Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (Ảnh: AFP/Getty) |
Sau tuyên bố ngày 6/12 của Tổng thống Donald Trump, Mỹ chính thức trở thành quốc gia đầu tiên công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Sự thay đổi chính sách đầy bất ngờ này của Washington ngay lập tức vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng Arab trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới.
Những rủi ro tiềm ẩn
Trong những tuyên bố chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump, nhiều nước cũng cảnh báo Mỹ về nhiều hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Hủy hoại mọi nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa Israel và Palestine, kích động tư tưởng gây khó khăn cho nỗ lực chống khủng bố, gây mất ổn định khu vực Trung Đông… là những nguy cơ lớn nhất từ việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng quyết định bất ngờ này của Tổng thống Trump có thể hủy hoại các mối quan hệ và các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Nhiều ý kiến cũng bày tỏ quan ngại việc ông Trump công nhận Jerusalem có thể khiến bạo lực bùng phát nhằm vào công dân Mỹ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi ích của nước này và nguy hại hơn nữa là gây ra những hậu quả nặng nề ở khu vực Trung Đông. Lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem ngày 7/12 đã cảnh báo công dân nước này về nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình sau khi người Palestine kêu gọi “3 ngày cuồng nộ” ở khắp Bờ Tây.
Và chắc chắn Tổng thống Trump có thể nhận thức được về những rủi ro này. Hồi tháng 6, chính ông Trump đã từng kí sắc lệnh hoãn quyết định chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem do lo ngại quyết định vấn đề này sẽ đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào bế tắc.
Xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo cứng rắn?
Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xung quanh vấn đề liệu cá nhân ông Trump và nước Mỹ sẽ có lợi gì từ việc thay đổi quy chế về Jerusalem trong khi hành động này tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy.
CNN dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục của ông Trump thời gian gần đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến ông Trump đưa ra quyết định về Jerusalem. Theo kết quả khảo sát công bố ngày 5/12, Tổng thống Trump chỉ nhận được 35% sự ủng hộ, tỷ lệ thấp chưa từng thấy kể từ khi ông lên nắm quyền.
Cũng theo CNN, ông Trump lo ngại về việc mất dần sự ủng hộ và đang dần có những bước đi nhằm lấy lại tín nhiệm từ phe bảo thủ. Quyết định về Jerusalem cũng được đưa ra vào thời điểm ông Trump đang chịu nhiều sức ép liên quan đến cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ 2016.
Tuyên bố chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem sẽ hiện thực hóa cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, qua đó giúp ông lấy lòng cử tri, các nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hòa và những người ủng hộ chính sách đối ngoại cứng rắn. Theo các nhà phân tích, ông Trump đã và đang xây dựng hình ảnh là tổng thống đủ can đảm để làm những điều mà các nhà lãnh đạo tiền nhiệm không dám làm.
Bên cạnh đó, việc công nhận Jerusalem cũng giúp ông Trump làm hài lòng Israel, đặc biệt là khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu là một trong những người ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Và hơn cả, quyết định này cũng cho phép ông Trump tạo uy thế và xây dựng hình ảnh là một nhà lãnh đạo cứng rắn ở Trung Đông - một trong những khu vực căng thẳng nhất trên thế giới.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn tin: Báo Dân trí