Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong: Vì sao khi thanh tra Formosa trước khi xảy ra sự cố không phát hiện sai phạm nào, sau sự cố lại phát hiện tới 53 sai phạm, nhất là sai phạm về tự ý chuyển đổi công nghệ dập cốc?
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, thời điểm thanh tra tháng 6/2015 (trước sự cố), Formosa đang xây dựng lò luyện cốc (lò cốc số 1 mãi đến tháng 11/2016 mới hoàn thành xây dựng). Khi xây dựng họ có yêu cầu cấm không vào khu vực đang thi công.
Vì vậy, đoàn thanh tra chỉ thanh tra trạm xử lý nước thải công nghiệp hay nơi lưu giữ chất thải nguy hại, riêng về lò luyện cốc đoàn chưa vào được. Phải đến đoàn kiểm tra liên ngành sau sự cố, sau khi đọc toàn bộ tài liệu mới phát hiện ra sự việc.
Trả lời câu hỏi của PV báo Thanh niên: Trước khi vận hành thử nghiệm, Formosa đã gửi 7 văn bản thông báo đến Bộ TN&MT, tại sao Bộ không tiến hành thanh tra, cho đến khi xảy ra sự cố mới thanh tra?
Ông Hoàng Văn Thức cho hay, theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, doanh nghiệp sau khi hoàn thành công trình xây dựng, bắt đầu thử nghiệm thì có trách nhiệm gửi thông báo cơ quan chức năng.
Sau khi thông báo, doanh nghiệp được phép vận hành thử nghiệm là 6 tháng, sau 6 tháng mới phải báo cáo kết quả về Tổng cục Môi trường, lúc đó, Tổng cục Môi trường mới có thể thành lập đoàn kiểm tra. Ông Thức thừa nhận, đây là một lỗ hổng pháp lý.
“Khi xảy ra vụ việc Formosa, chúng tôi thấy đây là một lỗ hổng. Vì vậy, đã kiến nghị với Bộ, Bộ đã báo cáo Chính phủ, sắp tới phải sửa luật”, ông Thức nói.
Tại họp báo chuyên đề công tác thanh tra tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng qua (17/11), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đã thông tin phần nào trách nhiệm của cá nhân, tập thể của Bộ này trong sự cố Formosa.
“Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm chính”
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, Ban Bí thư cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT kiểm điểm trách nhiệm.
Ông Hiển cho rằng, trước hết phải khẳng định sự cố Formosa là sai của Formosa. Formosa đã nhận lỗi và chịu hoàn toàn trách nhiệm sự cố này. “Tôi là trực tiếp tham gia đấu tranh để Formosa nhận lỗi”, ông Hiển nói.
Liên quan đến trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, để xảy ra một sự cố như Formosa, Bộ TN&MT với vai trò là tư lệnh ngành môi trường có một phần trách nhiệm.
“Chúng tôi có kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, từ việc xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, cụ thể Luật bảo vệ môi trường 2015 cũng như văn bản hướng dẫn thi hành luật còn thiếu sót, chậm trễ”, ông Hiển nói. Mặc dù vậy, theo ông Hiển, trách nhiệm chính trong sự cố này là của địa phương, ở đây là tỉnh Hà Tĩnh. Vì Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa đặt nhà máy ở Hà Tĩnh nên tỉnh này phải là cơ quan kiểm tra, giám sát thường xuyên nhất, trực tiếp nhất với Formosa. “Bộ cũng có trách nhiệm rồi nhưng kiểm tra, giám sát thường xuyên là việc của địa phương”, ông Hiển nói.
Về trách nhiệm Ban cán sự đảng Bộ TN&MT, theo Thứ trưởng Hiển, Ban cán sự đảng đã kiểm điểm và xin nhận mọi hình thức kiểm điểm trước Chính phủ, Ban bí thư. Hiện đang chờ Ban bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét.
Về cá nhân của ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ TN&MT giai đoạn 2011-2015, ông Hiển cho biết, thời kỳ xảy ra sự cố Formosa, ông Nguyễn Minh Quang không phải thành viên Ban cán sự đảng.
Ban Bí thư và Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm những người đương chức nên chỉ kiểm điểm trách nhiệm đương chức, đặc biệt là những người phụ trách lĩnh vực để xảy ra sự cố. Vì thế, ông Nguyễn Minh Quang không bị kiểm điểm trước Ban cán sự đảng Bộ TN&MT.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hiển, Ban cán sự đảng có mời ông Nguyễn Minh Quang dự họp, tham gia ý kiến vào việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong sự cố Formosa. Ông Nguyễn Minh Quang cho biết, sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật.
Về cá nhân ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng phụ trách Tổng cục Môi trường, ông Hiển cho biết, Ban cán sự đảng đã kiến nghị không xem xét trách nhiệm của ông Võ Tuấn Nhân vì khi xảy ra sự cố, ông Võ Tuấn Nhân vừa nhận phụ trách lĩnh vực môi trường mấy ngày, đang trong quá trình tìm hiểu lĩnh vực, không xử lý bất cứ vấn đề môi trường nào trước đó.
Liên quan đến trách nhiệm trong việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng như việc cấp phép xả thải của dự án, ông Hiển cho biết, thời gian qua, có một số ý kiến và một số báo chí nêu Bộ TN&MT sai phạm trong việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như cấp phép xả thải của Formosa. “Tôi xin đính chính là không đúng. Ban cán sự đảng Bộ TN&MT đã kiểm điểm và khẳng định việc thẩm định ĐTM, cấp phép xả thải cho Formosa là đúng quy định của pháp luật”.
Chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Về các cá nhân cụ thể của Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm trong sự cố Formosa? Ông Hiển cho biết, những người có liên quan của Bộ TN&MT sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm điểm.
Theo ông Hiển, hiện nay, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang kiểm tra trách nhiệm của những người có liên quan đến sự cố Formosa cả khóa trước và khóa này đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị của Bộ TN&MT trong sự cố Formosa.
Về trách nhiệm của Tổng cục Môi trường, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng cho biết, Tổng cục Môi trường họp kiểm điểm nhiều lần với các đơn vị liên quan đến thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng như đơn vị thanh tra, kiểm tra. Đã xác định rõ trách nhiệm của các tập thể cá nhân. “Hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang vào làm, có kết quả chúng tôi sẽ thông báo”, ông Thức nói.
Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội chiều 15/11, Bộ trưởng Bộ TT&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TT&MT chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố Formosa. |
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài
Nguồn tin: