Theo Nhân Quả, chúng ta thương yêu người nào là có duyên với người đó ở quá khứ. Chính duyên nợ quá khứ thúc đẩy chúng ta phải thương yêu. Xét theo khía cạnh tâm lý, chúng ta thương yêu người khác vì nghĩ rằng khi gắn bó với họ chúng ta sẽ được hạnh phúc. Khi yêu, chúng ta chỉ mong người khác sẽ mãi gắn bó chung thủy với mình. Thế nhưng chuyện chung thủy trăm năm giữa cuộc đời không mấy ai có được. Vì sao lại như vậy?
Theo các chuyên gia, có 4 lý do khiến cho tình yêu dễ đổi thay như sau:
1. Tình yêu không ổn định bởi “duyên nợ”
Vì bản chất của tình yêu là trả nợ cũ nên người ta thương nhau khi còn nợ, và khi đã hết nợ, tình thương cũng không còn. Có những cặp vợ chồng yêu nhau say đắm nhưng ở với nhau được bốn, năm năm, tự nhiên tình cảm lạnh như băng không sao hiểu nổi. Điều này chỉ có thể giải thích bằng nguyên nhân do đã trả hết nợ quá khứ.
Ví dụ, trong hai người, người vợ là người mắc nợ nên tự nhiên yêu thương say đắm người đàn ông kia và làm quần quật để nuôi ông ta. Người chồng vì có người nuôi nên ỷ lại, sống phè phỡn, suốt ngày chỉ lo ăn nhậu. Người vợ vì còn nợ nên cố gắng làm việc cực khổ nuôi chồng. Nhưng bốn, năm năm sau, khi đã hết nợ, tự nhiên cô ta trở nên lạnh băng băng. Tình yêu của bốn năm trước đã biến mất, không còn một chút nào. Sau đó có thể là một cuộc chia tay. Như vậy, tình yêu không ổn định vì lệ thuộc vào nợ nhiều hay ít của quá khứ.
2. Sự ích kỷ khiến tình yêu không bền vững
Ngoài ra, sự ích kỷ cũng là nguyên nhân khiến cho tình yêu không bền vững. Ví dụ, ngày xưa, khi còn yêu nhau, người đàn ông cảm thấy người bạn đời có thể đem đến cho mình hạnh phúc vì người này vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang. Nhưng sống với nhau một thời gian, ông ta mới phát hiện ra người vợ có những tật xấu như: lười biếng, ích kỷ, hay cằn nhằn, không quý mến gia đình chồng vv… Người chồng cảm thấy chán nản vì người vợ không đem đến cho mình hạnh phúc. Tình yêu trong lòng ông ta cũng biến mất.
Tình yêu vốn không ổn định và không có gì có thể bảo đảm sự lâu dài, bền vững cho tình yêu kể cả hôn nhân, giá thú. Một khi không còn yêu thương nhau, tờ hôn thú vốn được coi là sự ràng buộc kia cũng chẳng có ý nghĩa gì. Người ta có thể xé bỏ nó hoặc ra tòa xin ly hôn. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thấy sự đời hay vô thường, thay đổi.
Khi không còn yêu thương nhau thì tờ hôn thú cũng chẳng có giá trị gì. Ảnh minh họa |
3. Do thiên hướng khác nhau dẫn đến những lầm tưởng trong tình yêu
Một yếu tố khác làm nên sự không bền vững của tình yêu là do thiên hướng của người nam và người nữ.
Người nam thích chinh phục và cho rằng càng chinh phục được nhiều người càng chứng tỏ mình tài giỏi, đào hoa.
Có người còn quan niệm: “Yêu năm mươi, chọn mười, lấy một”. Hoặc chơi với nhau một nhóm, người nào cũng thi nhau có nhiều người yêu để có thành tích bằng nhau. Như vậy, đó chỉ là bản năng, sự háo thắng của người đàn ông chứ không phải là tình yêu.
Trong khi đó, thiên hướng của người nữ là dễ xiêu lòng. Người ta thường nói: “Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai”. Nghĩa là người đàn ông thường bị chinh phục bởi sắc đẹp, còn phụ nữ dễ bị xiêu lòng bởi những lời đường mật.
Nhiều người thấy mình tương đối đẹp trai, ăn nói khéo léo nên gặp ai cũng chọc ghẹo và nói lời yêu thương. Những lời nói ấy không chân thật nhưng phụ nữ vốn dễ xiêu lòng nên chấp nhận tình yêu. Cuối cùng, những mối tình ấy nhanh chóng tan thành mây khói.
4. Do tâm lý thích cái mới
Mặt khác, tâm lý thích thú với cái mới cũng ảnh hưởng đến tình yêu và hôn nhân, khiến cho tình yêu, hôn nhân không bền vững. Tâm lý con người là vậy, thích một bản nhạc hay nhưng nghe hoài lại chán; thích một món ăn ngon nhưng ăn liên tục nhiều lần lại cảm thấy sợ. Trong tình yêu cũng vậy, người ta thường hay thích cái mới.
Điều này thường gặp ở người nam hơn người nữ. Người phụ nữ thường chung thủy hơn người nam. Người đàn ông dù có vợ con đề huề nhưng ra đường gặp cô nào xinh đẹp cũng để ý, làm quen.
Nhiều phụ nữ cho rằng đàn ông mang bản chất của loài bướm, thấy bông hoa nào xinh đẹp, thơm tho cũng sà vào. Đây cũng là vấn đề tế nhị nhưng quả thật, càng ngày người ta càng không tin vào đàn ông. Chính sự không chung thủy, ham thích cái mới, cái lạ ấy của con người đã khiến không ít cuộc hôn nhân bị tan vỡ. Tâm lý ấy cũng do yếu tố nội tiết tố quy định.
Vì vậy, khi bước vào con đường tình yêu, chúng ta phải hiểu đó là bước vào con đường chông gai, bước vào biển đời sóng gió. Chúng ta đừng nghĩ đơn giản, khi trưởng thành, kết duyên đôi lứa là yên thân, là có cuộc sống ổn định.
Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có những người yêu chân thật và đem lại cho tình yêu sự bền vững. Đó là những người có đạo đức và rất thông minh. Vì tình yêu thuộc về bản năng, có cảm xúc mãnh liệt và ích kỷ mạnh mẽ nên để có một tình yêu chân chính, bền vững, những người yêu nhau phải đạt những tiêu chuẩn nhất định.
Ông Schopenhower từng nói: “Chỉ có những triết nhân mới có thể sống hạnh phúc trong tình yêu hôn nhân nhưng chỉ tiếc hễ là triết nhân thì không lập gia đình và không yêu ai”. Theo ông, triết nhân có nghĩa là người có đạo đức và rất thông minh. Chỉ những người có đạo đức cao và rất thông minh mới yêu một cách đúng nghĩa.
Trong cuộc sống, để có một gia đình hạnh phúc, khi bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình, người ta phải tế nhị, phải chiều chuộng nhau, phải biết hy sinh bản thân mình, biết sống vị tha, quan tâm đến người khác, phải nhận ra những điều còn sâu kín chưa biểu hiện ra bên ngoài, phải biết chịu đựng cực khổ… Tiêu chuẩn cho con người trong đời sống gia đình là khó và mệt mỏi như vậy đấy, hoàn toàn “không như là mơ”.
Tác giả: Ngân Khánh
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội