Ở quê chồng tôi có thói quen vào ngày Tết, họ hàng, anh em và bạn bè đến nhà nhau thăm hỏi, chúc Tết và ngồi uống với nhau chén nước, ăn với nhau cái kẹo. Khi đến ai cũng mang theo một gói quà.
Người có tiền hoặc họ hàng gần gũi thì đem đến gói quà to. Họ hàng xa hay gia đình khó khăn thì mang đi gói quà nhỏ.
Thế nhưng dần dần phong tục biếu quà Tết tốt đẹp trên đã bị biến tướng. Nhiều người quá coi trọng giá trị của gói quà nên việc biếu Tết trở nên nặng nề.
Thậm chí có người còn nhìn vào gói quà Tết để tiếp chuyện. Những người mang đến gói quà to thì được chủ nhà tiếp đãi nhiệt tình, được mời bánh ngon, kẹo ngon nhưng những người nghèo, mang gói quà nhỏ thì chủ nhà tỏ rõ thái độ khinh khỉnh.
Tuy nhiên, người lớn với nhau, có thể đối đãi với nhau thế nào cũng được nhưng với trẻ con thì không nên. Chính vì suy nghĩ này mà nhiều năm nay, tôi đã không nhìn mặt bà chị chồng của mình.
Chuyện là bố mẹ chồng tôi sinh được 4 người con. Chồng tôi là con thứ 3. Bên trên chồng tôi có hai chị gái, bên dưới có một em trai.
Hơn 7 năm về trước, vợ chồng tôi rất nghèo, có thể nói là nghèo nhất trong 4 anh chị em. Ngày Tết hai vợ chồng chỉ gom góp được chút tiền mang về mua cho bố mẹ và các anh chị ruột thịt gói quà mọn.
Ảnh minh họa
Năm đó, cũng như mọi năm, vợ chồng tôi đưa hai con từ Hà Nội về quê ăn Tết cùng bố mẹ chồng và đi chúc Tết anh em họ hàng.
Chiều mùng 1, vợ chồng con cái nhà tôi chuẩn bị đến chúc Tết nhà chị cả thì vợ chồng chú út từ Ninh Bình về. Thấy thế chúng tôi đợi nhau rồi cùng đến nhà chị cả.
Tuy là đi cùng nhau nhưng quà của nhà nào nhà ấy xách. Đến nơi chị gái cả của chồng chạy ra đon đả. Nhìn thấy gói quà sang trọng của cô em dâu út, mặt chị ấy tươi roi rói. Chị đưa tay ra đón lễ một cách rất hài lòng. Trong khi đó, liếc nhìn gói quà mọn của vợ chồng tôi, chị tỏ ra thờ ơ hết sức.
Tôi đưa gói quà cho chị nhưng chị không cầm mà mải hỏi han những đứa con của chú út. Ngượng quá tôi đặt gói quà lên bàn rồi ngồi im.
Chị chồng và cô em dâu cứ tíu tít hỏi thăm nhau hết chuyện công việc, gia đình lại đến con cái học hành. Thỉnh thoảng chị lại lấy cái bánh, cái kẹo đưa cho hai đứa con nhà chú út. Trong khi đó, hai đứa con của tôi đấy, chờ bác bảo ăn kẹo bánh chứ không dám tự tiện lấy ăn.
Ngồi chơi 15 phút, thấy bác coi mình và các con mình như người thừa, sợ các con có sự so sánh, tôi nhắc các con đứng dậy rồi gọi chồng (lúc đó đang ngồi mâm uống chén rượu với anh rể) và xin phép ra về.
Gia đình chú út thấy nhà tôi đứng dậy cũng đứng dậy theo. Thấy thế, chị cả của chồng tôi vội vàng ngăn nhà tôi lại rồi gọi các cháu ra để mừng tuổi.
Thấy bác gọi, cả bốn đứa, bao gồm hai đứa con của tôi, hai đứa con nhà em dâu cùng chạy lại. Chúng túm tụm xung quanh bác để được mừng tuổi. Thế nhưng cách xử sự của chị chồng khiến tôi giật mình và tự ái vô cùng.
Bốn đứa cháu cùng xúm xung quanh nhưng bác ấy rút ra 2 tờ 50 nghìn đưa cho hai đứa con của em dâu. Còn hai đứa con của tôi, bác đưa cho mỗi đứa 5 nghìn.
Thực ra tôi không quan trọng việc mừng tuổi ít hay nhiều bởi tôi coi đó là truyền thống tốt đẹp, là chút may mắn cho ngày đầu xuân để các cháu vui vẻ. Nhưng ở tuổi của các con tôi lúc đó, nó đã nhận biết được mệnh giá đồng tiền.
Vì thế sau khi rời khỏi nhà bác, cháu lớn nhà tôi cứ hỏi: “Mẹ ơi, sao em A, em B (con của em chồng tôi) lại được bác quý và mừng tuổi nhiều hơn? Trong khi bọn con lại được ít, có phải vì nhà mình nghèo hơn không mẹ?”.
Tôi cười bảo con: “Không phải như vậy, bác mừng tuổi cho các con ít vì các con lớn hơn. Các em nhỏ hơn nên được ưu tiên”. Tuy nhiên nói thì nói vậy tôi vẫn thấy bức xúc trong lòng.
Đứa con lớn của tôi bảo, nó nghe bác trai trách bác gái mừng tuổi cho hai đứa con nhà tôi ít quá nhưng bác gái bảo: “Chỉ thế thôi, vì năm nào nó cũng chỉ mang đến gói quà mọn”.
Thế là từ đó đến nay đã 7 năm nhưng tôi cũng ít khi đến nhà chị. Dịp Tết tôi cũng hạn chế đưa các con đến nhà chị chồng để chị khỏi phải mừng tuổi.
Chị chồng thấy chúng tôi nghèo cũng coi khinh ra mặt nên chúng tôi càng ít qua lại hơn.
Tác giả bài viết: Lê Ngoan (Hà Nội)
Nguồn tin: