Trong nước

Việt Nam không hy sinh môi trường và công bằng xã hội

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: “Mô hình phát triển mới của Việt Nam sẽ không có việc hy sinh các tiêu chuẩn môi trường hay hy sinh công bằng xã hội cho mục tiêu tăng trưởng”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh VGP/Thành Chung
Tối 23/2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn Mùa xuân năm 2017 do Hội đồng kinh doanh châu Á tổ chức với chủ đề “Đầu tư cho 50 năm tiếp theo: Sự bền vững và tính sáng tạo”.

Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lubna S. Olayan, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Châu Á cùng nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính đa quốc gia hàng đầu châu Á.

Trong bài phát biểu chào mừng diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao chủ đề “Đầu tư cho 50 năm tiếp theo: Sự bền vững và tính sáng tạo” mà Hội đồng kinh doanh châu Á xác định. “Chủ đề mang hơi thở của thời đại, bắt kịp những xu hướng và trào lưu mới nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả khu vực và trên thế giới”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Theo Phó Thủ tướng, sự sáng tạo, mà cụ thể là các phát minh và sáng chế trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong khoa học – công nghệ, đã giúp nhiều quốc gia trở nên giàu có hơn, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng các quốc gia cần luôn ý thức về tăng trưởng kinh tế luôn phải gắn với yếu tố bền vững và đồng đều để tất cả cùng phát triển trong nhiều thế hệ nối tiếp nhau.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Việt Nam luôn rộng cửa chào đón đầu tư nước ngoài. Ảnh VGP/Thành Chung
Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ: “Việt Nam là một trong những nước ngày càng hiểu rõ mối quan hệ bổ trợ này khi mà sau nhiều năm tăng trưởng ở tốc độ cao dựa vào khai thác tài nguyên, nguồn vốn đầu tư và nguồn nhân công rẻ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có biểu hiện chững lại, đối mặt với nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”.

Do đó, Việt Nam đã thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, mà cụ thể là chuyển từ mô hình dựa vào tài nguyên, sức lao động và vốn đầu tư sang một mô hình mới dựa mạnh vào sáng tạo, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt, trong mô hình ấy, sẽ không có việc hy sinh các tiêu chuẩn môi trường hay hy sinh công bằng xã hội cho mục tiêu tăng trưởng.

Phó Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đã thực hiện nhiều công việc để chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong các lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính, hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, thu chi ngân sách gắn với đảm bảo an toàn nợ công…

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn rộng cửa chào đón đầu tư nước ngoài nhưng không phải bằng mọi giá, càng không phải bằng sự hy sinh môi trường, qua đó để lại tác động tiêu cực cho các thế hệ mai sau.

Việt Nam cũng luôn mong muốn thành quả của tăng trưởng kinh tế được lan tỏa tới mọi người dân, kể cả ở vùng kinh tế còn khó khăn và những thành tích trong xóa đói giảm nghèo, đưa điện về nông thôn và ra hải đảo, phổ cập Internet đến tận vùng sâu, vùng xa .. đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc hướng đến một sự tăng trưởng đồng đều, bảo đảm môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Ảnh VGP/Thành Chung
Ở ngoài nước, Việt Nam cũng đã có những bước đi cụ thể để hỗ trợ cho chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng ở trong nước bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do toàn cầu hoặc trên phạm vi khu vực. Qua các hiệp định này, Việt Nam khẳng định mong muốn hội nhập với khu vực và thế giới, trở thành đối tác tin cậy của tất cả các nước bạn hàng và các nhà đầu tư.

Hai là, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bởi Việt Nam coi cạnh tranh là khởi nguồn của sáng tạo và thịnh vượng. Cuối cùng, bằng việc chấp nhận các tiêu chuẩn cao về môi trường, Việt Nam muốn khẳng định rằng, trong quá trình phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ qua yếu tố bền vững và yếu tố đồng đều.

Chính nhờ quan điểm phát triển trên và sự nỗ lực vượt bậc của Chính phủ, các địa phương mà kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng tích cực, xuất khẩu vẫn tăng 9%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục và lần đầu tiên có tới hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Những chuyển biến tích cực trong nền kinh tế đã thể hiện niềm tin, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đối với những chính sách, hành động mạnh mẽ của Chính phủ.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự diễn đàn chia sẻ thẳng thắn và cởi mở để cùng chung tay đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực, trong đó có Việt Nam. Và trên hết, Phó Thủ tướng đề nghị các tập đoàn không quên cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, một nền kinh tế đã được kết nối bằng quan hệ thương mại tự do với trên 50 quốc gia và thể hiện rõ cam kết của mình với sáng tạo và phát triển bền vững.

Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng bà Lubna S. Olayan, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Châu Á sẽ chủ trì diễn đàn mùa xuân 2017, trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp, tập đoàn, ngân hàng hàng đầu của châu Á về đầu tư tại Việt Nam và quan điểm, chính sách của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.
* Trước đó Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp xã giao các thành viên của Hội đồng kinh doanh châu Á tại Dinh Độc Lập, trao đổi với Hội đồng về các kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tác giả bài viết: Thành Chung

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP