đưa trên báo, dẫu biết rằng người nào sai thì người ấy chịu, nhưng ít nhiều ngôi trường của cô đang dạy cũng như đội ngũ nhà giáo của thành phố, của cả nước bị ảnh hưởng tai tiếng trước dư luận xã hội.

“Dạy thêm cho học sinh chính khóa để thu tiền ở trường hay ở nhà đều làm hình ảnh giáo viên ngày càng xấu xí đi trong mắt nhân dân. Chỉ những người tự lừa dối lương tâm mới không hiểu điều đó”, độc giả Công Tâm đã bình luận đầy chua xót như thế (dưới bài báo đăng).

Bên cạnh cảm thông, tôi và nhiều đồng nghiệp còn có cả cảm xúc tức giận, không đồng tình với việc làm cô giáo N.

Bởi lẽ, ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản quy định rõ ràng về lệnh cấm dạy học thêm trên địa bàn toàn thành phố.

Đã là quy định thì phải chấp hành, nếu không phải bị xử lý

Chắc có lẽ, cô giáo N. đã biết, đã được nhà trường phổ biến không ít lần nhưng vẫn cố tình vi phạm, tổ chức dạy thêm “chui” tại nhà.

Không thể đổ lỗi cho chương trình học nặng; thi cử khó; do phụ huynh, học sinh có nhu cầu; lương giáo viên thấp, … để làm trái quy định.

Xin trích ra đây, bình luận của độc giả Thanh Bình rất đáng để mọi nhà giáo phải suy ngẫm:

“Tại sao những Giáo viên dạy các môn như: Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân... họ đâu có dạy thêm nhưng họ vẫn đủ sống, đây là trách nhiệm, lương tâm của người nhà giáo, phải dạy nhiệt tình, tận tâm tận lực cho học sinh”.

Đã là luật, quy định chung rồi thì tất cả mọi người phải tuân thủ, chấp hành nghiêm túc.

Chỉ có thượng tôn pháp luật thì xã hội mới phát triển, tốt đẹp lên.

Còn nếu khinh nhờn, coi thường pháp luật thì kỷ cương, xã hội sẽ lỏng lẻo, đất nước mãi tụt hậu so với thế giới.

Trong gần 3 triệu cán bộ, công viên chức của cả nước hiện nay thì đội ngũ nhà giáo các bậc học đã chiếm gần một nửa - một lực lượng đông đảo, hùng hậu.

Họ được học hành, đào tạo bài bản và đang là những người gánh vác sứ mệnh cao cả “trồng người”, đem các giá trị văn minh nhân loại truyền đạt đến các thế hệ trẻ.

Để nội dung truyền đạt của mình có sức nặng, thật sự thuyết phục với học trò, trước hết mỗi giáo viên phải là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, về hiểu biết và tuân thủ pháp luật…

Cô giáo N. và một số giáo viên khác đã có biểu hiện vi phạm pháp luật… rõ ràng không thể là tấm gương tốt cho học trò noi theo.

Học sinh trường Bành Văn Trân trên lớp học, ảnh PHương Linh


Từ sự việc của cô N., dư luận lại đặt ra không ít câu hỏi về những nỗi băn khoăn cơ chế, công tác quản lý dạy học thêm ở các địa phương hiện nay.

Một phụ huynh kiến nghị:

“Cấp trên ban hành lệnh cấm, cấp dưới lơ là bỏ qua, điều này cho thấy hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập.

Hy vọng các giáo viên dạy thêm sai luật ở trường Lê Công Phép bị bắt và bị xử lí thật nặng, để chúng tôi còn niềm tin vào công lí và pháp luật”.

“Thật không công bằng, vì vẫn còn rất nhiều giáo viên đang ung dung dạy thêm chính học sinh mình đang dạy chính khóa mà vẫn không bị kỷ luật. Cụ thể là ở Quận Bình Thạnh thành phố Hồ Chí Minh hầu như trường nào cũng có giáo viên đang dạy thêm ở nhà cho học sinh của mình.

Đề nghị có đường dây nóng để phụ huynh cung cấp các địa chỉ mà giáo viên đang dạy thêm không đúng quy định” - độc giả Sơn Lâm nêu bất công và chỉ địa chỉ cụ thể về tình trạng dạy học thêm “chui”.

Thiết nghĩ, “án” kỷ luật của cô giáo N. là lời cảnh báo, răn đe với những giáo viên nào cố tình vi phạm quy định về dạy học thêm. Những trường hợp này đều phải bị xử lý, kỷ luật, thậm chí sa thải, đuổi việc.

Tính công bằng, gương mẫu chỉ có được khi cả ngành quyết tâm đồng bộ, làm thường xuyên, triệt để.

Có vậy, vấn nạn dạy học thêm tràn lan, chèn ép mới thuyên giảm; kỷ cương, nề nếp của môi trường giáo dục mới được đảm bảo.

Nhân dân, phụ huynh chỉ tin tưởng ngành giáo dục khi gắn lời nói với những hành động cụ thể!

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP