Trong nước

Vụ 'kiều nữ' bị 'tố' lừa đảo hàng trăm triệu: Hé lộ phiếu thu 'rởm'

Đơn vị nhận tiền ghi trên phiếu thu khẳng định, phiếu thu của N.T.V.A. là giả mạo công ty. Phiếu thu chuẩn của công ty phải có dấu đỏ.

'Kiều nữ' bị hàng loạt nạn nhân 'tố' lừa cả trăm triệu rồi 'mất hút'

Như PV báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, nhờ tài ăn nói “ngọt như mía lùi”, nhan sắc hơn người cùng vẻ “sang chảnh”, không ít người tin và đưa cả trăm triệu đồng cho N.T.V.A. (trú tại thôn Lương Quy, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) nhờ giúp đưa đi xuất khẩu lao động.


Chân dung "kiều nữ" N.T.V.A., người bị hàng loạt nạn nhân "tố" lừa tiền xuất khẩu lao động.

Với những chiêu “tinh vi và ma quái”, thậm chí lập cả phiếu thu rởm, N.T.V. A. đã khiến người lao động “sập bẫy” rồi chối bỏ trách nhiệm, thậm chí đe dọa nếu người lao động đòi tiền.

Đáng nói, khi người lao động nhắn tin, gọi điện N.T.V.A. không nghe máy, tắt máy, rồi quay sang đe dọa. Thậm chí, không ít nạn nhân còn bị chồng của N.T.V.A. đe dọa nếu dám đưa người đến đòi tiền.

Trong danh sách nạn nhân “tố” N.T.V.A, trường hợp Hoàng Xuân Nguyên ((SN 1998, trú tại Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đã nộp cho “kiều nữ” 92 triệu đồng là có phiếu thu, còn nhiều nạn nhân khác không có bằng chứng.

Chính vì vậy, khi biết mình bị lừa, nhiều nạn nhân không có chứng cứ, chỉ gọi điện và nhắn tin xin lại tiền thì bị “kiều nữ” đe dọa, thậm chí còn bị dọa giết. Đa số nạn nhân bị lừa đều ở cách xa Hà Nội, chủ yếu họ ở Quảng Bình, Quảng Trị, TP.HCM dù biết bị lừa cũng không dám làm gì phần vì xa, phần vì sợ.

Theo quan sát của PV, phiếu thu của Hoàng Xuân Nguyên có nhiều điểm bất thường. Trong đó, đơn vị nhận tiền là KTM, nhưng không có dấu đỏ của công ty, cũng như thông tin số tiền bằng chữ và số không khớp nhau.

Phiếu thu không có dấu đỏ của N.T.V.A. được cho là rởm, nhiều điểm bất thường.

Để làm rõ phiếu thu trên, PV tìm đến công ty xuất khẩu lao động KTM (Hà Nội). Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Yến Linh, Trưởng phòng nhân lực công ty KTM khẳng định: “Công ty tôi không có nhân viên nào tên là N.T. V.A. từ khi hoạt động đến nay.

Phiếu thu của công ty bao giờ cũng có dấu của công ty. Hơn nữa, công ty chúng tôi không nhận tiền đô la Mỹ như phiếu thu của phóng viên cung cấp. Chúng tôi chỉ nhận tiền Việt”.

Bà Nguyễn Thị Yến Linh cho PV xem phiếu thu của công ty để đối chứng. Theo đó, phiếu thu của công ty KTM có đầy đủ dấu đỏ và khác hoàn toàn phiếu thu của N.T.V.A. đưa cho nạn nhân.

Bà Linh nhấn mạnh: “Phiếu thu phải có dấu đỏ, chứ như phiếu thu này thì ai cũng có thể làm. Đến cửa hàng photo nào mua loại phiếu thu này cũng có. Nó chứa rất nhiều điểm đáng ngờ, có thể là phiếu thu được ghi khống”.

Mới đây, sau khi báo điện tử Người Đưa Tin phản ánh về vụ việc, PV tiếp tục nhận được đơn phản ánh của một số nạn nhân, trong đó có cả những người đã đi Nhật lao động cũng gửi đơn “tố” N.T.V.A. đã nhận tiền rồi “mất hút”.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (trú tại thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hiện đang ở tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) lên tiếng “tố” N.T.V.A. nhận 2.000 USD (khoảng 44 triệu đồng) lừa đi xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, anh Lê Văn Linh (SN 1991, trú tại xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hiện đang lao động ở Nhật Bản cũng lên tiếng "tố" “kiều nữ” đã nhận của anh 40 triệu đồng rồi mất hút.

Trao đổi với PV, anh Lê Văn Linh cho biết: “Đầu năm 2016, tôi có nộp cho N.T.V.A. số tiền 40 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng. Giấy tờ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng thể hiện người nhận là N.T.V.A. tôi vẫn còn giữ.

Người này nói làm cho công ty xuất khẩu lao động và yêu cầu tôi nộp tiền để đi Nhật. Tôi đã nộp, nhưng mãi không thấy đi được nên đòi lại tiền, nhưng V.A không trả còn đe dọa. Tôi đã làm đơn gửi cơ quan công an huyện Hoài Đức và công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Tôi đã làm đơn từ đầu năm 2016, nhưng không thấy cơ quan công an trả lời hay gọi lên làm việc”.


Một trong hai phiếu thu anh Lê Văn Linh đã nộp tiền cho N.T.V.A.

Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Người Đưa Tin, trong giới làm về xuất khẩu lao động không lạ gì N.T.V.A. (SN 1982, quê gốc ở TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Người này hiện lấy chồng ở Đông Anh, Hà Nội trước đây từng làm cho một công ty xuất khẩu lao động trên đường Giải Phóng.

Trao đổi với PV, anh Hoan (nickname Râu và Hói có tiếng trong giới xuất khẩu lao động-PV) không ngần ngại cho biết, người làm trong nghề xuất khẩu lao động không lạ gì N.T.V.A. bởi nhiều người lao động đã “tố” bị người này lừa đảo. Họ đưa cả bằng chứng lên.

Nhiều công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội nghe thấy tên N.T.V.A. giới thiệu người có nhu cầu cũng không dám nhận vì sợ liên lụy”.

Anh Hoan cũng chia sẻ: “Để không bị lừa, người lao động nên tìm hiểu kỹ công ty xuất khẩu lao động. Khi nộp tiền phải đến trực tiếp công ty nộp và nhận phiếu thu có ghi đầy đủ nội dung thông tin, có dấu đỏ, nội dung nộp tiền, cũng như có hợp đồng cụ thể”.


Luật sư Mai Tiến Dũng.

Trao đổi với PV, luật sư Mai Tiến Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích: “Rõ ràng hành vi của N.T.V.A. là dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động. Hành vi đó của N.T.V.A có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

PV báo điện tử Người Đưa Tin sẽ thông tin tiếp vụ việc.

Tác giả bài viết: Nhóm PVTS

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP