Cuộc sống

Viêm mào tinh hoàn - bệnh lý liên quan đến vô sinh ở nam giới

Viêm mào tinh hoàn có nhiều biến chứng, trong đó hay gặp nhất vô sinh ở nam. nếu bệnh được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ chặn đứng được những tổn thương của mào tinh hoàn, cải thiện được chất lượng tinh trùng.

Mào tinh hoàn gồm 3 phần: phần đầu phình to ở trênvà gắn với tinh hoàn bằng các ống xuất; phần thân và phần đuôi nhỏ lại so với phần đầu; bên trong của đầu mào tinh hoàn gồm các ống xuất cuộn lại tạo thành các tiểu thùy, khi đi hết phần đầu của mào tinh hoàn, các ống xuất đổ vào một ống đơn gọi là ống mào tinh; nếu kéo thẳng ra thì độ dài của nó vào khoảng 4 - 6m. Ống mào tinh được bọc lấy bởi những tế bào cơ trơn. Sự co bóp của tế nào cơ trơn, có tác dụng đẩy tinh trùng ra ngoài ống mào tinh mỗi khi xuất tinh. Sau khi tinh trùng được sinh ra ở tinh hoàn, tinh trùng chuyển sang mào tinh, ở đây một thời gian để phát triển hoàn thiện. Mào tinh được ví như một phân xưởng cuối cùng trong dây chuyền sản xuất, vừa là kho chứa tinh trùng, vừa là nơi huấn luyện cho các tay đua chạy marathon; từ đây, tinh trùng sẽ đi đến ống dẫn tinh, để khi được xuất tinh, phóng vào âm đạo, tinh trùng có thể dùng đuôi để bơi mà tiến lên chui qua cổ tử cung, tử cung, đến 1/3 ngoài của vòi trứng để thụ tinh.


Về nguyên nhân gây bệnh, qua nghiên cứu đã nhận thấy, có nhiều loại vi khuẩn khác nhau có thể gây bệnh cho mào tinh hoàn, trong đó phổ biến nhất là bệnh do lậu cầu, do Chlamydia trachomatis và Escherichia coli; với nam giới trẻ vi khuẩn gây bệnh thường là E.coli, Pseudomonas, N.Meningitis, Coccidioide imitis... Ngoài ra, bệnh có thể xảy ra sau một chấn thương mào tinh hoàn, hoặc do nước tiểu trào ngược dòng vào ống dẫn tinh nhất là nam giới trên 50 tuổi có phì đại tuyến tiền liệt, do các dị tật bẩm sinh đường tiết niệu sinh dục, do bị viêm nhiễm đường sinh dục lân cận lan tới, do viêm nhiễm sau phẫu thuật đường tiết niệu…

Về triệu chứng, bệnh biểu hiện bằng những cơn đau ở một bên bìu lan theo dọc thừng tinh lên vùng hạ vị; bìu sưng to, lớp da bìu đỏ rực chỉ trong vòng 3 - 4 giờ, sờ vào thấy rất đau, mào tinh hoàn to và rắn nhưng vẫn phân biệt được với tinh hoàn. Nếu để lâu ranh giới sẽ mất đi và chỉ còn lại một khối phồng to sờ vào người bệnh rất đau, người bệnh thường sốt 39 - 40oC. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, các triệu chứng trên giảm dần; có thể để lại một số biến chứng, như: teo tinh hoàn, áp-xe bìu, viêm mào tinh hoàn mãn tính, trong đó giảm khả năng có con là phổ biến.

Về điều trị, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng cơ thể của người bệnh mà được sử dụng kháng sinh cho thích hợp, việc chọn kháng sinh có thể bằng đường chích hoặc uống, các kháng sinh được cho là hiệu quả cao trong điều trị như: Ceftriaxone, Azithromycin… nên nhớ rằng, dùng kháng sinh phải đúng thuốc, đủ liều, đúng giờ, đủ thời gian, tuyệt đối không được ngưng thuốc dù tình trạng bệnh có cải thiện.


Về phòng bệnh, cần tạo cho mình thói quen là sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su cho mọi trường hợp nghi ngờ, khám sức khỏe định kỳ, trong đó chú trọng siêu âm để có thể phát hiện những bất thường và điều trị kịp thời.

Phổ biến nhất là bệnh do lậu cầu, do Chlamydia trachomatis và Escherichia coli

Tác giả bài viết: BS.CKI. Trần Quốc Long

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP