Xã hội

Viếng nhà Đại tướng

Tại H.Lệ Thủy (Quảng Bình) có một địa chỉ “đỏ” mà bất cứ ai cũng muốn ghé thăm: ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá. ẢNH: T.Q.N

Thấm thoát đã đến kỳ giỗ thứ 4 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những ngày đầu tháng 10, người dân đến dâng hương hoa tưởng nhớ Đại tướng ở làng An Xá, xã Lộc Thủy (H.Lệ Thủy) đông hơn thường lệ.

Hôm 4.10, lãnh đạo H.Lệ Thủy đã đến dâng hương. Dọc con ngõ đi vào nhà Đại tướng, dịp này, nhiều quầy bán kỷ vật lưu niệm (in hình Bác Hồ, hình Đại tướng) và hương hoa, bánh kẹo, đặc sản địa phương… cũng đón thêm nhiều lượt khách.

Anh Nguyễn Văn Trung, một cán bộ ngân hàng ở tỉnh Sóc Trăng lặn lội đến tận ngôi nhà Đại tướng, say sưa nghe những câu chuyện kể về cuộc đời Đại tướng và cho hay mình đã thỏa tâm nguyện. Đúng là ngôi nhà có sức hấp dẫn đặc biệt.

Trong chiến tranh, ngôi nhà bị bom đạn dội nát; người dân Lệ Thủy đau đáu một lòng là phải sớm phục dựng và đã bắt tay thi công chỉ 2 tháng sau ngày giải phóng. Những thợ giỏi trong huyện được tuyển chọn để cáng đáng công việc quan trọng . Vì không người trông giữ và thường xảy ra lụt bão, nên ngôi nhà (kết cấu 3 gian 2 chái gài phên tre, có gian nhà ngang) cũng thay đổi chút ít cho hợp lý: tường xây bằng vữa gạch và nền láng xi măng; cửa làm bằng tre và lá kè, có gậy chống lên sập xuống được thay bằng “vỏ cua”, tức dựng thêm hai mái hình chữ V ở phía trước để che mưa tạt…

Đến những năm 1990, một lần nữa ngôi nhà lại được sửa cho giống với nhà nguyên bản. Vì khu vực này thường xuyên bị lụt lội, mới đây Ngân hàng Vietcombank hỗ trợ gần 200 triệu đồng để làm lại nền, hiên, sân nhà và một số hạng mục khác.

Ông Võ Đại Hàm, người cháu gọi Đại tướng bằng ông và hiện đang trông coi ngôi nhà, luôn niềm nở mỗi khi có khách đến thăm. Ông bảo, cây vú sữa trên 40 năm tuổi bên sân nhà vừa bị bão số 10 quật ngã, được chính quyền địa phương và lực lượng tình nguyện “dựng” lên lại, khả năng cây sẽ sống vì đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu lá bị héo.

Riêng cây khế thì may mắn “thoát hiểm”. “Không ai biết tuổi chính xác của cây khế, nhưng điều chắc chắn là cây đã được bố mẹ của Đại tướng trồng, tuổi của nó có thể nhiều hơn hoặc cũng bằng tuổi Đại tướng. Ngày xưa nó rất có giá trị, người dân các nơi về vùng này để gặt lúa thuê đã ghé mua khế về nấu canh chua. Sau này, cây khế gắn liền với rất nhiều kỷ niệm của Đại tướng, mỗi lần về quê hay khi gọi điện về thăm hỏi tình hình ông đều quan tâm đến cây khế”, ông Hàm kể.

Trong ngôi nhà, hình ảnh cụ ông Võ Quang Nghiêm và cụ bà Trần Thị Kiên, thân sinh của Đại tướng, được thờ tự trang trọng. Rất nhiều hình ảnh đặc biệt khác của Đại tướng gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với những chiến dịch lịch sử, thăm hỏi nhân dân… cũng được lưu giữ. Có quá nhiều dấu ấn lưu giữ trong ngôi nhà thân thuộc, để mỗi khi đến đây ai cũng phải nghiêng mình trước tài năng và cống hiến của vị Đại tướng.

Tác giả: Trương Quang Nam

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP