Cuộc sống

Vì sao nên vứt bỏ gói mỡ hành trong mỳ tôm?

TS Nguyễn Thị Lâm khuyên, khi ăn mỳ tôm, người dân cần nấu cùng với thịt, rau xanh để tăng chất xơ, chất khoáng và vitamin đồng thời, làm cân bằng chất béo, giúp cho cơ thể ít hấp thụ chất béo bão hòa. Nên vứt bỏ gói mỡ hành ở trong mỳ, vì mỡ này rất bất lợi cho cơ thể.

“Chỉ ăn mỳ ăn liền sẽ thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng đồng thời mỳ ăn liền thường được chiên nên nhiều chất béo làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh tim mạch” – TS Nguyễn Thị Lâm – Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhận định về thói quen ăn mì tôm quá nhiều của người Việt.

TS Lâm cho biết, mỳ ăn liền (mỳ tôm) có tác dụng làm no thay cơm, lại tiện dụng, dễ làm, nhanh được ăn, mùi vị cũng đa dạng, phong phú dễ khoái khẩu, không sợ bị ngộ độc thực phẩm lại khá rẻ nên được nhiều người dân ưa chuộng. Đặc biệt trong thời buổi hiện đại, con người càng ngày càng vội vã, bận rộn, ít thời gian nấu nướng, ít tiền để đi nhà hàng nên càng mê mỳ tôm. Mỳ tôm cũng là món ăn thường kỳ của nhiều sinh viên, người lao động tự do, người nghèo. “Tuy nhiên, xét về mặt dinh dưỡng, mỳ tôm không phải là món ăn hoàn hảo” – TS Lâm nhận định.

146779440010756 my tom
Thói quen ăn “mỳ úp” của người Việt gây bất lợi cho sức khoẻ.

TS Lâm phân tích, mỳ tôm được chiên qua dầu, vì thế lượng chất béo bão hoà (khó tan) trong mỳ khá nhiều. Đây là chất béo làm tăng nguy cơ béo phì và các bệnh tim mạch nếu đi vào mạch máu, làm xơ vữa động mạch. Ngoài ra, thành phần dinh dưỡng của mỳ tôm không cân đối, chủ yếu từ tinh bột. Thành phần này càng dễ chuyển hoá thành chất béo, không có lợi cho cơ thể.

Theo TS Lâm, đáng lưu ý là thói quen ăn mỳ ăn liền của người Việt Nam khác với các nước khác nên càng bất lợi cho sức khoẻ hơn. Các nước Nhật, Hàn… cũng ăn nhiều mỳ tôm nhưng bát mỳ của họ thường có thêm rau xanh, có thịt hoặc ăn kèm với xa lát, dưa muối… Còn người Việt đa số chỉ ăn mỳ “úp” với nước sôi nên bữa ăn thiếu rất nhiều thành phần dinh dưỡng. “Chưa có nghiên cứu nào khẳng định ăn bao nhiêu mỳ tôm sẽ bất lợi cho sức khoẻ. Nhưng với việc bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng, nhiều chất béo bão hoà thì việc ăn nhiều và ăn mỳ tôm trong thời gian dài thì cơ thể sẽ thiếu nhiều dưỡng chất như đạm, vitamin, kẽm, chất xơ… Sự thiếu hụt này có hại cho sự phát triển của người trẻ, đồng thời làm giảm hệ miễn dịch và kéo theo nhiều bệnh tật khác” – TS Lâm cho biết.

TS Lâm khuyên, khi ăn mỳ tôm, người dân cần nấu cùng với thịt, rau xanh để tăng chất xơ, chất khoáng và vitamin đồng thời, làm cân bằng chất béo, giúp cho cơ thể ít hấp thụ chất béo bão hòa. Nên vứt bỏ gói mỡ hành ở trong mỳ, vì mỡ này rất bất lợi cho cơ thể. Gói muối trong mì cũng hơi nhiều, nên bà con cũng chỉ nên dùng một nửa, không nên ăn mặn quá.

Trước đó, Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho biết, Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về lượng tiêu thụ mỳ gói, sau Nhật, Indonesia, Trung Quốc. Tuy số lượng tiêu thụ mỳ ăn liền của người Việt đã giảm so với các năm trước, nhưng vẫn còn khá cao. Cụ thể, năm 2013 Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì, 2014 giảm xuống còn 5 tỷ gói và 2015 còn 4,8 tỷ gói. Như vậy, nếu tính 92 triệu dân thì mỗi năm, trung bình một người Việt tiêu thụ hơn 50 gói mỳ ăn liền.

Tác giả bài viết: Diệu Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP