Nhân ái

Vợ chồng già kiệt quệ bên đàn con tật nguyền

Luôn xem đàn con là tài sản lớn nhất để vượt qua những khó khăn thường nhật, nhưng rồi thứ tài sản quý giá đó lại lần lượt rời xa khi những đứa con của ông bà bị bệnh tật hành hạ.

Nước mắt lăn dài trên tiếng cười của con
Biết chúng tôi tìm về gia đình ông Phan Văn Dung (SN 1950), nhiều người hàng xóm cùng xúm lại trò chuyện như hy vọng một điều gì đó cho gia đìnhL “Ai chẳng biết gia đình ông Dung nhà nghèo nhất cái làng này, cũng khổ nhất cái làng này. Chẳng hiểu sao, 2 vợ chồng ông sống tốt vậy mà cuộc đời lại éo le đến thế”.
Ngôi nhà cấp 4 đã xập xệ nằm ẩn mình sau lũy tre cuối cuối xóm 8 xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu (Nghệ An) là nơi chất chưa bao nhiêu nỗi niềm của 3 thế hệ trong một gia đình.
Các thành viên trong gia đình lần lượt ra đi vì chiến tranh, ông Dung phải một mình tảo tần sớm hôm nuôi mẹ già bệnh tật. Sau khi kết hôn, những đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống ông càng trở nên khó khăn bội phần.
Không có công việc làm ổn định, ngoài mấy sào ruộng là bữa cơm chính, ông Dung còn phải chạy khắp nơi đi làm mướn đủ nghề để kiếm cơm cho gia đình.
Cuộc sống tuy vất vả đủ bề nhưng ngôi nhà nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười, tiếng tập nói bi bô của trẻ con nên hai vợ chồng luôn mỉm cười cố gắng để vượt qua số phận, cố gắng bù đắp để hy vọng và tương lai cho các con.
Bà Thu cùng với 2 người con bị mắc bệnh
Rót vội chén nước chè chát mời khách rồi chỉ tay ra đứa con gái lớn Phan Thị Thanh (SN 1974) đang khư khư ôm cái gối chơi ngoài sân ông Dung lại rưng rưng kể trong nước mắt.
Vốn bình thường như bao đứa trẻ khác khi mới sinh ra, tuy gia đình khó khăn nhưng Thanh luôn ngoan ngoãn và cố gắng học tập. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên học đến lớp 7 thì cô bé nằng nặc đòi nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ và nhường cơ hội học cho các em.
“Trong một lần vì làm việc mệt quá nó bị cảm biến chứng, gia đình tưởng cảm bình thường thôi nên không biết để đi chữa, đến khi bệnh nặng lên thì đã không kịp nữa, từ một người bình thường bây giờ nó khờ dại, ngây ngô”, ông Dung vừa nói vừa đưa tay quệt vội những giọt nước mắt lăn dài trên má rồi lại đưa tay đấm ngực như tự trách mình.
Ông Dung cùng với người con cả trong gia đình
Thương con, năm 1998 hai vợ chồng đưa Thanh đến bệnh viện tâm thần Nghệ An chữa trị nhưng bị bệnh viện trả về. Rồi người con gái cả của ông Dung ngày càng trở nên ít nói, trầm cảm, bệnh tình ngày mỗi một trầm trọng thêm.
Cũng vì khờ dại, trong một lần đi lang thang ngoài đồng vắng, Thanh bị kẻ xấu lừa gạt dẫn đến có bầu. Hai vợ chồng ông Dung lại thêm phần khó khăn, bận rộn hơn khi có thêm đứa cháu ngoại ngoài ý muốn, vì hoàn cảnh gia đình không cho phép nên được một thời gian sau ông bà quyết định gửi cháu lên làng trẻ SOS Nghệ An.
Mong một phép màu
Ngồi xoa bóp cho đứa con trai bị tim bẩm sinh nằm trên giường, bà Nguyễn Thị Thu (vợ ông Dung) cho biết, vì bệnh tật từ nhỏ lại không có tiền chữa trị nên Nhàn đau ốm triền miên từ nhỏ lại bị bệnh gan nên thân hình còi cọc, chân tay bị nổi mụt sưng phù khắp người.
Cũng vì lý do sức khỏe không được đảm bảo nên học hết cấp 2 thì cậu phải nghỉ học ở nhà để tiện chăm sóc sức khỏe.
“Không biết kiếp trước chúng tôi ăn ở thế nào mà bây giờ bao nhiêu tai họa lại cứ liên tiếp giáng xuống gia đình mình như vậy nữa. Sinh được 4 đứa con thì 3 đứa bị bệnh tật hành hạ như vậy…”, bà Thu nghẹn ngào bỏ dở câu nói.
Hai vợ chồng ông Dung thẫn thờ bên đàn con ngây dại
Nói rồi bà Thu lại quay sang nhìn đứa con còi cọc đang ngồi tựa vào mình rồi lại quay sang nhìn vào mấy bì lúa đang chất một bên góc nhà. Hai vợ chồng quanh năm sống dựa vào 6 sào ruộng lúc được nay mất, lúc trước ông Dung còn sức khỏe có thể đi làm thêm còn có đồng ra đồng vào, nay sức khỏe yêu, lại phải ở nhà trông nom các con nên mọi sinh hoạt chỉ trông chờ vào đó.
Để có tiền chữa trị và thuốc men hàng tháng cho Nhàn, hai ông bà phải cân đo đong đếm làm nhưng lúa mấy sào ruộng vừa để ăn vừa bán lấy tiền mua thuốc cho con thì không đủ nên phải xoay xở khắp nơi.
Tưởng chừng như nỗi đau đó đã là quá đủ thì cặp vợ chồng già lại nhận thêm một nỗi đau nữa khi đứa con trai thứ 3 từ một người hiền lành, ngoan ngoãn lại bỗng dưng bị tâm thần.
Vốn cần cù, lại nhận thức được hoàn cảnh của mình nên Trung luôn phấn đấu học hết mình để mong sớm có được một việc làm ổn định kiếm tiền phụ giúp bố mẹ và các anh chị.
Sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp nghề Nam Định, Trung cầm bằng chạy khắp nơi xin việc làm nhưng không được, trong khi bạn bè cùng trang lứa ra trường đã có công ăn việc làm ổn định và thành đạt cả khiến cậu trở nên tự ty, mặc cảm với mọi người.
Hy vọng nhiều bao nhiêu thì nay cậu lại thất vọng và luôn cảm thấy có lỗi với gia đình bấy nhiêu khi không thể làm được gì giúp cho gia đình, Trung rơi vào bế tắc rồi trầm cảm dẫn đến tâm thần.
“Khổ thì không nói làm gì, chỉ lo mai mốt chúng tôi mất thì chúng nó không biết bám víu vào đâu nữa. Hiện chúng tôi đang hưởng 500.000 đồng/tháng tiền thờ phụng liệt sỹ của đứa em thế nhưng lại chưa có thể đi tìm hài cốt của nó về chôn cất cho đàng hoàng nữa”, ông Dung cho biết.
Bà Đinh Thị Hoa, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Diễn Thái (huyện Diễn Châu) cho biết hoàn cảnh gia đình ông Dung đặc biệt khó khăn của xã. Hai vợ chồng già nhưng vẫn phải chăm 3 đứa con bệnh tật, tâm thần, được người con gái út bình thường thì lại đi lấy chồng xa, cũng khó khăn nên chẳng giúp được gì cho gia đình.
“Chính quyền xã cũng như hội phụ nữ cũng đã nhiều lần quyên góp ủng hộ cho đình như xây dựng nhà tình thương cho người con đầu là chị Thanh hay mỗi chị em phụ nữ người quyên góp ít để giúp đỡ. Chúng tôi cũng đang làm việc với ngân hàng chính sách huyện để xóa gần 22 triệu tiền nợ cho gia đình hai ông bà, nhưng phía ngân hàng chưa đồng ý”, bà Hoa cho biết thêm.
Mọi sự giúp đỡ tới gia đình xin gửi về: Ông Phan Văn Dung - Xóm 8 xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Nghệ An

Tác giả bài viết: Hồ Hà – Thiên Ân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP