Xe

Vụ bê bối gian lận khí thải chấn động ngành ô tô: Volkswagen thoát án phạt tại Đức, người tiêu dùng phẫn nộ

Người tiêu dùng Đức đang đùng đùng giận dữ sau tuyên bố của Bộ Giao thông nước này rằng sẽ không phạt Volkswagen vì gian lận khí thải trong nhiều năm, mà chỉ yêu cầu hãng sửa xe sao cho đạt tiêu chuẩn về khí thải.


volkswagenthoatanphattaiducnguoitieudungphanno
Bộ Giao thông Đức hôm 6/7 cho biết sẽ không phạt Volkswagen về việc gian lận khí thải, dù nhà sản xuất ô tô này vừa chốt phương án giải quyết hậu quả lên tới 14,7 tỷ USD tại Mỹ, bao gồm cả việc sửa chữa và mua lại xe sử dụng phần mềm gian lận khí thải.

"Bây giờ việc của Volkswagen là phải làm sao cho các xe đã và sắp bán ra đáp ứng được các quy định về khí thải", Bộ trưởng Bộ Giao thông Đức Alexander Dobrindt cho biết. "Đó là giải pháp phù hợp."

Quyết định này đi ngược lại mong muốn của phần đông người tiêu dùng và chính trị gia Đức. "Thật không thể chấp nhận việc chính phủ không thực sự thấy hậu quả của vụ bê bối gian lận khí thải và không xử phạt hành vi gian lận", ông Oliver Krischer - một đại diện của Đảng Xanh ở Bundestag, cũng là người đứng đầu uỷ ban điều tra nghị viện Đức. "Cần phải giải thích tại sao các công ty ở Đức không phải nộp phạt. Thật không ổn chút nào với việc các chủ xe ở châu Âu bị đối xử tệ bạc hơn các chủ xe ở Mỹ".

Tại Mỹ, các chủ xe động cơ diesel được bồi thường tới 10.000 USD/người.

Tạp chí Bild của Đức đã đặt câu hỏi: Có phải Volkswagen coi các chủ xe ở quê hương Đức là "hạng hai"?

Theo các nguồn tin của Bloomberg, một trong những lý do khiến Volkswagen có thể thoát án phạt ở Đức và châu Âu là vì số lượng xe bị lắp phần mềm gian lận khí thải ở đây cao hơn nhiều so với ở Mỹ. Trong tổng số hơn 11 triệu xe bị lắp phần mềm gian lận, chỉ có khoảng 600.000 xe tại Mỹ và Volkswagen chỉ phải bồi thường cho 482.000 chủ xe động cơ diesel 2.0L (không bồi thường cho các chủ xe động cơ 3.0L). Tại Đức có khoảng 2 triệu xe, trong khi trên toàn châu Âu có khoảng 8,5 triệu xe. Nếu áp dụng chính sách bồi thường như ở Mỹ, Volkswagen có thể phá sản, trong khi đây là nhà sản xuất ô tô lớn nhất Đức và châu Âu.

CEO Matthias Mueller của Volkswagen đã gây sức ép với chính phủ Đức rằng nếu ép quá, Volkswagen có thể phát sản và toàn bộ nhân viên sẽ mất việc.

Tác giả bài viết: Nhật Minh (Theo Bloomberg, Bild)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP