Vào năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan), cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS).
Bắc Kinh đã từ chối tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài này nhưng rõ ràng kết quả của vụ kiện có mối quan hệ chặt chẽ với thương mại toàn cầu, hòa bình thế giới và sự ảnh hưởng của Trung Quốc như một cường quốc mới nổi.
Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là vấn đề đang được dư luận chú ý. (Ảnh minh họa)
Nội dung kiện của Philippines
Có 3 điểm chính trong đơn kiện mà Philippines đệ lên Tòa quốc tế.
Thứ nhất, Philippines muốn tòa đưa ra quyết định rõ ràng về các khái niệm đảo, đá, thực thể chìm hay nửa chìm nửa nổi. Điều này nghe có vẻ như không quan trọng trong một vụ kiện giữa hai quốc gia đệ đơn lên tòa quốc tế nhưng theo UNCLOS, những thực thể tương ứng với khái niệm trên quyết định khả năng tạo ra quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa xung quanh nó.
Ví dụ, một đảo được công nhận tạo ra Vùng đặc quyền kinh tế mở rộng tới 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Quốc gia sở hữu đảo này được quyền kiểm soát toàn bộ các tài nguyên đi theo gồm hải sản, dầu và khí đốt.
Điều quan trọng là những đảo nhân tạo như những đảo mà Trung Quốc đang xây dựng không được tính như trường hợp trên.
Thứ hai, Philippines muốn tòa quốc tế phân định chính xác vùng biển tranh chấp ở Biển Đông thuộc về quốc gia nào, theo UNCLOS. Những kết luận này có thể phủ nhận và bác bỏ tính pháp lý những yêu sách của Trung Quốc.
Cuối cùng, Philippines muốn tòa án xác định rõ ràng rằng Trung Quốc đang xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Philippines bằng những hoạt động xây dựng và đánh bắt hải sản trái phép trên biển.
Thái độ, lập trường của Trung Quốc
Ngay từ đầu, Chính phủ Trung Quốc duy trì quan điểm không tham gia vào quá trình tố tụng này. Theo quy định của công ước UNCLOS, Trung Quốc được phép làm điều này.
Khi ngày phán quyết của vụ kiện sắp tới, Bắc Kinh đã lên tiếng khẳng định rằng nội dung trọng tâm của vụ kiện trọng tài là chủ quyền lãnh thổ đối với một số cấu trúc trên biển ở Biển Đông, vụ kiện nằm ngoài phạm vi của UNCLOS, đồng thời nhiều lần lặp lại rằng Trung Quốc không công nhận phát quyết của tòa án.
Thêm vào đó, Trung Quốc tiếp tục chiến dịch tuyên truyền nhằm khẳng định chủ quyền lịch sử với vùng biển này bằng việc yêu cầu cơ quan thông tấn quốc gia Tân Hoa Xã liên tục đăng tin, bài thể hiện quan điểm của Trung Quốc với tần suất dày đặc. Tuy nhiên, dư luận quốc tế nhận định rằng những quyết định của tòa sẽ chống lại quan điểm của Trung Quốc.
“Tôi không khẳng định chắc chắn 100% nhưng đa số dư luận đang đứng về phía Philippines”, Euan Graham, chủ tịch chương trình an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách quốc tế Lowy Australia nói.
UNCLOS là gì?
Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS) được ký kết năm 1982, quy định quyền và trách nhiệm của các nước trong việc sử dụng biển, thiết lập hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương.
Trong vụ kiện Biển Đông, phần quan trọng nhất trong UNCLOS là định nghĩa chính xác những thực thể mà mỗi quốc gia kiểm soát.
Một quốc gia kiểm soát một đảo sẽ có hải phận 12 hải lý cũng như Vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) lên tới 200 hải lý. Quốc gia này được phép khai thác tài nguyên trong vùng EEZ đó.
Một đá sở hữu bởi một quốc gia cũng tạo ra hải phận 12 hải lý nhưng không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế, theo UNCLOS. Trong khi đó, một bãi cạn nửa nổi nửa chìm sẽ không có giá trị chủ quyền.
Những khái niệm không rõ ràng này đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông và trong vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc.
Điều này cũng lý giải vì sao các quốc gia liên quan tuyên bố sở hữu các đảo và đá ở vùng Biển Đông để hợp pháp hóa những yêu sách của mình.
Cả Việt Nam, Trung Quốc và Philippines đã tham gia ký công ước UNCLOS nhưng cũng có nhiều quốc gia không tham gia ký, bao gồm cả Mỹ.
Vì sao Biển Đông lại trở thành vấn đề nóng?
Biển Đông là một trong những khu vực nhạy cảm chính trị nhất trên thế giới, phán quyết của PCA sẽ là lần đầu tiên một tòa án quốc tế xét xử về những yêu sách chủ quyền chồng lấn ở khu vực.
Ít nhất 5 quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
Đã nhiều lần các đụng độ xảy ra giữa quốc gia tranh chấp, trong đó có vụ va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với một số tàu tuần dương của Trung Quốc khi tàu này đang tìm cách rượt đuổi ngư dân Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.
Nếu Bắc Kinh cố tình phớt lờ hoặc chống lại phán quyết của tòa án, các chuyên gia cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng tới sự ổn định trong khu vực và hòa bình ở vùng biển vốn đã không mấy yên ổn.
Biển Đông cũng là hành lang giao thương quốc tế với giá trị thương mại hàng hải lên tới 5,3 ngàn tỷ USD mỗi năm.
Phán quyết của tòa án giải quyết được điều gì?
Về mặt pháp lý, Trung Quốc không thể chối bỏ phán quyết của PCA vì có thể xảy ra những hệ lụy về mặt ngoại giao nếu nước này không tuân theo phán quyết.
“Người ta nói rằng Trung Quốc không tuân theo phán quyết chính là tự phá hoại vị thế mà nước này đang theo đuổi để duy trì một trật tự có luật lệ”, Ian Storey, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore nhận xét. “Vì thế hậu quả chính là danh tiếng của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, sẽ không có các biện pháp mạnh mẽ nào để buộc Trung Quốc phải thực thi nó. Lực lượng của Liên Hợp Quốc không thể can thiệp buộc Trung Quốc phải thực thi những điều khoản trong phán quyết.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết sau khi phán quyết được đưa ra, phía Philippines có thể trở lại các tòa án khác của Liên Hợp Quốc và đề nghị những biện pháp khác cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, buộc nước này phải thực thi.
Nhưng một điều quan trọng khác cần ghi nhớ là tòa án không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan tới chủ quyền của các đảo và đá ở Biển Đông – vấn đề cốt lõi của cuộc tố tụng. UNCLOS chỉ giải quyết các vấn đề liên quan tới vùng biển xung quanh chúng.
Về cơ bản, phán quyết giúp làm rõ UNCLOS, làm rõ việc Trung Quốc đã hiểu sai, áp dụng sai UNCLOS và từ đó bác bỏ cơ sở pháp lý trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, giúp xác định cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn hay đường chữ U, đường lưỡi bò" vô giá trị.
Tác giả bài viết: Danh Tuyên