Việc học ngoại ngữ trong nhà trường, nhất là tiếng Anh thường quá chú trọng đến ngữ pháp
Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 đã đi được 2/3 thời gian với mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai, chỉ riêng kết quả môn tiếng Anh cũng đã khiến nhiều người thất vọng. Câu hỏi đặt ra là vì sao đề án này chưa đạt được hiệu quả, cách thức nào để cải thiện?
Sau 8 năm triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ, môn tiếng Anh có kết quả thấp ngạc nhiên. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2016 vừa qua, điểm trung bình của môn Tiếng Anh chỉ đạt 3,48 điểm. Theo thống kê, hơn 88% thí sinh có điểm liệt và điểm dưới trung bình ở môn thi này. Có gần 200 ngàn bài thi nằm trong khung điểm từ 2 đến 2,5. Như vậy, tiếng Anh là môn thi có điểm dưới trung bình nhiều nhất. Phần lớn học sinh cho rằng, việc học ngoại ngữ trong nhà trường, nhất là tiếng Anh thường quá chú trọng đến ngữ pháp, nhưng chưa có nhiều cơ hội để được thực hành giao tiếp và ghi nhớ.
Lê Bảo Anh, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mình phải có thời gian sử dụng tiếng Anh, học tiếng Anh là cả một quá trình lâu dài để rèn luyện và cải thiện. Tại sao mình nói tốt tiếng Việt vì mình nói nhiều, tiếp xúc nhiều nên mình nhớ được. Còn tiếng Anh mình ít tiếp xúc”.
Đó là một trong những lí do khiến việc học tiếng Anh trong nhà trường chưa hiệu quả. Trong khi đó, mục tiêu của Đề án dạy và học tiếng Anh là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp từ trung cấp đến đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.
Bà Võ Ngọc Thu, Nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, nguyên nhân khó đạt được mục tiêu trên là đa số giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn dù có bằng cấp theo trình độ đào tạo. Hiện nay, cách dạy vẫn theo phương pháp truyền thống, học sinh không được hoạt bát, giáo viên đọc sao thì học sinh đọc vậy. Sĩ số lớp hiện nay khá đông, khiến cho sự tương tác giữa giáo viên và học sinh để phát triển kỹ năng nói không hiệu quả. Kỹ năng nghe, nói đều bị hạn chế. Giáo trình tiếng Anh cũng thường xuyên bị thay đổi, chưa có sự nhất quán về khung giáo trình. Trong khi đó, môi trường giao tiếp ngoại ngữ còn hạn chế, học sinh ít có cơ hội thực hành ngôn ngữ ngoài thời gian học trên lớp. Bà Thu cho rằng cần tạo điều kiện để giáo viên toàn tâm toàn ý nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn: “Tạo điều kiện cho giáo viên mình đi ra nước ngoài, đến những môi trường, những lớp học để tham quan học tập sự giảng dạy của giáo viên nước ngoài với phương pháp năng động, và với phương pháp giúp học sinh tương tác được. Giáo viên mình được nhìn thấy, nghe và học thì tôi nghĩ phương pháp đó sẽ áp dụng triệt để và tốt hơn”.
Động lực để học ngoại ngữ chưa cao là vấn đề cản trở người học đến với một ngoại ngữ mới. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, những đổi mới trong kiểm tra đánh giá môn tiếng Anh phần nào chưa song hành với những thay đổi trong việc dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng ở phổ thông.
Ông Võ Thanh Bình, giảng viên môn Tiếng Anh trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu dạy học một đằng, nhưng thi cử một nẻo, nên động lực học tập của phần đông học sinh, sinh viên không cao. Người dạy cũng chịu áp lực dạy theo điểm số cũng như kết quả học tập. Chương trình dạy và học chưa chuyển dịch theo hướng phát triển các kỹ năng được đổi mới đánh giá theo hướng giao tiếp. Vì vậy, việc kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ từ bậc phổ thông phải thay đổi, đặc biệt cách thức thi trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia cần phải thay đổi theo hướng kiểm tra 4 kỹ năng là nghe, nói, đọc, viết. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần được nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy và nhất quán về giáo trình giảng dạy, thậm chí lồng ghép những bài học về văn hóa lịch sử của Việt Nam để tạo thêm hứng thú cho người học.
Ông Vũ Thanh Bình nói: “Học ngôn ngữ thì phải học nói, học nghe trước rồi mới học viết. Nhưng mình lại làm ngược lại, mình ép học sinh viết từng chữ, từng từ nên lỗi ở đây là dạy học sinh học ngữ chứ không dạy học tốt giao tiếp, nên đi sai mục đích về ngôn ngữ. Người dạy tốt tiếng Anh chỉ cần phát âm chuẩn tiếng Anh, có kiến thức ngữ nghĩa về tiếng Anh và biết phương pháp giảng dạy là được. Nghĩa là mình biết học viên của mình cần gì".
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khuyến khích các cơ sở giáo dục tiếp nhận các chương trình ngoại ngữ được quốc tế công nhận, tăng cường dạy học ngoại ngữ chuyên ngành trong các cơ sở đào tạo, dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở phổ thông… Tiến tới cải thiện tình trạng dạy và học ngoại ngữ hiện nay, đưa dự án dạy và học ngoại ngữ trong các trường quốc dân trở nên thiết thực, hiệu quả hơn./.
Tác giả bài viết: Ngọc Luân