Tin địa phương

Vì sao Quảng Bình từ chối bồi thường cho 18 cơ sở kinh doanh thủy sản bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển?

Như thông tin chúng tôi đã đưa trong các ngày 10 và 14/5/2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã không những không giải quyết khiếu nại của 18 hộ kinh doanh tại cảng cá Nhật Lệ (theo quy trình của Luật Khiếu nại, mà chỉ trả lời dưới cách gọi là “kiến nghị”), mà còn đưa ra nhiều lý do không thỏa đáng để từ chối quyền lợi hợp pháp của họ, mặc dù được Văn phòng Chính phủ quan tâm, có văn bản chỉ đạo cụ thể nhiều lần.

Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, chúng tôi phát hiện UBND tỉnh Quảng Bình đã áp dụng sai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy 18 hộ kinh doanh trên ra khỏi đối tượng được hưởng bồi thường. Vì sao vậy?

Đánh tráo khái niệm

Được sự sắp xếp từ phía UBND tỉnh Quảng Bình, người đại diện làm việc với Báo Thanh tra về vụ việc này (ngày 16/1/2018) là ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Bình. Phải nói, ông là người đi lên từ cơ sở kinh doanh cá, có lịch sử làm ăn, buôn bán với các hộ kinh doanh từ xa xưa nên biết rất rõ họ chính là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển năm 2016. Nhưng cũng theo ông Lợi, các hộ này không thể được hưởng bồi thường từ Chính phủ vì đối chiếu đi, đối chiếu lại, họ không đủ tiêu chuẩn, tiêu chí.

Trong buổi làm việc này, phía Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình có đưa ra Văn bản số 73/SNN-CCTS về việc trả lời đơn kiến nghị của bà Đinh Thị Phường, Võ Thị Tùng, Ngô Thị Lanh để giải thích. Cụ thể, “Về bồi thường đối với cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản: Căn cứ Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016; Quyết định 309/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương thì hàng thủy hải sản thu mua, tạm trữ được hỗ trợ phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể sau: Cơ sở còn lưu kho các sản phẩm thủy sản được thu mua trước ngày 30/8/2016; Các lô hàng đã được Bộ Y tế kiểm nghiệm và được cơ quan có thẩm quyền kiểm kê thực tế. Như vậy đối với 18 cơ sở thu mua, sơ chế hải sản, có địa điểm kinh doanh tại cảng cá Nhật Lệ, không có kho đông, kho lạnh và không có hàng thủy sản được thu mua, tạm trữ còn lưu kho đáp ứng các yêu cầu trên nên không thuộc đối tượng bồi thường, hỗ trợ”.

Viện dẫn trên của Sở NN&PTNT Quảng Bình cũng như quan điểm của ông Lợi trong buổi làm việc này là không đúng.

Theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng về Phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế” thì có 7 đối tượng được xác định được bồi thường: a. Khai thác thủy sản; b. Nuôi trồng thủy sản; c. Sản xuất muối; d. Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; đ. Dịch vụ hậu cần nghề cá; e. Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; g. Thu mua, tạm trữ thủy sản.

Ở đây, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình đã đánh tráo khái niệm khi đưa 18 hộ kinh doanh này từ đối tượng thuộc mục “d” (Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển) sang mục “g” (Thu mua, tạm trữ thủy sản).

Hoạt động kinh doanh thủy sản của 18 hộ thuộc gạch đầu dòng thứ nhất của mục “d” là: “- Tổ chức cá nhân có địa điểm kinh doanh hoặc có hộ khẩu thường trú tại các xã/phường/thị trấn ven biển trực tiếp thu mua, sơ chế thủy sản từ các tàu cá, tại cảng cá, bến cá, chợ cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản, bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển”.

Xin khẳng định, không thể có sự nhầm lẫn ở đây, bởi lẽ ngay chính trong Văn bản 73/SNN- CCTS của sở này, họ cũng đã xác định “18 cơ sở thu mua, sơ chế hải sản” đúng như chỉ dẫn tại mục “d” nêu trên. Còn đương nhiên, tại mục “g” của Quyết định 12 thì “Thu mua, tạm trữ thủy sản” đương nhiên phải có kho đông, kho lạnh thì mới tạm trữ được.

Việc đánh tráo khái niệm này đã đẩy 18 hộ kinh doanh trên buộc phải có đơn khiếu nại vượt cấp nhiều lần ra Trung ương, gây mất ổn định an ninh chính trị, làm phức tạp tình hình, làm người dân nghi ngờ, mất niềm tin vào chính sách kịp thời, nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Trả lời Văn phòng Chính phủ về kết quả giải quyết kiến nghị (thực tế là khiếu nại nhưng được viết thành kiến nghị) của 18 cơ sở, UBND tỉnh Quảng Bình tự xếp các hộ này thành “cơ sở thu mua tạm trữ thủy sản” và khẳng định “không có hàng thủy sản được tạm trữ còn lưu kho” nên không đủ điều kiện.

Ai, vì mục đích, động cơ gì mà đã tham mưu và trực tiếp đánh tráo khái niệm từ đối tượng “Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển” sang "Thu mua, tạm trữ thủy sản” để không giải quyết bồi thường cho 18 hộ kinh doanh tại Cảng cá Nhật Lệ? Việc này cần được các cơ quan của tỉnh Quảng Bình làm rõ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Chỉ đạo của Chính phủ là kịp thời, hiệu quả

Sự cố môi trường biển xảy ra từ tháng 4 năm 2016 tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống khoảng 510 nghìnngười thuộc 130 nghìn hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh miền Trung.

Sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, một số thế lực thù địch trong và ngoài nước, tuyên truyền xuyên tạc tình hình, kích động gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, môi trường đầu tư và gây khó khăn trong công tác xử lý, khắc phục sự cố môi trường.

Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, cùng với sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương quyết liệt, đồng bộ vào cuộc để sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố; ban hành một số chính sách cấp bách hỗ trợ người dân ổn định đời sống; chỉ đạo khôi phục sản xuất, môi trường. Ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và hệ thống chính trị các cấp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện công tác xử lý sự cố môi trường biển.Công tác xác định và kê khai thiệt hại được tiến hành khẩn trương,đúng đối tượng, công khai, minh bạch, dân chủ; việc thẩm tra, xét duyệt, thẩm định đối tượng, nhu cầu kinh phí về cơ bản đã được thực hiện đúng quy trình. Công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh trật tự đã được thực hiện đồng bộ. Hầu hết người dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng vào sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, nên đã tập trung vào việc khôi phục, phát triển sản xuất; làm thất bại các âm mưugây rối của các thế lực thù địch, phản động.

Đến nay, sau 2 năm tích cực triển khai các biện pháp khắc phục nhìn chung tình hình môi trường biển đã được khôi phục, chất lượng nước biển đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường, người tiêu dùng đãyên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản; hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi; tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định.Công tác bồi thường thiệt hại đã cơ bản hoàn thành, công tác phục hồi môi trường biển, hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, công tác an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh đang tiếp tục được triển khai tích cực.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính rà soát đã tạm cấp (5 lần) 100% kinh phí để thực hiện các Quyết định số 772/QĐ-TTg, Quyết định 1388/QĐ-TTg, Quyết định 1880/QĐ-TTg, Quyết định 309/QĐ-TTg và Công văn số 1826/TTg-NNcủa Thủ tướng Chính phủ là 6.969 tỷ đồng(Hà Tĩnh 1.932,8 tỷ đồng, Quảng Bình 3.009,9 tỷ đồng, Quảng Trị 1.053,5 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế 972,8 tỷ đồng).

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến ngày 10/5/2018, tổng số kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả hỗ trợ, bồi thường thiệt hại là 6.516 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 1.748,1 tỷ đồng, Quảng Bình: 2.784,8 tỷ đồng, Quảng Trị: 1.017,1 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế: 966 tỷ đồng).

Kết quả chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại là 6.428,9 tỷ đồng, tương đương 98,7% so với số đã phê duyệt. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh 1.722,7 tỷ đồng, bằng 98,5%; Quảng Bình 2.735,3 tỷ đồng, bằng 98,2%; Quảng Trị 1.004,9 tỷ đồng, bằng 98,8%; Thừa Thiên - Huế 966 tỷ đồng, bằng 100% số đã phê duyệt.

Tác giả: Yến Nhi

Nguồn tin: Báo Thanh tra

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP