Thể thao

‘Việt Nam cần phải phát triển các học viện bóng đá chuyên nghiệp từ châu Âu'

Trước thềm mùa giải mới HLV trưởng tuyển Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng bày tỏ mong ước lớn nhất là các đội bóng chuyên nghiệp sẽ không phải đau đầu vì tiền bạc nữa, để còn quan tâm bóng đá trẻ.


HLV Hữu Thắng tin rằng bóng đá trẻ Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai phá hết. Ảnh - Độc Lập

Nhu cầu nâng cấp hệ thống đào tạo trẻ để bắt kịp các nền bóng đá phát triển là điều ai cũng thấy. Tuy nhiên, tại Việt Nam nó vẫn là bài toán không dễ bởi lý do muôn thuở “đầu tiên”.

Bởi vậy, trong năm các cầu thủ trẻ sẽ là tâm điểm thì điều ước của HLV Hữu Thắng là: “Mong nhất tất cả CLB tham gia V-League và hạng Nhất ổn định tài chính để có thể làm bóng đá chuyên nghiệp.

Có thực mới vực được đạo. Đội tuyển mới tốt hơn được. Sau đó, tôi muốn các cầu thủ ở độ tuổi U.22 có nhiều cơ hội ra sân hơn. Như thế chúng ta mới có tuyển U.22 và đội tuyển mạnh được”.

Nói đến các cầu thủ trẻ, HLV Hữu Thắng cho rằng đến thời điểm này, ngay cả khi đang nhận được một số thành quả tốt, thì chúng ta vẫn chưa làm tốt công tác ươm mầm tài năng.

“Chúng ta phải đẩy mạnh giáo dục cầu thủ từ lúc còn nhỏ. Chúng ta cần định hướng cách chơi bóng, luật chơi bóng và nền tảng tốt nhất phải đào tạo phát triển cơ bản về kỹ thuật.

Mình có những trung tâm đào tạo, nhiều lúc vẫn làm theo kiểu bao cấp không như thế giới. HAGL đi bước đầu tiên theo hướng học từ châu Âu. Họ đang làm rất tốt về đào tạo tư duy chiến thuật, kỹ chiến thuật nhưng có vấn đề về làm thể lực”, HLV Hữu Thắng chia sẻ.


Những cầu thủ trẻ như Công Phượng cần được ra sân nhiều nhất có thể. Ảnh - Độc Lập

Nhắc đến bóng đá trẻ phải nhắc đến HAGL. Đội bóng phố Núi với đam mê, quyết tâm và cá tính của bầu Đức đã đi trước cả nước vươn ra sử dụng công nghệ và nhân lực châu Âu để đào tạo ra những đôi chân tuyệt vời như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Thanh, Hồng Duy…

Thế nhưng, theo HLV Hữu Thắng nhận xét, bản thân học viện HAGL Arsenal JMG vẫn chưa phải là tối ưu. Điển hình là điều rất nhiều người vẫn nói là hạn chế về thể lực khi giáo trình của họ thiên nhiều về kỹ chiến thuật.

Nói như HLV Hữu Thắng, Việt Nam cần nhiều hơn những học viện như thế, biết cách “bào” cho hết chất xám của châu Âu. Hàm Rồng là Arsenal thì những TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh… có thể sẽ là Bayern Munich, Dortmund, Real Madrid, AC Milan… mới đảm bảo tính đa dạng.


Năm 2017, HLV Hữu Thắng sẽ tập trung cho SEA Games với các cầu thủ U.22

Ông Thắng nhận xét: “Chúng ta phải phát triển các học viện bóng đá chuyên nghiệp từ châu Âu, như người Đức chẳng hạn. Ví dụ tôi có nghe về sự hợp tác giữa TP.HCM và Lyon. Thú thật tôi cho rằng làm theo cách đó chưa thể phát triển hết. Có dự án mà không có sân tập thì làm cái gì?

TP.HCM có nhiều sân như Thống Nhất, Hoa Lư, Phú Thọ… Các sân này đều phải đi thuê. Như thế là không bền vững.

Ở Hà Nội, Viettel có cơ sở vật chất rất tốt, hiện đại và khá hoàn thiện, nhưng trung tâm này vẫn còn thuộc quản lý người nội. Họ vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp.

Tôi có nghe nói Hà Nội hợp tác với Dortmund. Nhưng nó chỉ mới là trên giấy tờ. Mới nhất, Vincom có dự án chuyển PVF ra Hà Nội. Xây mấy chục hecta ở Làng Hòa Lạc và thuê chuyên gia nước ngoài về quản lý. Hãy chờ xem!”.

Tác giả bài viết: Tiểu Bảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP