Số hóa

Vụ Galaxy Note7 phát nổ cho thấy hiểm họa từ việc thiết kế "pin trâu"

Nỗ lực nâng cao dung lượng pin của Samsung đã bị "phản tác dụng" đối với trường hợp của Galaxy Note7, dẫn tới nhiều nguy cơ cháy, nổ thiết bị và thiệt hại hàng chục tỷ USD đối với công ty.

Galaxy Note7 là "nghi phạm" gây nên hai vụ cháy nhà và xe
Galaxy Note7 phát nổ kinh hoàng, thiêu rụi xe sang

Pin là sức ép lớn nhất đối với nhà sản xuất

Một cục pin có thời lượng sử dụng vượt trội không chỉ là ước mơ cháy bỏng của người dùng, mà còn là mục tiêu hàng đầu của ngành công nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới.

Smartphone đã không ngừng cải tiến, với màn hình sắc nét hơn, phần mềm đa dạng hơn, camera thậm chí đã có thể đặt cạnh máy ảnh DSLR. Duy nhất chỉ có pin trên các thiết bị di động vẫn là "nỗi ám ảnh" với người dùng công nghệ, khi vẫn cạn kiện quá nhanh, và mất nhiều thời gian để sạc đầy.

Một trong những yêu cầu "khắc nghiệt" nhất của người dùng đó là pin trên smartphone phải vừa đạt hiệu suất cao, nhưng vẫn phải mỏng và nhỏ hơn. Điều này phản ảnh thực tế thị trường, khi các nhà sản xuất vẫn thường giành chiến thắng với chiêu bài "siêu mỏng", hay "siêu nhẹ" để thu hút khách hàng. Tuy nhiên điều đó lại càng gây ra nhiều sức ép trong khâu sản xuất, và làm tăng thêm các nguy cơ giống như đối với chiếc Galaxy Note7.

"Cú ngã" của Samsung

Note7 từng được cho là một sản phẩm nổi bật nhất của Samsung trong năm, với nét đặc trưng là bút cảm ứng đa dụng, màn hình lớn và cong cả 2 cạnh bên, phần cứng mạnh mẽ, và nhiều tính năng đột phá. Bên cạnh đó, thời điểm ra mắt của Note7 vào đầu tháng 8 cũng mang đến lợi thế lớn cho Samsung, giúp họ có thể "đánh phủ đầu" chiếc iPhone 7 của Apple sẽ ra mắt trong tháng 9. Tuy nhiên, chiến lược của công ty điện từ Hàn Quốc đã hoàn toàn phản tác dụng.


Chỉ một sự cố về pin cũng đủ để khiến Galaxy Note7 từ một sản phẩm tiêu biểu của năm trở thành "kẻ tội đồ"

Tập đoàn điện tử Samsung mới đây đã chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục với giá trị ước tính 22 tỷ USD từ thị trường chứng khoản chỉ trong vòng 2 ngày. Theo đó, giá trị cổ phiếu của họ giảm 11%, vượt qua mức sụt giảm kỷ lục trong 2 ngày kể từ năm 2008. Nhiều hãng hàng không thậm chí đã thực hiện lệnh cấm bay đối với sản phẩm Galaxy Note7, trong đó có Việt Nam.

Galaxy Note7 mang đến một cục pin có dung lượng 3500mAh, lớn hơn so với 3000mAh trên thế hệ tiền nhiệm Note5. Khi so sánh với đối thủ iPhone 7 Plus, Note 7 càng tỏ ra vượt trội hơn, khi chiếc iPhone mới nhất của Apple cũng chỉ có pin 2900mAh. Ngay cả Apple cũng luôn tìm cách gia tăng thời lượng sử dụng trên các thiết bị của họ.

Tuy nhiên thay vì chú trọng vào dung lượng pin, Apple tìm cách tối ưu hóa phần mềm, mang đến các thế hệ chip tiết kiệm điện. Trong sự kiện ra mắt iPhone mới hồi tuần trước, công ty nhấn mạnh rằng mẫu iPhone 7 của họ có thể kéo dài hơn khoảng 2 giờ so với các thế hệ trước nhờ vào xử lý phần mềm tốt hơn, và bộ vi xử lý hoạt động hiệu quả hơn.

Sạc nhanh- con dao 2 lưỡi

Trong vài năm qua, Samsung cũng tự hào với công nghệ sạc nhanh được phát triển bởi Qualcomm, được giới thiệu trên nhiều dòng sản phẩm cao cấp của hãng, bao gồm cả Galaxy Note7. Về cách thức hoạt động, công nghệ này sử dụng một con chip mạch vòng, với cơ chế hoạt động song song với một bộ sạc cụ thể nhằm gia tăng quá trình sạc. Con số thu được rất ấn tượng, khi Note7 ghi nhận sẽ sạc nhanh hơn khoảng 50 phút so với thế hệ tiền nhiệm của nó.


Pin Lithium-ion đã bị đẩy tới giới hạn?

Tuy nhiên điều này trên thực tế rất nguy hiểm, bởi nó được đẩy lên nhằm chống lại giới hạn vật lý của các chất hóa học và cấu trúc bên trong cục pin. Martin Reynolds, một nhà phân tích của Gartner cũng lưu ý rằng tốc độ sạc quá nhanh sẽ dẫn đến bào mòn tuổi thọ của pin.

"Nó là một con dao hai lưỡi. Khi đẩy nhanh tốc độ sạc cũng đồng nghĩa với việc giảm tuổi thọ của pin, và đây là điều mà không nhiều người dùng mong muốn," Reynolds cho biết.

"Các lô hàng đầu tiên của Galaxy Note7 có lẽ đã tồn tại một vài sai sót về cấu trúc bên trong cục pin, khiến các chất hóa học không phản ứng với nhau một cách thông thường. Có thể là chúng đã sai lệch một vài đơn vị so với quy chuẩn," Kyle Wiens, người sáng lập iFixit cho biết. iFixit là một trang web nổi tiếng chuyên bóc tách các bộ phận bên trong thiết bị để tìm lỗi hoặc cách khắc phục sự cố phần cứng.

"Gia tăng tốc độ sạc, nhồi nhét thêm năng lượng vào cục pin, chúng ta chỉ đang đẩy giới hạn của pin lithium-ion lên đến giới hạn của nó, đồng thời làm tăng thêm các nguy cơ dẫn đến sự cố ngoài mong đợi," Kyle cho biết.

Vấn đề về pin lithium-ion không chỉ giới hạn trong ngành sản xuất smartphone. Trong quá khứ, Dell và Toshiba đã từng thu hồi hàng triệu máy tính xách tay do sử dụng cục pin quá nóng được cung cấp bởi Sony. Năm 2011, một chiếc 787 Dreamliner của hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines đã bất ngờ bốc cháy khi đang đỗ tại sân bay quốc tế Boston thuộc bang Massachussets, do sự cố từ bộ phận pin lithium-ion.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP