Chuyện 3 lần đề xuất đấu giá biển số xe đẹp
Việc đề xuất đấu giá biển số xe đẹp đã được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất nhiều năm qua, tuy nhiên hiện đang gặp bế tắc vì Luật đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các Bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, vừa qua đã có nhiều ý kiến đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật đấu giá tài sản để hiện thực hóa ý tưởng đấu giá biển số xe đẹp.
Trong lịch sử, Hải Phòng là địa phương đầu tiên tự tổ chức đấu giá biển số xe, tuy nhiên bị các cơ quan chức năng "tuýt còi".
Hơn 10 năm sau, Nghệ An là địa phương tổ chức đấu giá biển số xe thành công 2 phiên với số tiền thu được hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên sau đó Bộ Tài Chính, Bộ Công an tiếp tục "tuýt còi" việc đấu giá này vì vướng mắc thủ tục pháp lý.
"Cha đẻ" của ý tưởng này là Thiếu tướng Võ Trọng Thanh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Năm 2006, nhân một cuộc họp ở UBND tỉnh, Thiếu tướng Võ Trọng Thanh đã mạnh dạn đưa đề xuất đấu giá biển số đẹp gây quỹ cho người nghèo.
Theo phân tích của Thiếu tướng Võ Trọng Thanh, nếu thực hiện đấu giá biển số đẹp thì cá nhân, doanh nghiệp và Công an, mỗi bên đều có 3 lợi ích.
Tối 11/4/2008, tại buổi đấu giá biển xe đẹp ở Nghệ An, ông Nguyễn Khắc V đã đồng ý mua biển số ôtô 37S-9999 với giá 700 triệu đồng, gấp 14 lần giá sàn (50 triệu đồng).
Ngoài biển 37S-9999 được mua với giá 700 triệu đồng, các biển ôtô như 37S–8888 được Công ty Vận tải Trường Thành mua với giá 430 triệu đồng; 37S-7777 giá 310 triệu đồng, chủ nhân là ông Nguyễn Xuân S (Công ty Cổ phần Bình Dương); 37S-6666 giá 260 triệu đồng và 37S-6868 giá 290 triệu đồng...
3 biển số xe máy gồm: 37N5-9999 được đấu giá 60 triệu đồng; 37N5-7777 giá 17,5 triệu đồng.
Về phía người đấu giá sẽ được thỏa mãn tâm lý, sở thích biển số; vừa có cơ hội làm từ thiện và cơ hội quảng bá tên tuổi, thương hiệu của doanh nghiệp, cá nhân.
Về phía Công an nói chung và CSGT nói riêng, đấu giá biển số đẹp là một trong những biện pháp chống tiêu cực; mặt khác đảm bảo khách quan, dân chủ và cũng là cơ hội để CBCS làm việc thiện, tạo hình ảnh đẹp đối với người dân. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được chấp nhận.
Vài tháng sau, nhân một cuộc họp của UBND tỉnh về xóa đói giảm nghèo, trong khi các ngành đang tranh cãi về số liệu thống kê tỷ lệ phần trăm người nghèo trên địa bàn tỉnh, Thiếu tướng Võ Trọng Thanh lại đề nghị nên bàn biện pháp giúp người nghèo.
Sau đó, ông đề xuất giải pháp đấu giá biển số đẹp để gây quỹ giúp người nghèo. Một số đại biểu tán thành nhưng lại không phát biểu quan điểm. Đề xuất của ông một lần nữa coi như "thất bại".
Canh cánh trong lòng ý tưởng giúp người nghèo, Thiếu tướng Võ Trọng Thanh chấp nhận đợi "thời cơ" một lần nữa. Đến khoảng tháng 8/2007, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp về xóa đói giảm nghèo.
Lần thứ ba, Thiếu tướng Thanh đưa ra đề xuất đấu giá biển số đẹp. Lần này lãnh đạo UBND tỉnh đã chấp thuận, giao cho Công an tỉnh và Sở Tài chính bàn bạc, đưa ra biện pháp cụ thể, hợp lý.
2 phiên đấu giá thu hơn 4 tỷ đồng
Đề án đấu giá biển số xe đẹp sau đó đã được UBND tỉnh Nghệ An phê chuẩn. Theo đó, có 2 hình thức gồm đấu giá và định giá. Đấu giá chỉ áp dụng đối với các biển số đẹp thuộc loại "độc" như biển số tứ quý.
Loại định giá gồm các biển số "tiến" theo quan niệm số đẹp của nhiều người dân, có giá từ 4-8 triệu đồng/biển. Các số còn lại đưa vào danh sách bấm số ngẫu nhiên.
Trong các số ngẫu nhiên này, nếu người nào có nhu cầu chọn biển thì phải nộp 5 triệu đồng vào Quỹ Vì người nghèo.
Toàn bộ tiền đấu giá, định giá biển số đẹp sẽ được chuyển cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh để sử dụng vào Quỹ Vì người nghèo và Sở LĐ-TB&XH tỉnh để sử dụng vào Quỹ Bảo trợ bà mẹ và trẻ em.
Sau khi thống nhất hình thức đấu giá, định giá trên, Hội đồng đấu giá biển số xe đẹp gồm đại diện các ngành: Công an, Tài chính được thành lập.
Trong 2 tháng 4 và 5/2008, 2 phiên đấu giá đã được tổ chức tại Đài Truyền hình tỉnh Nghệ An và trụ sở Phòng CSGT Công an tỉnh.
Với 19 biển số ôtô và 4 biển số môtô được đưa ra đấu giá đã thu về số tiền 2.568.300.000 đồng. Tiền thu về từ định giá biển số 198 ôtô được 1.134.000.000 đồng, 257 môtô bằng 356 triệu đồng. Tổng cộng số tiền thu về qua đấu giá và định giá là 4.058.300.000 đồng.
Sau khi trích một khoản tiền để đầu tư cho đảm bảo an toàn giao thông, Hội đồng đấu giá đã chuyển trên 2,8 tỷ đồng tiền đấu giá cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh, trong đó dành cho Quỹ Vì người nghèo 2.640.010.000 đồng, Quỹ Bảo trợ bà mẹ, trẻ em là 200 triệu đồng.
Cũng trong năm đó, Quỹ Vì người nghèo tỉnh dùng số tiền trên hỗ trợ xây 189 căn nhà cho người nghèo, mỗi nhà trị giá 15 triệu đồng và mua hàng trăm con bò giúp người nghèo phát triển sản xuất; Sở LĐ-TB&XH sử dụng tiền hỗ trợ Quỹ Bảo trợ bà mẹ, trẻ em để thực hiện phẫu thuật "Vì nụ cười trẻ thơ" cho 100 trẻ em bị khuyết tật...
Tuy nhiên, một thời gian sau, Công an tỉnh Nghệ An nhận được lệnh dừng việc đấu giá.
Đến cuối năm 2008, Cục CSGT tiếp tục đề xuất đấu giá biển số xe, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương và giao cho các Bộ nghiên cứu triển khai.
Hai Bộ Công An và Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc đấu giá quyền sử dụng số đăng ký biển xe cơ giới đường bộ, chế độ thu, quản lý, sử dụng tiền đấu giá, nhưng sau đó thông tư không được thông qua vì vướng Luật đấu giá tài sản.
Có thể thu tới 45.000 tỷ đồng từ đấu giá biển số xe ô tô đẹp trong 3 năm tới
Phát biểu thảo luận tại QH chiều 10/11/2016 về dự thảo luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, kho biển số xe và số điện thoại là tài sản công có thể khai thác được ngay nhưng chưa được nghiên cứu.
Theo ông Cảnh, nếu biết khai thác, cho đấu giá, quản lý tốt kho số này có thể giúp ngân sách thu được cả triệu tỷ đồng trong vài chục năm tới.
Ông Cảnh ước tính, với tốc độ gia tăng xe ô tô như hiện tại thì trong 3 năm 2018-2020 sẽ có thêm 1,8 triệu xe. Chỉ cần 25 triệu đồng/biển thì sẽ có thêm 45.000 tỷ đồng. Với xe máy, con số này còn lớn hơn nhiều.
Nếu đấu giá ngay trong giai đoạn 2018-2020 khi luật có hiệu lực thì có thể thu tới 100.000 tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Đức Nguyên
Nguồn tin: