Cuộc sống

Việc gì anh cũng choàng gánh nên chị từ người đảm đang thành kẻ ỷ lại

Từng ấy năm, hẳn anh mong lắm chị sẽ biết cách cho, cho anh dịu dàng, cho anh thương yêu. Khi đó, hẳn anh sẽ thấy rất hạnh phúc và có một cuộc hôn nhân tuyệt vời. Tiếc là, chị tôi đã không làm vậy.

Má tôi mất sớm, chị Hai tôi phải phụ ba nuôi nấng năm đứa em, nên lấy chồng muộn. Duyên muộn, nhưng chị may mắn gặp được chồng tốt. Anh Hai hết mực yêu thương và chiều chuộng chị.

Dạo còn khó khăn, nhà chưa có máy giặt, dù tăng ca về nhà muộn, anh Hai cũng gom quần áo của vợ con mang đi giặt. Anh còn lau nhà, chùi bếp, sắp xếp tập vở của hai đứa nhỏ rồi mới đi ngủ. Sau này, kinh tế khá giả hơn, anh nhận ít việc để đưa rước hai con đi học. Việc gì anh cũng choàng gánh nên chị Hai từ một người đảm đang, xốc vác trở nên ỷ lại và lệ thuộc vào chồng.

Ảnh mang tính chất minh họa: Internet

Thỉnh thoảng tôi có việc lên Sài Gòn, thường ở lại nhà anh chị. Sáng sớm, anh đã dậy nấu đồ ăn sáng cho cả nhà. Chị em tôi vừa ăn vừa nhẩn nha trò chuyện. Ăn xong, anh là người dọn dẹp và rửa chén. Tôi khều chị: “Bà lười biếng quá, việc gì cũng để anh Hai làm”. Chị phẩy tay: “Tại ổng thích vậy mà”.

Lúc anh mang nước ra cho hai chị em, chị nổi hứng muốn sơn móng nên nhờ anh vào phòng lấy hộp phụ tùng. Anh vừa mang ra, chị lại sai anh vào bếp lấy thau nước cho chị ngâm móng, sẵn tiện cắt nửa quả chanh. Anh vui vẻ đáp ứng mọi nhu cầu của chị mà không chút khó chịu. Tôi lắc đầu, chiều vợ như anh Hai, đúng là hiếm thấy.

Đám giỗ má tôi lần này vào dịp anh đã nghỉ hưu, con cái cũng đã “yên bề” nên anh chị về quê trước cả tuần để phụ lo. Trong bữa cơm đông đủ cả nhà, vẫn như trước giờ, anh ngồi cạnh chị, gắp thức ăn, gỡ xương giùm. Chị thì không ngớt sai chồng lấy giùm khăn giấy, thêm đá, lấy trái ớt… Cô Út tôi nói: "Trong bốn chị em bây, con Hai có phước nhất nhà, được cầm quyền chồng”. Chị Hai tôi liếc chồng cười hãnh diện. Tôi nhìn anh rể, thấy thương anh gì đâu.

Chị tôi không phải là không thương chồng, nhưng cách thương của chị giống như ban ơn. Những khi anh không khỏe, chị hỏi trống không: “Cần mua thuốc gì không? Muốn ăn cháo hay hủ tíu?...” rồi chị không quên cằn nhằn: “Ham công tiếc việc cho lắm vào rồi đổ bệnh, làm khổ vợ con”. Anh chỉ nhỏ nhẹ “thì anh cũng đâu có muốn”.

Tôi nhiều lần can chị: “Bà nói chuyện với chồng nhỏ nhẹ không được sao? Anh Hai cưng bà, bà cũng phải chiều lại mới công bằng. Anh Hai ra ngoài gặp cô nào dịu dàng, ngọt ngào chiều chuộng là bà mất chồng như chơi”. Chị chủ quan “đố ổng dám”. May cho chị là bao năm qua, anh rể chưa từng “lạc lòng” với ai khác.

Tối đó, nhà tôi có khách, là anh Tâm, ý trung nhân năm xưa của chị Hai. Chị khều anh Hai, nhắc anh vào trong thay quần áo cho lịch sự. Anh thấy khách là nam, chiếc áo thun không tay của anh cũng không có gì quá đáng nên nán ngồi lại trò chuyện với khách. Chị tôi giận, suốt buổi mặt chị quạu đeo. Khách vừa về, chị liền bùng nổ: “Ông coi thường tôi quá, ông xuề xòa vầy, đúng là mất mặt”. Mặc anh năn nỉ và đám em xúm lại khuyên can, chị vẫn hầm hầm bỏ lên lầu đóng chặt cửa phòng.

Thấy anh rể ngồi một mình đốt thuốc ngoài sân, tôi đến bên an ủi: “Chị nói vậy thôi, sáng ra là hết giận, anh đừng buồn”. Anh thở dài: “Tính chị gái em, anh rành lắm. Ba bữa nữa, bả còn chưa nói chuyện với anh. Anh nhịn quen rồi”. Tiếng thở dài của anh khiến tôi xót cả ruột.

Tối đó, anh Hai đột ngột đau đầu dữ dội và tê cứng chân tay. Cả nhà tôi lập cập đưa anh vào bệnh viện. May nhờ cứu chữa kịp thời nên anh không xảy ra biến chứng. Từ lúc đưa anh rể vào phòng cấp cứu, tôi thấy mặt chị xanh như tàu lá, tay chân run rẩy. Trong lòng chị tôi, giờ chắc chỉ có hối hận và tự trách.

Từng ấy năm, hẳn anh mong lắm chị sẽ biết cách cho, cho anh dịu dàng, cho anh sự quan tâm và yêu thương. Khi đó, hẳn anh sẽ thấy rất hạnh phúc và anh chị đã có một cuộc hôn nhân tuyệt vời. Tiếc là, chị tôi đã không làm vậy. Giờ anh nằm đây, cơn bệnh đột ngột của anh đã khiến chị tỉnh ngộ. May là không quá muộn để chị tôi sửa chữa sai lầm.

Tác giả bài viết: Thùy Gương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP