Trong các phiên xét xử sơ thẩm vụ án trên, Luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) cho rằng, sau sự cố trên, mãi đến tháng 4/2018, Bộ Y tế mới ban hành 52 quy trình chạy thận, trong đó có 7 quy trình liên quan đến chất lượng hệ thống nước RO của máy chạy thận. Không có quy trình thì lấy gì buộc tội cho các bị cáo,.. Chính vì vậy, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trong vụ này.
Tuy nhiên, chiều nay (4/6), Bộ Y tế đã phản bác thông tin trên và cho rằng, trước đó, Bộ này đã có ban hành quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo và liên tục cập nhật hàng năm.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực y khoa rất đồ sộ. Từ năm 2000, Bộ Y tế đã ban hành quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo, liên tục cập nhật hàng năm và thường xuyên đúc rút từ quốc tế.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). |
Ông Khoa cho biết thêm, khi có tiến bộ mới, Bộ Y tế sẽ liên tục cập nhật thông tin về quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Cụ thể, năm 2004 và 2014, Bộ Y tế cũng đã tiếp tục cập nhật nội dung này; năm 2018, Bộ Y tế bổ sung 52 quy trình chạy thận, trong đó có 7 quy trình liên quan đến chất lượng hệ thống nước RO của máy chạy thận.
"Như vậy việc cho rằng, Bộ Y tế phản bác về thông tin việc chậm chễ ban hành quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Khoa học y học có sự phát triển liên quan đến nhiều ngành khác nhau, phải có thời gian và lộ trình mới cập nhật. Sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là sự cố hy hữu, thế giới chưa từng gặp. Chúng tôi đã thăm dò trên mạng, cũng vào ngày 29/5/2015 tại một bệnh viện ở Canada, sau bảo khi sửa chữa, bảo dưỡng cũng đã có 4 trường hợp tai biến, có 1 người chết" - ông Khoa nói.
Cũng trong các phiên xét xử sơ thẩm tại TAND TP Hòa Bình, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, công văn của Bộ Y tế trả lời cơ quan điều tra và Công ty Luật sư Nguyễn Chiến có sự "vênh" nhau về chi tiết sự cần thiết phải lấy mẫu nước đi xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI sau khi kết thúc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 của máy chạy thận.
Ông Nguyễn Huy Quang. |
Về chi tiết này, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Y tế) khẳng định 2 công văn trên không mâu thuẫn. Công văn trả lời cơ quan điều tra, Bộ Y tế cho biết, vì trong hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn và Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình có điều khoản phải lấy mẫu nước đi xét nghiệm AAMI, nên bắt buộc phải thực hiện theo hợp đồng; còn công văn Bộ Y tế trả lời Công ty Luật Nguyễn Chiến, công ty này chỉ hỏi chung về việc sự cần thiết phải xét nghiệm AAMI sau khi sửa chữa, bảo dưỡng xong, nên Bộ trả lời xét nghiệm theo tiêu chuẩn AAMI là tự nguyện, nhưng bắt buộc phải dùng thiết bị để kiểm tra sự tồn dư của hóa chất trong đường ống.
Trở lại diễn biến phiên tòa, sau 12 ngày xét xử sơ thẩm vụ án trên, chiều 30/5, tòa bước vào nghị án và đến 14h ngày 5/6, tòa sẽ tuyên án.
Đánh giá về các bằng chứng mà Viện Kiểm sát buộc tội bị cáo Hoàng Công Lương, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng những bằng chứng đó còn yếu. Do đó, ông Quang hi vọng tòa sẽ tuyên Hoàng Công Lương vô tội.
Tác giả: Nguyễn Dương
Nguồn tin: Báo Dân trí