Cuộc sống

Vì sao mùa đông trẻ nhỏ, người lớn bị ngứa- gãi đến chảy máu?

Thời tiết lạnh, hanh khô, da sẽ tiết ít mồ hôi và các axit hữu cơ để bảo vệ da ít đi, lớp biểu bì da ngày càng mỏng, mất đàn hồi, nứt nẻ… khiến nhiều người mắc bệnh ngoài da.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lãnh- Bệnh viện Da liễu Trung ương, có 3 bệnh ngoài da phổ biến cần đặc biệt lưu ý vào mùa đông đó là: mề đay do lạnh, ngứa ngoài da do lạnh và vảy nến. Theo đó, người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu để nhận biết từng loại bệnh cũng cần được lưu ý để chăm sóc, điều trị da đúng cách.

Nổi mề đay- bệnh ngoài da phổ biến ở cả trẻ em và người lớn với triệu chứng là những mảng phù màu hồng, đỏ nổi sần rải rác trên khắp cơ thể gây cảm giác căng ngứa khó chịu.

Nổi mề đay là một bệnh khá nguy hiểm, có thể gây phù nề thanh quản, chèn ép khí quản khiến khó thở, thậm chí người bệnh dễ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể tái phát nhiều lần trong ngày, nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh dễ chuyển thành mề đay mãn tính, rất khó chữa trị.

Nổi mề đay khiến nhiều người ngứa "phát điên" (Ảnh minh họa).

Thông thường những người dễ bị nổi mề đay có cơ địa khá nhạy cảm, do vậy để phòng bệnh cần lưu ý: Giữ ấm cơ thể, hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường lạnh, tránh ăn đồ ăn, uống các loại thuốc đã gây dị ứng, giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ….

Các chuyên gia da liễu cảnh báo, thời tiết lạnh, hanh khô, da sẽ tiết ít mồ hôi và các axit hữu cơ để bảo vệ da ít đi. Đặc biệt, lớp biểu bì da ngày càng mỏng, mất đàn hồi, nứt nẻ. Trong khi đó, thời tiết lạnh, nhiều người có thói quen sưởi ấm hoặc tắm nước quá nóng làm cho độ ẩm da đã ít lại càng bốc hơi nhanh, gây nên các bệnh về da.

Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ngứa ngoài da ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Biểu hiện bệnh thể hiện rất rõ khi trời lạnh, người bệnh từ ngứa lâm râm đến dữ dội. Với bệnh này, vào ban đêm khi ngủ, trời càng lạnh hơn thì người bệnh càng ngứa dữ dội, càng gãi thì lại càng ngứa, có người gãi đến chảy máu mà không đỡ.

“Trời lạnh, hanh khô mao mạch trên da co lại khiến lượng máu cung cấp cho da giảm, khả năng bài tiết mồ hôi và axit hữu cơ có tác dụng giữ ẩm cho da bị giảm xuống”, bác sĩ Lãnh khuyến cáo.

Mùa đông, cả trẻ nhỏ và người lớn đều dễ mắc các bệnh về da (Ảnh minh họa).

Để hạn chế bị ngứa vào mùa đông cần chú ý vệ sinh da sạch sẽ, không dùng nước quá nóng, không chà xát da mạnh, không tắm lâu vì dễ khiến da mất hết chất nhờn, càng khô và nứt nẻ khiến càng ngứa hơn. Khi tắm xong nên bôi kem dưỡng ẩm phù hợp với da. Nếu bị ngứa dữ dội kéo dài cần đến các chuyên khoa da liễu để thăm khám và dùng thuốc phù hợp, không tự ý dùng thuốc hoặc gãi mạnh gây trầy xước, nhiễm trùng da.

Bên cạnh hai căn bệnh điển hình mùa đông trên, vảy nến là một bệnh mãn tính được đặc trưng hay “nổi loạn” vào mùa đông. Bệnh vảy nến rất khó điều trị, có thể gây biến chứng viêm, biến dạng khớp xương.

Để tránh bệnh tái phát trong mùa đông, các bác sĩ khuyên, người mắc bệnh vảy nến cần giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có thể bổ sung thêm vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng; uống đủ nước để da không bị khô, gây ngứa, đồng thời tránh các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá).

Tác giả bài viết: Vân An

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP